CHUYÊN MỤC








Trang chủ > Hỏi đáp pháp luật - Phòng chống tham nhũng - Kỳ 4

Hỏi đáp pháp luật - Phòng chống tham nhũng - Kỳ 4

Ngày đăng bài: 10/07/2023
Hỏi đáp pháp luật - Phòng chống tham nhũng - Kỳ 4
Quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và vấn đề kiểm soát xung đột lợi ích
Câu 1. Quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn là gì?
Trả lời:
Quy tắc ứng xử là các chuẩn mực xử sự của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội, bao gồm những việc phải làm hoặc không được phép làm phù hợp với quy định của pháp luật và đặc thù nghề nghiệp nhằm đảm bảo liêm chính, trách nhiệm, đạo đức công vụ. Quy tắc ứng xử cũng là sự cụ thể hóa các quy định của pháp luật và các quy phạm đạo đức trong các tình huống cụ thể phát sinh trong hoạt động công vụ. Chính vì vậy, quy tắc ứng xử đạo đức tạo ra những khuôn mẫu, chuẩn mực trong ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức. Xây dựng và thực hiện đúng quy tắc ứng xử cũng góp phần loại trừ nguyên nhân phát sinh tham nhũng trong hoạt động công vụ và là cơ sở để người dân giám sát việc thực thi công vụ của những người có chức vụ, quyền hạn.
Câu 2. Quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn được Luật PCTN quy định cụ thể như thế nào?
Trả lời:
Quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn là một chế định mới được quy định trong Luật PCTN năm 2018 trên cơ sở tập hợp và hệ thống hóa một số nhóm quy định của Luật PCTN năm 2005, Luật Doanh nghiệp và Luật Cán bộ, công chức và có chỉnh lý để bảo đảm phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phòng ngừa xung đột lợi ích. Cụ thể bao gồm một số nội dung: Quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; các quy định về tặng quà và nhận quà tặng; kiểm soát xung đột lợi ích. Các quy định này giúp xây dựng và bảo đảm liêm chính trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và là trụ cột để ngăn ngừa tham nhũng. Cụ thể như sau:
- Về quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị: Trên cơ sở kế thừa một số quy định của Luật PCTN năm 2005 và có chỉnh lý, bổ sung cho phù hợp, Điều 20 Luật PCTN năm 2018 đã quy định quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Theo đó, người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị không được: Nhũng nhiễu trong giải quyết công việc, thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ trường hợp luật có quy định khác; tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết…; Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó…
- Về tặng quà và nhận quà: Kế thừa Luật PCTN năm 2005, Luật PCTN năm 2018 đã quy định cụ thể hơn về việc tặng quà. Theo đó, cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được sử dụng tài chính công, tài sản công làm quà tặng, trừ trường hợp tặng quà vì mục đích từ thiện, đối ngoại và trong một số trường hợp cần thiết khác. Đối với việc nhận quà tặng có liên quan đến công việc đang giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của người có chức vụ, quyền hạn cần phải cấm tuyệt đối để phòng ngừa tham nhũng. Vì vậy, khoản 2 Điều 22 Luật PCTN năm 2018 quy định cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.
- Kiểm soát xung đột lợi ích: Khoản 8 Điều 3 Luật PCTN năm 2018 quy định: Xung đột lợi ích là tình huống mà trong đó lợi ích của người giữ chức vụ, quyền hạn hoặc người thân thích của họ tác động hoặc sẽ tác động không đúng đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Tuy đây là một khái niệm mới được ghi nhận chính thức trong Luật nhưng về nội dung thì đã nằm rải rác trong quy định của Luật PCTN năm 2005 và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác.
Xung đột lợi ích có nhiều tình huống với mức độ ảnh hưởng khác nhau. Khi có tình huống dẫn đến xung đột lợi ích nếu xét thấy tiếp tục để người đó thực hiện nhiệm vụ, công vụ có thể dẫn đến tham nhũng hoặc việc giải quyết công việc thiếu khách quan thì cần phải có biện pháp kiểm soát tình huống đó. Chính vì vậy, Điều 23 Luật PCTN năm 2018 đã có quy định về kiểm soát xung đột lợi ích, bao gồm báo cáo, thông tin và biện pháp kiểm soát xung đột lợi ích. Luật đã quy định người trực tiếp quản lý, sử dụng người có chức vụ, quyền hạn được áp dụng một trong các biện pháp: Giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích; đình chỉ, tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người xung đột lợi ích; tạm thời chuyển người có xung đột lợi ích sang vị trí công tác khác. Quy định này nhằm bảo đảm có căn cứ cho người đứng đầu lựa chọn biện pháp xử lý phù hợp với từng tình huống xung đột lợi ích trên thực tế mà vẫn bảo đảm hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đồng thời, Luật PCTN năm 2018 cũng đã giao cho Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Việc quy định về xung đột lợi ích và kiểm soát xung đột lợi ích trong Luật PCTN năm 2018 khẳng định kiểm soát xung đột lợi ích là công cụ quan trọng nhằm PCTN hiệu quả, đảm bảo sự thống nhất trong nhận thức về xung đột lợi ích và kiểm soát xung đột lợi ích, thống nhất về cơ chế kiểm soát, thống nhất các biện pháp áp dụng và tổ chức thực hiện pháp luật về phòng ngừa, phát hiện và quản lý xung đột lợi ích.
Câu 3. Thời hạn mà người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã
sau khi thôi chức vụ được quy định cụ thể như thế nào? Trả lời:
Điểm d khoản 2 Điều 20 Luật PCTN năm 2018 quy định người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị không được: “Thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ”.
Nhằm quy định chi tiết nội dung này, trên cơ sở kế thừa những nội dung còn phù hợp của Nghị định số 102/2007/ NĐ-CP ngày 14/6/2007 của Chính phủ về việc quy định thời hạn không được kinh doanh trong lĩnh vực có trách nhiệm quản lý đối với những người là cán bộ, công chức, viên chức sau khi thôi giữ chức vụ, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP đã quy định thời hạn thôi giữ chức vụ, quyền hạn không được kinh doanh theo các nhóm lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của các Bộ, ngành, có chỉnh lý, sắp xếp thành 04 nhóm tương ứng với 04 khung thời hạn (cụ thể tại Điều 22, Điều 23 Nghị định này). Riêng lĩnh vực thuộc quản lý của các Bộ: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, do có nhiều yếu tố đặc thù cần kiểm soát chặt chẽ hơn nên Nghị định quy định: Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ban hành thời hạn mà người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ trong các lĩnh vực đặc thù.
Quy định về các khung thời hạn không được kinh doanh sau khi thôi giữ chức vụ tại Nghị định số 59/2019/NĐ-CP là những quy định mang tính định khung chung. Để bảo đảm phù hợp với từng lĩnh vực cụ thể của các Bộ, ngành, Nghị định giao trách nhiệm cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quy định cụ thể thời hạn người thôi giữ chức vụ, quyền hạn không được kinh doanh theo các lĩnh vực thuộc phạm vi Bộ, ngành mình quản lý (khoản 2 Điều 23 Nghị định).
Câu 4. Luật PCTN quy định cụ thể như thế nào về việc tặng quà và nhận quà tặng. Khi được nhận quà tặng không đúng quy định thì cơ quan, tổ chức, đơn vị phải xử lý như thế nào?
Trả lời:
Nhằm ngăn ngừa các tình huống xung đột lợi ích, đặc biệt là việc lợi dụng việc tặng quà và nhận quà tặng để đưa và nhận hối lộ, Luật PCTN năm 2018 đã quy định rõ: Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được sử dụng tài chính công, tài sản công làm quà tặng, trừ trường hợp tặng quà vì mục đích từ thiện, đối ngoại và trong trường hợp cần thiết khác theo quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình (Điều 22).
Nghị định số 59/2019/NĐ-CP cũng đã khẳng định lại điều này đồng thời quy định: Cơ quan, tổ chức, đơn vị khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải giao quà lại cho bộ phận chịu trách nhiệm quản lý quà tặng của cơ quan, đơn vị đó để xử lý theo quy định. Người có chức vụ, quyền hạn khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp và nộp lại quà tặng để xử lý theo quy định trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng.
Việc xử lý quà tặng được quy định phù hợp với đặc điểm của từng loại quà tặng, cụ thể:
- Đối với quà tặng bằng tiền, giấy tờ có giá trị thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức tiếp nhận, bảo quản và làm thủ tục nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
- Đối với quà tặng bằng hiện vật, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận, bảo quản và xử lý như sau:
+ Xác định giá trị của quà tặng trên cơ sở giá của quà tặng do cơ quan, đơn vị, cá nhân tặng quà cung cấp (nếu có) hoặc giá trị của quà tặng tương tự được bán trên thị trường. Trong trường hợp không xác định được giá trị của quà tặng bằng hiện vật thì có thể đề nghị cơ quan chức năng xác định giá trị;
+ Quyết định bán quà tặng và tổ chức công khai bán quà tặng theo quy định của pháp luật;
+ Nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu được sau khi khấu trừ đi chi phí liên quan đến việc xử lý quà tặng trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bán quà tặng.
- Đối với quà tặng là dịch vụ tham quan, du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo, thực tập, bồi dưỡng trong nước hoặc ngoài nước, dịch vụ khác thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thông báo đến cơ quan, tổ chức, đơn vị cung cấp dịch vụ về việc không sử dụng dịch vụ đó.
- Đối với quà tặng là động vật, thực vật, thực phẩm tươi sống và hiện vật khác khó bảo quản thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị căn cứ tình hình cụ thể và quy định của pháp luật về xử lý tang vật trong các vụ việc vi phạm hành chính để quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý.
Đồng thời nhằm xem xét, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị, cá nhân đã “cố ý” tặng quà không đúng quy định, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP còn quy định: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày xử lý quà tặng, cơ quan, tổ chức, đơn vị xử lý quà tặng có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý người tặng quà hoặc cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tặng quà để xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
Câu 5. Xung đột lợi ích là gì? Trả lời:
Việc nhận diện và kiểm soát xung đột lợi ích có ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác PCTN. Tuy nhiên trước khi có Luật PCTN năm 2018 thì chưa có văn bản nào chính thức ghi nhận và điều chỉnh nội dung này. Rải rác có một số văn bản luật (Luật Cán bộ, công chức, Luật PCTN năm 2005, Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp, Luật Kiểm toán, Bộ Luật tố tụng hình sự…) có ghi nhận một số tình huống cụ thể và một số biện pháp kiểm soát xung đột lợi ích như tặng, nhận quà, tham gia các hoạt động ngoài công vụ sau khi thôi làm việc trong cơ quan nhà nước hay trong hoạt động đấu thầu…
Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng thế giới tại Việt Nam đã tổ chức nghiên cứu, khảo sát, đánh giá về xung đột lợi ích. Kết quả nghiên cứu cho thấy, một số quy định kiểm soát xung đột lợi ích chưa tương đồng hoặc chưa đồng bộ với các quy định pháp luật khác khiến cho việc thực thi kém hiệu quả hoặc nhiều biện pháp kiểm soát xung đột lợi ích theo quy định của pháp luật còn chưa được thực hiện. Kết quả khảo sát cho thấy các tình huống xung đột lợi ích đang diễn ra tương đối phổ biến ở nhiều khâu quản lý nhà nước và trên nhiều ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, việc kiểm soát xung đột lợi ích và xử lý vi phạm pháp luật về xung đột lợi ích còn khá hạn chế. Do vậy, cần thiết phải quy định xung đột lợi ích và kiểm soát xung đột lợi ích trong Luật PCTN. Việc quy định thành một chế định pháp luật về xung đột lợi ích và kiểm soát xung đột lợi ích trong Luật PCTN sẽ đảm bảo sự thống nhất trong cách hiểu, biện pháp áp dụng và tổ chức thực hiện việc kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích.
Luật PCTN năm 2018 lần đầu tiên đưa khái niệm chính thức về xung đột lợi ích (khoản 8 Điều 3) theo đó: Xung đột lợi ích là tình huống và trong đó lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn hoặc người thân thích của họ tác động hoặc sẽ tác động không đúng đắn đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Việc đưa ra khái niệm chính thức này tại một văn bản Luật sẽ giúp nhận diện chính xác và kiểm soát có hiệu quả xung đột lợi ích.
Câu 6. Những trường hợp nào được coi là xung đột lợi ích?
Trả lời:
Xung đột lợi ích được biểu hiện dưới nhiều tình huống và mức độ ảnh hưởng khác nhau tới hoạt động công vụ. Xung đột lợi ích có thể xảy ra trong hoạt động quản lý, điều hành của bất kỳ cơ quan, tổ chức, đơn vị nào với những tình huống mà chúng ta dễ gặp phải.
Luật PCTN năm 2018 đã có những quy định để ngăn chặn, kiểm soát các tình huống xung đột lợi ích nhằm phòng ngừa tham nhũng, cụ thể như sau:
Một là, cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình (khoản 2 Điều 22). Đây là quy định rất quan trọng trong số những quy định nhằm kiểm soát tình huống xung đột lợi ích. Việc người có chức vụ, quyền hạn nhận quà tặng, tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc phi vật chất khác của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc thực thi chức trách, nhiệm vụ của người đó khi phát sinh những vấn đề liên quan đến cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tặng quà.
Hai là, người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã (trừ trường hợp luật có quy định khác); Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước (điểm b khoản 2 và khoản 4 Điều 20). Việc quy định các nội dung nêu trên là điều hết sức cần thiết. Nếu để người có chức vụ, quyền hạn tự do kinh do anh, người đó trước hết sẽ rất khó hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Mặt khác, cán bộ, công chức có những lợi thế gắn với quyền hạn của mình, nhất là lợi thế về thông tin trong hoạt động quản lý hoặc thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Nếu được tự do kinh doanh, thành lập các tổ chức kinh tế tư nhân hoặc góp vốn vào các tổ chức đó hoặc người thân thích trong gia đình kinh doanh trong lĩnh vực mình quản lý trực tiếp, thì người có chức vụ, quyền hạn sẽ rất dễ lạm quyền hoặc lợi dụng ảnh hưởng, lợi dụng lợi thế có được từ vị trí công tác để phục vụ lợi ích của tổ chức kinh tế đó.
Ba là, người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị không được tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về công việc liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết (điểm c khoản 2 Điều 20). Người có chức vụ, quyền hạn khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao có thể được tiếp cận với các thông tin về bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh của các tổ chức kinh tế, thậm chí còn là bí mật cá nhân của công dân; có thể biết trước thông tin về những chính sách đang trong quá trình hoạch định, xây dựng hoặc biết sớm những kế hoạch, quy hoạch đang chuẩn bị được Nhà nước phê duyệt. Do đó, nếu không quy định cấm người có chức vụ, quyền hạn làm tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thì rất dễ gây lọt thông tin thuộc bí mật nhà nước và khó kiểm soát được tình trạng người đó lợi dụng vị trí công tác của mình để khai thác, sử dụng hoặc cung cấp thông tin cho các tổ chức, cá nhân khác để thu lợi bất chính.
Bốn là, người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ (điểm d khoản 2 Điều 20). Quy định này nhằm hạn chế việc cán bộ, công chức, viên chức khi còn đương chức sẽ lợi dụng vị trí công tác của mình để chuẩn bị cho hoạt động kinh doanh của cá nhân mình sau này, trong đó có cả những biểu hiện tiêu cực như ưu ái cho doanh nghiệp mà sau này mình dự định tham gia quản lý hoặc góp vốn; thu nhập, nắm giữ những thông tin thuộc bí mật nhà nước để phục vụ cho cá nhân mình trong hoạt động kinh doanh sau này…
Năm là, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó (khoản 3 Điều 20). Một vấn đề rất thực tế trong nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước hiện nay là người đứng đầu có người thân như vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột... công tác trong cùng một cơ quan, tổ chức đơn vị. Cũng đã có những vụ việc tham nhũng bị phát hiện trong đó người đứng đầu tạo dựng một ê-kíp cán bộ chủ chốt làm việc theo kiểu gia đình, vừa dễ bề chỉ đạo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, vừa hạn chế được các cơ chế giám sát, kiểm tra, phản biện trong cơ quan, tổ chức đơn vị. Để phòng ngừa tình trạng trên thì việc quy định người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ một số chức vụ quan trọng liên quan đến quản lý cơ quan, tổ chức, đơn vị (ví dụ như: quản lý tiền, tài sản) là hết sức cần thiết.
Sáu là, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và người giữ chức danh, chức vụ quản lý khác trong doanh nghiệp nhà nước không được ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột; cho phép doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của doanh nghiệp mình; bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong doanh nghiệp hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho doanh nghiệp (khoản 5 Điều 20). Quy định này nhằm bảo đảm cho các hoạt động kinh tế quan trọng của doanh nghiệp được thực hiện một cách khách quan. Cán bộ quản lý doanh nghiệp không vì quan hệ gia đình mà tạo điều kiện cho người thân được ưu ái thông qua những hợp đồng kinh tế của doanh nghiệp. Mặt khác, điều đó cũng bảo đảm cho các hợp đồng kinh tế được thực hiện nghiêm túc hơn, chịu sự kiểm soát, giám sát chặt chẽ và khách quan hơn.
Nhằm cụ thể hóa các quy định của Luật PCTN năm 2018 về kiểm soát xung đột lợi ích, đảm bảo thống nhất trong cơ chế kiểm soát và áp dụng các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và kiểm soát xung đột lợi ích, Điều 29 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP đã cụ thể hóa các trường hợp xung đột lợi ích, cụ thể:
“Người có chức vụ, quyền hạn được xác định là có xung đột lợi ích khi có dấu hiệu rõ ràng cho rằng người đó thuộc hoặc sẽ thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích khác của cơ quan, tổ chức,đơn vị, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình;
2. Thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ trường hợp luật có quy định khác;
3. Tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết;
4. Sử dụng những thông tin có được nhờ chức vụ, quyền hạn của mình để vụ lợi hoặc để phục vụ lợi ích của tổ chức hoặc cá nhân khác;
5. Bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu;
6. Góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề do mình trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do mình trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước;
7. Ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột hoặc để doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình khi được giao thực hiện các giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó;
8. Có vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột là người có quyền, lợi ích trực tiếp liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của mình;
9. Can thiệp hoặc tác động không đúng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền vì vụ lợi.”
Câu 7. Khi phát hiện xung đột lợi ích thì trách nhiệm thông tin, báo cáo được quy định cụ thể như thế nào? Trả lời:
Xung đột lợi ích có nhiều tình huống với mức độ ảnh hưởng khác nhau đến tính đúng đắn, khách quan trong hoạt động công vụ. Nhằm phát hiện và kiểm soát xung đột lợi ích một cách hiệu quả, Luật PCTN năm 2018 và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP đã quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan trong việc thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích.
Cụ thể, Điều 30 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định như sau:
- Người có chức vụ, quyền hạn khi được phân công công việc hoặc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ nếu biết hoặc buộc phải biết nhiệm vụ, công vụ được giao có xung đột lợi ích thì phải báo cáo bằng văn bản với người trực tiếp quản lý, sử dụng để xem xét, xử lý theo quy định.
- Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khi phát hiện xung đột lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn thì phải thông tin, báo cáo bằng văn bản cho người trực tiếp quản lý, sử dụng người đó để xem xét, xử lý.
- Thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích được thực hiện trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày biết được hoặc phát hiện được nhiệm vụ, công vụ được giao có xung đột lợi ích với người được giao nhiệm vụ, công vụ. Thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích được thể hiện bằng văn bản và làm rõ các nội dung sau: Tình huống có xung đột lợi ích; Thời điểm diễn ra và biết được hoặc phát hiện được xung đột lợi ích; Mức độ ảnh hưởng hoặc sẽ ảnh hưởng không đúng đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người có chức vụ, quyền hạn; Đề nghị hoặc kiến nghị biện pháp kiểm soát xung đột lợi ích.
Đồng thời, khi nhận được thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích thì theo Điều 31 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, người có thẩm quyền có trách nhiệm như sau:
- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng người có chức vụ, quyền hạn có thẩm quyền tiếp nhận, xử lý thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông tin, báo cáo thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định hoặc đề nghị người có thẩm quyền quản lý người đó áp dụng một trong các biện pháp kiểm soát xung đột lợi ích quy định tại các Điều 32, 33 và 34 của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP hoặc xử lý theo quy định của pháp luật.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày xử lý thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích, cơ quan, tổ chức, đơn vị xử lý thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích phải thông báo bằng văn bản tới người có xung đột lợi ích và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích.
Câu 8. Việc xử lý xung đột lợi ích được quy định cụ thể như thế nào?
Trả lời:
Khi xuất hiện tình huống xung đột lợi ích thì việc xử lý là rất cần thiết nhằm ngăn ngừa hành vi tham nhũng có thể xảy ra. Khoản 3 Điều 23 Luật PCTN năm 2018 quy định, khi có tình huống dẫn đến xung đột lợi ích, nếu thấy việc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, công vụ không bảo đảm tính đúng đắn, khách quan, trung thực thì người trực tiếp quản lý, sử dụng người có chức vụ, quyền hạn phải xem xét, áp dụng một trong các biện pháp cụ thể sau (tùy theo mức độ tác động đến hoạt động công vụ và nguy cơ chuyển hóa thành hành vi tham nhũng của tình huống xung đột lợi ích):
- Giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích: Biện pháp này nhằm kiểm soát không để xung đột lợi ích tác động không đúng đến hoạt động công vụ. Biện pháp này được áp dụng khi có căn cứ cho rằng người đó không bảo đảm tính đúng đắn, khách quan, trung thực trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, tuy nhiên chưa đến mức cần thiết phải áp dụng biện pháp đình chỉ, tạm đình chỉ công tác hoặc tạm thời chuyển người có xung đột lợi ích sang vị trí công tác khác. Người trực tiếp quản lý, sử dụng người có xung đột lợi ích căn cứ vào phạm vi, quy mô, tính chất và nội dung của nhiệm vụ, công vụ, quyết định tự giám sát hoặc giao cho công chức thuộc thẩm quyền quản lý của mình thực hiện việc giám sát. Nội dung giám sát và trách nhiệm của người được giao giám sát được quy định cụ thể tại khoản 3, khoản 4 Điều 32 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP.
- Tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích; tạm thời chuyển người có xung đột lợi ích sang vị trí công tác khác để loại bỏ xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ: Biện pháp này được áp dụng khi có căn cứ cho rằng nếu để người đó thực hiện nhiệm vụ, công vụ hoặc tiếp tục giữ vị trí công tác đó sẽ không đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Biện pháp được thực hiện trong một thời hạn nhất định nhằm mục đích để cho tình huống xung đột lợi ích qua đi và không để chuyển hóa thành hành vi tham nhũng. Biệc pháp tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và tạm thời chuyển người có xung đột lợi ích sang vị trí công tác khác được thực hiện theo quy định tại Mục 3 Chương VI của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP và những quy định khác của pháp luật về cán bộ, công chức và pháp luật về lao động.
- Đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích: Đây là biện pháp nghiêm khắc nhất trong việc xử lý tình huống xung đột lợi ích nhằm loại bỏ hẳn nguy cơ phát sinh tham nhũng. Biện pháp này được thực hiện khi có căn cứ rõ ràng về việc người đó có hành vi vi phạm pháp luật hoặc có tác động không đúng đắn đến hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo đó, trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có căn cứ được quy định tại khoản 1 Điều 34 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức đơn vị quyết định hoặc đề nghị người có thẩm quyền quản lý người có chức vụ, quyền hạn quyết định đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ đối với người có chức vụ, quyền hạn. Quyết định đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ phải ghi rõ họ và tên của người có chức vụ, quyền hạn; thời gian đình chỉ; lý do đình chỉ; quyền và nghĩa vụ của người có chức vụ, quyền hạn bị đình chỉ; hiệu lực thi hành. Quyết định đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ phải được gửi cho người bị đình chỉ và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích.
Như vậy, trong việc xử lý xung đột lợi ích, việc áp dụng biện pháp nào sẽ do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định căn cứ vào từng tình huống cụ thể và đặc thù của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Ngoài ra, trong trường hợp pháp luật có quy định khác về kiểm soát xung đột lợi ích thì ngoài việc áp dụng các quy định của Luật PCTN và Nghị định số 59/2019/ NĐ-CP thì còn áp dụng quy định của luật


Cơ quan: UBND huyện Đak Pơ tỉnh Gia Lai
Địa chỉ: Tổ dân phố 2, thị trấn Đak Pơ, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai
Điện thoại: (0269) 3 738 275
Email: ubnddakpo@gialai.gov.vn
Fax: (0269) 3 738 275
Chung nhan Tin Nhiem Mang