CHUYÊN MỤC








Trang chủ > Hỏi đáp pháp luật - Phòng chống tham nhũng - Kỳ 5

Hỏi đáp pháp luật - Phòng chống tham nhũng - Kỳ 5

Ngày đăng bài: 07/08/2023
Hỏi đáp pháp luật - Phòng chống tham nhũng - Kỳ 5
Hỏi - đáp về chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn
Câu 1. Vì sao phải định kỳ chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn? Việc chuyển đôi được thực hiện theo nguyên tắc nào? Trả lời:
Chuyển đổi vị trí công tác có vai trò rất quan trọng trong việc phòng ngừa tham nhũng. Mục đích của việc chuyển đổi nhằm ngăn ngừa việc cán bộ, công chức ở lâu một vị trí có thể tạo nên những ê kíp, lợi dụng những kẽ hở của cơ chế chính sách, pháp luật để tham nhũng. Tuy nhiên, việc chuyển đổi vị trí công tác phải đảm bảo sự ổn định của quản lý nhà nước, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị và tính chuyên môn sâu của các vị trí công tác.
Trong thời gian vừa qua, việc chuyển đổi vị trí công tác đã có tác dụng tích cực nhất định trong phòng ngừa tham nhũng. Tuy nhiên, việc thực hiện chế định này trong thực tiễn vẫn còn nhiều hạn chế. Báo cáo của Chính phủ về tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN năm 2005 đã chỉ rõ: “Việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức ở một số bộ, ngành, địa phương theo quy định của pháp luật còn chưa thường xuyên, hình thức, chưa kiên quyết, còn có hiện tượng nể nang, e ngại cán bộ thuộc diện chuyển đổi vị trí phản ứng, thiếu kiểm tra, thanh tra việc thực hiện. Có những vị trí chuyển đổi khó thực hiện, có nơi còn có biểu hiện lợi dụng việc chuyển đổi vị trí công tác để trù dập người khác hoặc trục lợi cá nhân”. Nhằm khắc phục những hạn chế này, bên cạnh việc kế thừa một số quy định của Luật PCTN năm 2005, Luật PCTN năm 2018 có một số điều chỉnh cho phù hợp. Đồng thời để tránh việc lợi dụng việc chuyển đổi vị trí công tác vào những mục đích không chính đáng, Điều 24 Luật PCTN năm 2018 quy định cụ thể những nguyên tắc chuyển đổi như sau:
- Cơ quan, tổ chức, đơn vị theo thẩm quyền có trách nhiệm định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình nhằm phòng ngừa tham nhũng. Việc luân chuyển cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thực hiện theo quy định về luân chuyển cán bộ.
- Việc chuyển đổi vị trí công tác phải bảo đảm khách quan, hợp lý, phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
- Việc chuyển đổi vị trí công tác phải được thực hiện theo kế hoạch và được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
- Không được lợi dụng việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức vì vụ lợi hoặc để trù dập cán bộ, công chức, viên chức.
Đồng thời, để đảm bảo sự công khai, minh bạch trong việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác, Luật PCTN năm 2018 đã bổ sung quy định về kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác. Theo đó, định kỳ hàng năm, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải ban hành và công khai kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác đối với người có chức vụ, quyền hạn theo thẩm quyền quản lý cán bộ. Kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác phải nêu rõ mục đích, yêu cầu, trường hợp cụ thể phải chuyển đổi vị trí Công tác, thời gian thực hiện chuyển đổi, quyền, nghĩa vụ của người phải chuyển đổi vị trí công tác và biện pháp tổ chức thực hiện (Điều 26).
Câu 2. Những vị trí công tác nào phải định kỳ chuyển đổi. Thời hạn phải định kỳ chuyển đổi là bao lâu?
Trả lời:
- Luật PCTN năm 2018 quy định việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn không phải được thực hiện đối với tất cả các vị trí công tác mà chỉ áp dụng đối với một số vị trí nhất định dễ phát sinh tham nhũng, gồm một số vị trí có liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác (khoản 1 Điều 25). Để đảm bảo phù hợp với đặc thù của từng ngành, lĩnh vực, Luật PCTN năm 2018 quy định giao Chính phủ quy định chi tiết vị trí công tác phải chuyển đổi và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội quy định chi tiết vị trí công tác phải chuyển đổi và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối người có chức vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền quản lý của mình (khoản 4 Điều 25).
Nhằm cụ thể hóa quy định được giao trong Luật
PCTN năm 2018, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định cụ thể danh mục các vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi trong các lĩnh vực (tại Phụ lục của Nghị định). Căn cứ vào danh mục này Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm quy định cụ thể danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực ở chính quyền địa phương. Quy định này nhằm đảm bảo tính khả thi, phù hợp với yêu mang tính đặc thù trong từng ngành, lĩnh vực bởi Nghị định không thể quy định quá chi tiết về từng vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi trong từng lĩnh vực của các Bộ, ngành.
Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là từ đủ 02 năm đến 05 năm theo đặc thù của từng ngành, lĩnh vực.
Việc chuyển đổi vị trí công tác được thực hiện theo phương thức chuyển đổi vị trí công tác cùng chuyên môn, nghiệp vụ từ bộ phận này sang bộ phận khác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; giữa các lĩnh vực, địa bàn được phân công theo dõi, phụ trách, quản lý hoặc giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phạm vi quản lý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương. Chuyển đổi vị trí công tác được thực hiện bằng văn bản điều động, bố trí, phân công nhiệm vụ đối với người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.
Câu 3. Trường hợp nào chưa thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác?
Trả lời:
Việc chuyển đổi vị trí công tác cơ bản được thực hiện theo danh mục và thời hạn quy định tại Nghị định số 59/2019/NĐ-CP và quy định cụ thể của các Bộ, ngành. Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn và đảm bảo tính khách quan, công bằng, đảm bảo yếu tố bình đẳng giới, Điều 38 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP đã cụ thể hóa một số trường hợp chưa thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác bao gồm: Người đang trong thời gian bị xem xét, xử lý kỷ luật; Người đang bị kiểm tra, xác minh, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử; Người đang điều trị bệnh hiểm nghèo được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận; người đang đi học tập trung từ 12 tháng trở lên, người đang biệt phái; Phụ nữ đang trong thời gian mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; nam giới đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi do vợ mất hoặc trong trường hợp khách quan khác.
Với một số trường hợp đặc biệt như: Cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ có một vị trí trong danh mục định kỳ chuyển đổi mà vị trí này có yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ khác với các vị trí còn lại của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó thì việc chuyển đổi do người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp lập kế hoạch chuyển đổi chung. Ngoài ra, không thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với người có thời gian công tác còn lại dưới 18 tháng cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu. Những quy định này nhằm đảm bảo tính khả thi và ý nghĩa thiết thực của việc chuyển đổi vị trí công tác.


Cơ quan: UBND huyện Đak Pơ tỉnh Gia Lai
Địa chỉ: Tổ dân phố 2, thị trấn Đak Pơ, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai
Điện thoại: (0269) 3 738 275
Email: ubnddakpo@gialai.gov.vn
Fax: (0269) 3 738 275
Chung nhan Tin Nhiem Mang