Trang chủ > Thông tin tuyên truyền
Không có chuyện tạm dừng các chuyến xe khách tại Gia Lai
Không có chuyện tạm dừng các chuyến xe khách tại Gia Lai
Ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông-Vận tải cho biết: Hiện nay, một số thông tin chia sẻ trên mạng cho rằng, Gia Lai hiện đã dừng hoạt động tất cả phương tiện vận tải hành khách do dịch bệnh Covid 19 khiến không ít người dân lo lắng. Thông tin này hoàn toàn không chính xác. Hiện nay, cơ quan quản lý chưa có thông tin chính thức về việc yêu cầu dừng hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh. Do đó, các tuyến vận tải hành khách vẫn diễn ra bình thường, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân.
hinh-2.jpg
Các chuyến xe khách vẫn hoạt động bình thương, chỉ tạm dừng khai thác một số chuyến do không đảm bảo lượng khách duy trì. Ảnh: Lê Hòa
 
Ngày 27-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Chỉ thị số 15/CT-TTg về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng-chống dịch Covid 19, trong đó yêu cầu người dân hạn chế việc di chuyển, nhất là từ các tỉnh, thành phố có dịch đến những địa phương khác. Đồng thời, việc tác động từ tình hình dịch bệnh Covid 19, nhu cầu đi lại của người dân đã giảm mạnh trong thời gian qua nên một số tuyến vận tải tạm dừng do không có khách (các tuyến: Kbang-Nha Trang, Kbang-HàNội, Kbang-HưngYên, Ayun Pa-Huế; Chư Sê-Huế, Krông Pa-Hải Dương,… và các tuyến liên vận quốc tế Lào, Campuchia); hoặc cắt giảm số chuyến/ngày đối với các tuyến vận tải có lượng khách giảm mạnh, sau khi cân đối tình hình thực tế. Riêng tuyến xe buýt nội tỉnh, hiện tại đã tạm dừng khai thác tuyến Pleiku đi Đức Cơ và ngược lại cho đến hết ngày 15-4.
 
Trước tình hình dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp, để đảm bảo phòng-chống dịch bệnh hiệu quả, Sở Giao thông-Vận tải yêu cầu các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải, bến xe, nhà ga cảng hàng không… phải luôn chú trọng công tác phòng-chống dịch bệnh Covid 19: phun hóa chất khử khuẩn bến bãi, phương tiện, yêu cầu hành khách đeo khẩu trang khi đến bến và khai báo y tế trước giờ lên xe… Trong quá trình di chuyển, lái xe, nhân viên và hành khách phải thực hiện nghiêm túc quy định về phòng dịch: từ chối vận chuyển hành khách có biểu hiện nghi nhiễm Covid 19, đeo khẩu trang dọc suốt hành trình, thực hiện rửa tay thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn…
                                                                                                                                                            Theo GLO

HỌP TRỰC TUYẾN G20, THỦ TƯỚNG CHIA SẺ NHIỀU BIỆN PHÁP HÀNH ĐỘNG CHU...
HỌP TRỰC TUYẾN G20, THỦ TƯỚNG CHIA SẺ NHIỀU BIỆN PHÁP HÀNH ĐỘNG CHUNG ỨNG PHÓ COVID-19
(Chinhphu.vn) - Hội nghị trực tuyến thượng đỉnh G20 về ứng phó dịch COVID-19 diễn ra từ 19- 21h ngày 26/3 (giờ Việt Nam) theo sáng kiến của nước Chủ tịch G20 Saudi Arabia, đã thông qua Tuyên bố chung G20.
 
 
 
hinh-1.jpg
Các đại biểu tham dự hội nghị (chụp qua màn hình). Ảnh: TTXVN
Tham dự Hội nghị trực tuyến có các nguyên thủ và lãnh đạo cấp cao các nước thành viên G20 và một số nước khách mời, cùng lãnh đạo các tổ chức quốc tế lớn như Liên Hợp Quốc (UN), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO)…
Tại Hội nghị trực tuyến, các nhà lãnh đạo đã nhất trí triển khai mọi biện pháp y tế cần thiết để ngăn chặn dịch COVID-19; chia sẻ thông tin kịp thời và minh bạch, kinh nghiệm và thực tiễn tốt trong ngăn chặn sự lây lan, phát hiện và điều trị các ca lây nhiễm; tăng cường phối hợp trong nghiên cứu và phát triển vaccine, thuốc đặc trị, đồng thời nâng cao khả năng chống chịu và sự phối hợp trong ứng phó với các dịch bệnh lây nhiễm trong tương lai.
Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị cam kết sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ, tài khóa và các biện pháp kinh tế để giảm thiểu các tác động của dịch COVID-19 đối với phát triển kinh tế-xã hội. Hội nghị nhất trí phối hợp giảm thiểu các tác động của dịch COVID-19 đối với thương mại quốc tế, bảo đảm sự vận hành của các chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là các nguyên vật liệu, sản phẩm y tế thiết yếu.
Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung G20 về ứng phó dịch COVID-19, trong đó thể hiện quyết tâm chính trị, cam kết mạnh mẽ và đoàn kết trong phòng chống dịch COVID-19 cũng như thúc đẩy kinh tế toàn cầu phát triển bền vững, bao trùm.
hinh-2.jpg


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 và các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Chia sẻ với các nhà lãnh đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định đoàn kết, hợp tác và phối hợp toàn cầu và khu vực là rất quan trọng; khẳng định quyết tâm, cam kết của Việt Nam trong chống dịch COVID-19; nhấn mạnh Việt Nam kiên trì thực hiện mục tiêu kép là kiểm soát dịch bệnh và tiếp tục phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Thủ tướng Chính phủ khẳng định Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 đã và đang cùng các nước ASEAN đề cao tinh thần Cộng đồng “gắn kết và chủ động thích ứng" thực hiện mạnh mẽ các biện pháp, phối hợp hành động chống COVID-19, đồng thời hợp tác chia sẻ thông tin, kinh nghiệm với nhiều nước G20 và các đối tác.
Thủ tướng hoan nghênh vai trò quan trọng, đóng góp tích cực của G20 cũng như các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, WHO, WB, IMF, WTO trong cuộc chiến chống COVID-19. Từ thực tiễn kiểm soát tốt dịch bệnh của Việt Nam, Thủ tướng đã chia sẻ với các nhà lãnh đạo nhiều biện pháp về thúc đẩy hợp tác, hành động chung trong ứng phó với dịch COVID-19 như tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật trong xét nghiệm, kiểm soát và điều trị; tranh thủ sự đồng lòng, hợp tác, tham gia, vào cuộc của người dân, các tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang; tập trung chống dịch đi đôi với thúc đẩy, tạo thuận lợi cho hợp tác thương mại, đầu tư, duy trì chuỗi cung ứng và sản xuất, tạo việc làm, ổn định cuộc sống người dân; hợp tác bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam và các nước ASEAN đang sinh sống ở các nước G20…
Sự tham dự và chia sẻ những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt thúc đẩy hợp tác của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20 đã khẳng định sự ủng hộ, hợp tác của Việt Nam đối với G20 và cộng đồng quốc tế trong chống dịch COVID-19, thể hiện Việt Nam là thành viên chủ động, tích cực và đóng góp có trách nhiệm vào tăng cường hợp tác toàn cầu trong ứng phó với các thách thức chung.​
                                                                                                                                Theo Đức Tuân-Chinhphu.vn

5 ĐIỀU CẦN LÀM NGAY ĐỂ PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19
5 ĐIỀU CẦN LÀM NGAY ĐỂ PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19
(Chinhphu.vn) – Mỗi người dân cần chung sức, đồng lòng phòng, chống dịch bệnh COVID-19 bằng cách làm tốt các hướng dẫn: Hạn chế tiếp xúc; giữ khoảng cách, đeo khẩu trang; rửa tay thường xuyên; vệ sinh nhà cửa; khai báo y tế.
 
hinh-1.jpg


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi người dân thực hiện nghiêm các hướng dẫn của ngành y tế để phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Ảnh: VGP/Đình Nam
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19, chiều 25/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi: Mỗi người dân phải có trách nhiệm với sức khoẻ, thậm chí là tính mạng của mình, của những người xung quanh và trách nhiệm với cộng đồng, đất nước, thực hiện thật tốt các hướng dẫn của cơ quan chuyên môn
Với tinh thần đoàn kết toàn dân “chống dịch như chống giặc", chúng ta đã đạt được những kết quả tốt trong giai đoạn 1, hiện đang kiểm soát được dịch bệnh. Mặc dù là nước được đánh giá có nguy cơ rất lớn, dân số đông nhưng chúng ta chưa có người tử vong, số người nhiễm đứng thứ gần 80 trên thế giới.
Tuy nhiên, chúng ta đã ở vào thế “trong đánh ra, ngoài đánh vào". Trên thế giới dịch bệnh đang diễn biến rất nhanh, hết sức phức tạp, khó lường. Nhiều nước có nền y tế, kinh tế phát triển hơn chúng ta nhiều lần nhưng đã hàng chục ngàn người nhiễm bệnh, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người tử vong. Bệnh dịch đã và đang đe doạ sức khoẻ, tính mạng của mọi người, không kể màu da, quốc tịch, tuổi tác, giới tính, ở nông thôn hay thành thị.
Bệnh dịch không phải ở đâu xa mà đã ở ngay sát mọi người, mọi quốc gia. Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm bệnh và trở thành nguồn lây bệnh cho người khác nếu không thực hiện nghiêm, thực hiện đúng các quy định của Nhà nước, hướng dẫn của ngành y tế. Ngược lại, nếu thực hiện tốt thì mỗi người sẽ không bị lây nhiễm và đất nước sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh như đã làm được ở giai đoạn 1.
Đây là thời điểm chúng ta cần tập trung cao độ, không để cho dịch bệnh lan rộng.
Các quy định, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế đã rất đầy đủ, các hướng dẫn có rất nhiều. Chúng ta phải phát huy cao độ tinh thần kỷ luật, ý thức trách nhiệm.
Các tổ chức, cá nhân phải thực hiện nghiêm theo đúng quy định, chỉ thị của Thủ tướng, của các cấp chính quyền, nếu không nhất định phải bị xử lý nghiêm và lên án mạnh mẽ.
Mỗi người phải có trách nhiệm với sức khoẻ, thậm chí là tính mạng của mình, của những người xung quanh và trách nhiệm với cộng đồng, đất nước.
Phó Thủ tướng đề nghị người dân cần thực hiện thật tốt các hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, thậm chí những hướng dẫn đòi hỏi mỗi người phải thay đổi một số thói quen và gây bất tiện. Trong đó đặc biệt lưu ý phải làm tốt một số điểm:
1. Hạn chế tối đa ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết.
2. Nếu buộc phải ra ngoài luôn luôn đeo khẩu trang, hãy giữ khoảng cách tiếp xúc, tốt nhất là 2m.
3.  Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
4. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, lau rửa thường xuyên, để thông thoáng, sinh hoạt lành mạnh.
5. Thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày, giữ liên hệ thường xuyên với cán bộ y tế, cơ sở y tế.
Tóm lại, mỗi người dân hãy nhớ và làm theo mấy từ sau:
Thứ nhất: Hạn chế ra ngoài.
Thứ hai: Khoảng cách, khẩu trang.
Thứ ba: Rửa tay thường xuyên.
Thứ tư: Vệ sinh nhà cửa.
Thứ năm: Khai báo y tế.
“Làm tốt các hướng dẫn, chấp hành nghiêm các chỉ thị, nhất định chúng ta sẽ đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh", Phó Thủ tướng nói".​
                                                                                                            Theo Trần Mạnh-Đình Nam-Chinhphu.vn

Default news teaser image
Quyết liệt, khẩn trương thực hiện 8 mệnh lệnh phòng chống COVID-19
Đây là nhiệm vụ trọng tâm của Công an các đơn vị, địa phương và vô cùng quan trọng, hết sức cấp bách cần thực hiện ngay và rất quyết liệt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “chống dịch như chống giặc”. Do vậy, lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động để chỉ đạo thực hiện nghiêm túc mệnh lệnh công tác.
Ngày 24/3, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Công điện số 01 chỉ đạo Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương quyết liệt thực hiện nghiêm túc, khẩn trương các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Nội dung Công điện nêu rõ: Tiếp theo Điện số 328/ĐK-HT, ngày 23/3/2020 của Bộ về phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra, rà soát không để người nhiễm, nghi nhiễm COVID-19 từ nước ngoài về nước lan rộng ra cộng đồng, Bộ trưởng Bộ Công an yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương quyết liệt thực hiện nghiêm túc, khẩn trương mệnh lệnh công tác sau:
Thứ nhất, Thủ trưởng, Giám đốc Công an các địa phương chỉ đạo Công an phường, thị trấn, Công an xã tổ chức rà soát từng nhà, từng hộ dân, quản lý từng tổ dân, khu phố, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để lập danh sách người nước ngoài và công dân Việt Nam từ nước ngoài nhập cảnh về nước hiện đang cư trú tại địa phương kể từ ngày 7/3/2020 đến ngày 24/3/2020 (thay bằng số liệu thống kê từ ngày 10/3/2020 đến ngày 23/3/2020 theo Điện số 328/ĐK-HT, ngày 23/3/2020 của Bộ) và báo cáo về Bộ trước 18 giờ ngày 25/3/2020 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Kết quả thống kê, Thủ trưởng Công an các cấp báo cáo ngay đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 các cấp ở địa phương để chỉ đạo xử lý.
Thứ hai, Công an các đơn vị, địa phương chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp để rà soát những nơi tập trung đông người, qua đó tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân nâng cao ý thức, tự giải tán, không tụ tập đông người nhằm phòng, chống dịch bệnh COVID-19, hạn chế lây lan ra cộng đồng.
Thứ ba, Công an các đơn vị, địa phương chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng bảo đảm tuyệt đối an toàn về an ninh, trật tự tại các địa điểm tổ chức cách ly tập trung. Có kế hoạch phân công cán bộ, chiến sĩ thay ca kíp thường trực tại các địa điểm tổ chức cách ly tập trung; trang bị đầy đủ các phương tiện, vật tư y tế cho cán bộ, chiến sĩ tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch; tuyệt đối không để cán bộ, chiến sĩ bị lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 trong khi thi hành nhiệm vụ.
Thứ tư, Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch tại trụ sở cơ quan, đơn vị mình; lãnh đạo, chỉ huy Công an các cấp gương mẫu và quán triệt cán bộ, chiến sĩ hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp đông người để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm từ cộng đồng.
Các đơn vị có phương án bố trí 3 kíp làm việc tại những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao để triển khai công tác, không để cả đơn vị phải cách ly. Tổ chức thành lập bộ phận thường trực (gồm cán bộ y tế, hậu cần, điều lệnh…) để tổ chức y tế ban đầu (đo thân nhiệt, mở sổ theo dõi hoạt động ra vào trên cơ sở yếu tố dịch tễ; yêu cầu đeo khẩu trang và hướng dẫn thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn nhanh) đối với tất cả người dân và cán bộ, chiến sĩ đến đơn vị làm việc, liên hệ công tác nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp nhiễm, nghi nghiễm COVID-19 để có phương án ứng phó.
Thứ năm, các đơn vị y tế trong Công an nhân dân phải chủ động bám sát nhiệm vụ chính trị của các đơn vị để tổ chức phòng ngừa dịch bệnh COVID-19. Giao Cục Y tế chủ trì khẩn trương tổ chức các khu cách ly, bệnh viện dã chiến để thường trực sẵn sàng phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong lực lượng Công an nhân dân và dự phòng phục vụ nhân dân. 
Thứ sáu, các đơn vị nghiệp vụ liên quan và Công an các tỉnh biên giới chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng và các lực lượng chức năng làm tốt công tác quản lý biên giới, kiểm soát người và phương tiện qua lại biên giới nhằm ngăn chặn nguồn lây lạn dịch bệnh COVID-19.
Thứ bẩy, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và trong nước, diễn biến tội phạm có thể sẽ có những tác động, diễn biến phức tạp, lực lượng Công an cần tập trung công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; phát hiện, xử lý kịp thời những đối tượng chống đối đăng tin tuyên truyền xuyên tạc, gây hoang mang trong nhân dân, đối tượng chống đối không thực thi các quy định của pháp luật, quy định phòng, chống dịch bệnh, tội phạm hình sự khác như trộm cắp, gây rối, buôn lậu, sản xuất hàng giả… nhất là hàng hóa liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh.
Công điện nhấn mạnh: Đây là nhiệm vụ trọng tâm của Công an các đơn vị, địa phương và vô cùng quan trọng, hết sức cấp bách cần thực hiện ngay và rất quyết liệt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “chống dịch như chống giặc”. Do vậy, lãnh đạo Bộ yêu cầu Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động để chỉ đạo thực hiện nghiêm túc mệnh lệnh công tác./.
                                                                                                                                                      Theo Chinhphu
 

Gia Lai: 217/217 mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2
Gia Lai: 217/217 mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2
GLO)- Sáng 26-3, Sở Y tế Gia Lai thông tin: Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên vừa trả kết quả 127 mẫu bệnh phẩm mà Gia Lai gửi xét nghiệm, tất cả đều âm tính với SARS-CoV-2. Như vậy, toàn bộ 217/217 mẫu bệnh phẩm của các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh Gia Lai gửi xét nghiệm đều có kết quả âm tính.
hinh-1.jpg
Khu cách ly Khoa Bệnh Nhiệt đới- Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Như Nguyện
 
 
Trong ngày 25-3, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục  phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tiếp nhận 17 công dân từ Campuchia về tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đưa về khu cách ly tập trung và 1 du học sinh từ Úc về tự nguyện xin cách ly nâng tổng số người đang cách ly tập trung tại Trung tâm Huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) lên 222 trường hợp. Ngoài ra, có 70 trường hợp đang cách ly y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh.

Theo Sở Y tế Gia Lai, đến cuối ngày 25-3, số trường hợp cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà toàn tỉnh là 486 trường hợp. Số ca cách ly tại nhà đã qua 14 ngày 281/486 trường hợp.
                                                                                                                                                 Theo Như Nguyện

KHẨN TRƯƠNG, KHẨN TRƯƠNG HƠN NỮA, QUYẾT LIỆT NGĂN CHẶN LÂY NHIỄM TR...
KHẨN TRƯƠNG, KHẨN TRƯƠNG HƠN NỮA, QUYẾT LIỆT NGĂN CHẶN LÂY NHIỄM TRONG CỘNG ĐỒNG
Phải quyết liệt ngăn chặn tình trạng dịch bệnh COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng. Cả hệ thống vào cuộc mạnh mẽ, "đi từng ngõ, gõ từng nhà", rà soát các trường hợp nghi ngờ, tiến hành xét nghiệm nhanh để phân loại, khoanh vùng, kiểm soát dịch bệnh với tinh thần khẩn trương, khẩn trương hơn nữa.
 
 
HINH-1.jpg
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tinh thần phải khẩn trương, khẩn trương hơn nữa để ngăn chặn dịch lây nhiễm trong cộng đồng. Ảnh: VGP/Đình Nam
 


Ngày 23/3, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (SARS-CoV-2) đã họp triển khai các biện pháp ứng phó. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã trao đổi, thống nhất một số nội dung về: Ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch bệnh; kiểm soát biên giới; chống lây nhiễm trong cơ sở y tế; đưa người nước ngoài đang được cách ly tập trung hoặc tại nhà chưa đủ 14 ngày về nước; tổ chức cách ly đối với những người điều khiển phương tiện vận chuyển và người hỗ trợ (tổ bay, tiếp viên, tài xế); trang bị máy đo thân nhiệt và bố trí nhân lực tại các cảng hàng không nội địa để kiểm tra thân nhiệt hành khách trước khi lên máy bay;…

Rà từng ngõ, gõ từng nhà

Đồng thời, các thành viên Ban Chỉ đạo cũng thảo luận và thống nhất phải quyết liệt kiểm soát dịch bệnh cả từ hai nguồn (từ ngoài vào và từ trong nước).

Theo đó, trước hết tiếp tục kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn dịch lây lan từ bên ngoài vào trong nước qua đường bộ, đường hàng không. Bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ tổ chức các khu cách ly tập trung an toàn, không để lọt, không để lây nhiễm; đẩy nhanh tiến độ sàng lọc, xét nghiệm phát hiện người mắc bệnh.

Đại diện Bộ Quốc phòng cho biết, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để tiếp nhận người nhập cảnh, tổ chức cách ly theo quy định; đồng thời đề nghị các địa phương, lực lượng cùng phối hợp cùng quân đội để bố trí thêm các địa điểm cách ly, phương tiện vận chuyển và nhân lực phục vụ công tác cách ly tập trung.

Trước những phản ánh về tình trạng tiếp tế nhu yếu phẩm của một số gia đình cho người thân trong khu cách ly tập trung, các ý kiến đã phân tích và nhấn mạnh yêu cầu và mục đích cao nhất của cách ly tập trung là bảo đảm an toàn cho người được cách ly và đặc biệt là cho cộng đồng, sau đó mới đến việc khắc phục các điều kiện sinh hoạt còn chưa thuận tiện. Chúng ta phải tạo điều kiện tối đa cho lực lượng làm nhiệm vụ, bảo đảm an toàn. Những người có điều kiện có thể đóng góp, hỗ trợ cho công tác cách ly thông qua hệ thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ban Chỉ đạo cũng bàn giải pháp trước hết ưu tiên cơ sở lưu trú, khách sạn để cách ly có thu phí đối với người nước ngoài có hộ chiếu ngoại giao, công vụ, các chuyên gia làm việc tại các dự án quan trọng ở Việt Nam.

Đối với trong nước, Ban Chỉ đạo yêu cầu địa phương phải quyết liệt ngăn chặn tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng. Cấp ủy, chính quyền cơ sở chỉ đạo sát sao với lực lượng nòng cốt là công an và y tế “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, xác định đầy đủ các trường hợp đã nhập cảnh từ nước ngoài vào, những người tiếp xúc gần, có biện pháp cách ly và theo dõi y tế phù hợp. Việc này phải hoàn thành trước 12h trưa ngày 25/3.

Các thành viên Ban Chỉ đạo cũng thảo luận một số nội dung liên quan đến việc bảo đảm trang thiết bị bảo hộ, thuốc men, test kit xét nghiệm, máy móc, vật tư y tế, kinh phí… để phục vụ công tác phòng chống dịch trong toàn quốc.

Bộ Y tế phải khẩn trương hướng dẫn, tạo điều kiện cho các địa phương sử dụng các bộ kit xét nghiệm để đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm, sàng lọc.

Các Bộ: Y tế, Tài chính, Công Thương thống nhất cơ chế mua sắm, cung cấp trang thiết bị y tế, vật tư phòng, chống dịch trên toàn quốc.

 
HINH-2.jpg
Ảnh: VGP/Đình Nam
 


Hiện nay Việt Nam đang cách ly 52.790 người

Cập nhật tình hình dịch bệnh từ Ban Chỉ đạo cho biết, tại Việt Nam đã ghi nhận 113 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 17 trường hợp đã được điều trị khỏi và xuất viện, không ghi nhận ca tử vong.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khoẻ (cách ly) là 52.790 người, trong đó có 1.376 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 21.119 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 30.295 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Số trường hợp mắc về được cách ly từ sân bay 39; số trường hợp mắc được phát hiện sau 74. Hiện có 96 bệnh nhân (69 người Việt Nam và 27 người nước ngoài) đang được điều trị tại 11 cơ sở khám chữa bệnh.

Về tình trạng sức khoẻ các bệnh nhân, báo cáo của Ban Chỉ đạo cho biết hiện 3 bệnh nhân trong tình trạng rất nặng đang được điều trị tích cực; 8 bệnh nhân có tiến triển nặng hơn trước; các bệnh nhân khác sức khoẻ ổn định, trong đó có 18 trường hợp đã có kết quả âm tính lần 1.

* Tính đến 17h ngày 22/3, dịch bệnh đã lan ra 189 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với 308.600 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 7 quốc gia có trên 10.000 trường hợp mắc, 15 quốc gia có số mắc trong khoảng từ trên 1.000 đến dưới 10.000; 167 quốc gia/ vùng lãnh thổ có dưới 1.000 trường hợp mắc.

Số người tử vong vì dịch bệnh COVID-19 trên toàn thế giới là 13.069 trường hợp. Trong đó, Italy ghi nhận 4.825 trường hợp, Trung Quốc 3261 trường hợp, Iran 1.556 trường hợp, Tây Ban Nha 1.381 trường hợp, Pháp 562 trường hợp, Mỹ 348, Anh 233 người,….


 


 
                                                                                              Theo Trần Mạnh – Đình Nam (baochinhphu.vn)
 

GIA LAI: ẤM TÌNH NGƯỜI Ở KHU CÁCH LY
GIA LAI: ẤM TÌNH NGƯỜI Ở KHU CÁCH LY
​(GLO)- Khu cách ly tại Trung tâm Huấn luyện, Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh (Trung đoàn Bộ binh 991, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai) có thể tiếp nhận 280-320 công dân cách ly tập trung. Cơ sở vật chất đảm bảo cùng với sự chăm sóc tận tình, chu đáo của cán bộ, chiến sĩ nơi đây đã giúp các công dân thoải mái trong thời gian cách ly phòng-chống dịch Covid-19.
 
CẢM ƠN CÁC CHÚ BỘ ĐỘI!
Đó là lời nói chân thành của các công dân trước sự chăm sóc ân cần, chu đáo của cán bộ, chiến sĩ tại khu cách ly. Bỏ qua những bỡ ngỡ, lo lắng ban đầu, mọi người đều an tâm khi điều kiện sinh hoạt thuận lợi và được chăm sóc như người trong gia đình.
Đi công tác tại Campuchia từ hôm 3-3 và trở về Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh ngày 18-3, ông Trần Thanh Hiệu (TP. Hà Nội) được cán bộ y tế, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tư vấn, hướng dẫn cách ly tập trung để phòng dịch Covid-19. Ông Hiệu chia sẻ: “Tôi theo dõi thường xuyên tình hình dịch bệnh nên rất đồng thuận và chấp hành việc đi cách ly tập trung. Trước tình hình dịch diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay, tôi nghĩ mỗi công dân cần chấp hành đúng quy định, chung tay phòng-chống dịch bệnh”.
HINH-1.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Huỳnh Nữ Thu Hà (bìa trái) thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại khu cách ly của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Ảnh: N.N
 
 
 Theo ông Hiệu, cơ sở vật chất tại khu cách ly rất tốt, vệ sinh sạch sẽ, mọi người thân thiện. Cán bộ, chiến sĩ quan tâm chăm sóc, phục vụ bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng theo tiêu chuẩn bộ đội. “Chúng tôi ở đây rất thoải mái, chỉ có các cô chú bộ đội, nhân viên y tế là phải vất vả làm việc, trách nhiệm rất nặng nề. Tôi cảm ơn các anh chị đã hết lòng vì nhân dân phục vụ, mong mọi người luôn có sức khỏe để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”-ông Hiệu nói.
Qua Campuchia thăm chồng, sau khi trở về Việt Nam ngày 18-3, chị Đặng Thị Xuân Hạnh (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) cùng 2 con nhỏ được đưa về khu cách ly tập trung của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Ở đây, chị được cán bộ, chiến sĩ trợ giúp tận tình, các cháu nhỏ cũng nhanh chóng thích nghi với nơi tập trung. Chị Hạnh vui vẻ cho biết: “Chúng tôi được phục vụ suất ăn ngay tại phòng, cơm nấu rất ngon, đảm bảo dinh dưỡng. Mọi người được thăm khám sức khỏe hàng ngày và được cán bộ, chiến sĩ hướng dẫn thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh. Ngoài ra, khi cần gì thêm thì cán bộ, chiến sĩ đều sẵn sàng hỗ trợ nên ai cũng an tâm và chủ động phối hợp, chấp hành nghiêm các quy định”.
VÌ NHÂN DÂN PHỤC VỤ
Nhằm chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho công dân về cách ly tập trung, những ngày qua, cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã khẩn trương triển khai các công việc liên quan, chú trọng công tác vệ sinh môi trường, sắp xếp phòng ốc, đảm bảo lương thực, thực phẩm… Theo đó, đơn vị bố trí khu cách ly gồm 4 khu nhà với 54 phòng đảm bảo chỗ ở cho 280-320 công dân; bố trí khu nam, nữ riêng biệt; đồng thời, bố trí 1 khu nhà gồm 7 phòng cho những trường hợp có tiếp xúc với người nghi nhiễm Covid-19 nhưng chưa có biểu hiện, triệu chứng. Ngoài ra, đơn vị bố trí 1 khu nhà cho cán bộ y tế và các lực lượng liên quan phục vụ công dân cách ly. Mỗi công dân cách ly tập trung tại đây được cung cấp một số vật dụng vệ sinh cá nhân hàng ngày, đảm bảo chế độ ăn uống 3 bữa/ngày theo chế độ cơ bản bộ binh (57.000 đồng/người/ngày), thực phẩm được chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh theo quy định. Bên cạnh đó, khu cách ly có ti vi truyền hình cáp; lắp đặt wifi nhằm tạo điều kiện thông tin liên lạc, cập nhật tình hình và nhu cầu giải trí cho người dân.
HINH-2.jpg
Đại úy Ksor H’Chiêm nhắc nhở các công dân thực hiện thường xuyên các biện pháp vệ sinh phòng dịch. Ảnh: N.N
 
 
 Các tổ công tác tại khu cách ly thay nhau trực 24/24 giờ nhằm kịp thời hỗ trợ người dân khi có yêu cầu. Đại úy Ksor H’Chiêm-thành viên Đội công tác tuyên truyền văn hóa cơ sở (Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) cho hay: Công việc thường ngày chị được phân công là phục vụ suất ăn tận phòng cho các công dân; nhắc nhở, hướng dẫn họ thực hiện thường xuyên các biện pháp vệ sinh cá nhân phòng bệnh. Ngoài ra, người dân cần mua sắm gì thì liệt kê ra giấy, cán bộ, chiến sĩ sẽ giúp đỡ. “Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Vì vậy, dù có vất vả, mọi người cũng phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao”-Đại úy Ksor H’Chiêm nói.
Đều đặn 2 lần/ngày, Đại úy Lê Văn Lực-cán bộ phụ trách công tác y tế tại khu cách ly cùng tổ y tế thực hiện thăm khám sức khỏe cho các công dân. Theo Đại úy Lực, mỗi ngày 2 lần vào lúc 8 giờ và 20 giờ, tổ y tế tiến hành kiểm tra sức khỏe cho mọi người, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý ngay tình huống phát sinh nếu có. Công tác vệ sinh môi trường, phun thuốc khử khuẩn cũng được tiến hành thường xuyên.
Trong chiều 20-3, đồng chí Huỳnh Nữ Thu Hà-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh đã đến kiểm tra tại khu cách ly Trung tâm Huấn luyện, Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh (Trung đoàn Bộ binh 991). Tại đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ân cần thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ đang thực thi nhiệm vụ; tin tưởng cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị sẽ hoàn thành nhiệm vụ được giao, chung tay cùng với địa phương phòng-chống dịch Covid-19 thành công. Với các công dân đang cách ly tập trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong mọi người có sự chia sẻ, hợp tác tốt, thực hiện thường xuyên các biện pháp phòng dịch theo đúng hướng dẫn của ngành Y tế và chấp hành nghiêm quy định tại khu cách ly, góp phần chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Đến sáng 22-3, Trung tâm Huấn luyện, Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh (Trung đoàn Bộ binh 991, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) đã tiếp nhận cách ly tập trung 170 công dân. Đơn vị cũng đã tính toán các phương án sẵn sàng, chủ động ứng phó nếu số lượng công dân cần cách ly tập trung cao hơn trong thời gian tới.
 
                                                                                                                              THEO NHƯ NGUYỆN -GLO

GIA LAI: ĐỀ XUẤT MỨC HỖ TRỢ TIỀN ĂN CHO NGƯỜI CÁCH LY
GIA LAI: ĐỀ XUẤT MỨC HỖ TRỢ TIỀN ĂN CHO NGƯỜI CÁCH LY
(GLO)- Liên Sở Tài chính-Y tế vừa có Tờ trình số 93/TTr-LS-TC-YT gửi UBND tỉnh đề xuất một số nội dung, mức hỗ trợ cách ly y tế phục vụ phòng-chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.  
 


 
HINH-1.jpg
Khu cách ly tại Khoa Bệnh nhiệt đới- Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Như Nguyện
 
 
Theo đó, đề xuất UBND tỉnh Gia Lai xem xét, xin ý kiến thống nhất của Thường trực HĐND tỉnh về một số mức hỗ trợ như: Đề xuất mức hỗ trợ tiền ăn đối với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế, người từ Campuchia về tại trạm tiếp nhận là 57 ngàn đồng/người/ngày, thời gian hỗ trợ không quá 14 ngày/đợt; mức chi hỗ trợ các nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế là 105 ngàn đồng/người; chế độ hỗ trợ tiền ăn đối với người lao động thường trực tham gia chống dịch 24/24 là 29 ngàn đồng/người/phiên trực.

Liên quan đến nguồn kinh phí, đối với công tác cách ly do cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và các đơn vị Quân đội, Công an thực hiện (đối với phần hỗ trợ thêm) do ngân sách tỉnh đảm bảo. Đối với công tác cách ly do đơn vị cấp huyện thực hiện, ngân sách cấp huyện đảm bảo.
 
 
                                                                                                                                          THEO SƠN CA-GLO

THỦ TƯỚNG: PHẢI LÀM TỐT 3 VÒNG CHỐNG DỊCH
THỦ TƯỚNG: PHẢI LÀM TỐT 3 VÒNG CHỐNG DỊCH
(Chinhphu.vn) – Chiều nay, 23/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh COVID-19 báo cáo tình hình và đưa ra các quyết sách.
 
 
hinh-1.jpg
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng cho rằng, trong giai đoạn tới, khả năng lây nhiễm ra cộng đồng rất cao. Hiện vẫn còn tình trạng tập trung ăn nhậu nhiều tại các quán ăn, sàn nhảy, điểm vui chơi, một số nhà thờ lớn vẫn làm lễ đông người.
Thủ tướng nêu rõ, có 3 vòng phải làm tốt: Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ xuất nhập cảnh một cách quyết liệt, cả đường bộ, đường thủy, hàng không, đường sắt; tiếp tục cách ly tập trung đúng quy định quyết liệt dù tốn kém; có phương thức cách ly đặc biệt tại gia đình hoặc khu vực giám sát của ngành y tế với quy trình chặt chẽ, không để lây ra cộng đồng. Xã hội rất quan tâm đến các bác sĩ, nhân viên y tế, nhân viên phục vụ cách ly và các đối tượng liên quan dễ lây nhiễm, Thủ tướng lưu ý, đề nghị tại phiên họp, các đại biểu đề xuất biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn hiệu quả đỉnh dịch.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo (tính đến 12h hôm nay, 23/3), thế giới ghi nhận 338.727 trường hợp mắc COVID-19 (nCoV) tại 193 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 7 quốc gia có trên 10.000 ca mắc,
14.687 trường họp tử vong, trong đó Italy: 5.476, Trung Quốc: 3.270, Tây Ban Nha: 1.772, Iran: 1.685, Pháp: 674, Mỹ: 452, Anh: 281…
Tại Việt Nam, ghi nhận 116 trường hợp mắc COVID-19 (17 trường hợp đã được điều trị khỏi và xuất viện), không ghi nhận tử vong.
Tính đến hết ngày 22/3/2020, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 52.790 người (1.376 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 21.119 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 30.295 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú). Đến 75% số ca nhiễm mới là từ nước ngoài về.
Hiện có 99 bệnh nhân (72 người Việt Nam và 27 người nước ngoài) đang được điều trị tại 13 cơ sở khám, chữa bệnh. Có 3 bệnh nhân trong tình trạng rất nặng, đang được điều trị tích cực; 8 bệnh nhân có tiến triển nặng hơn trước; các bệnh nhân khác sức khỏe ổn định.
Cổng TTĐT Chính phủ sẽ cập nhật thông tin về cuộc họp này.
 
                                                                                                                               Theo Đức Tuân-Chinhphu.vn

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI KÊU GỌI TOÀN DÂN TƯƠNG THÂN TƯƠNG ÁI, CHUNG TAY P...
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI KÊU GỌI TOÀN DÂN TƯƠNG THÂN TƯƠNG ÁI, CHUNG TAY PHÒNG CHỐNG DỊCH
 (Chinhphu.vn) – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ trong công tác phòng chống dịch; khẳng định UBTVQH luôn đồng hành, sát cánh, tạo điều kiện cho Chính phủ triển khai các biện pháp tốt nhất để chống dịch.
 
 
hinh-1.jpg
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân  phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn


Tại phiên họp thứ 43 diễn ra vào sáng 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam báo cáo về công tác phòng chống dịch COVID-19.
Phát biểu sau báo cáo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ cảm ơn những người nơi tuyến đầu chống dịch và dẫn nhiều số liệu ấn tượng của nước ta trong công tác chống dịch. Cụ thể, Việt Nam đã đón gần 7000 người ở vùng dịch về nước; hàng trăm tiếp viên hàng không đăng ký xin tạm nghỉ không lương để chia sẻ khó khăn với đơn vị; gần 300 bác sĩ, y tá về hưu ở Hà Nội xin đăng ký trở lại bệnh viện để góp phần chống dịch; hơn 10.000 cán bộ chiến sĩ ngủ bạt, nằm rừng để ngăn dịch, nhường chăn gối, giường cho người đi cách ly; các suất ăn cho người cách ly được đảm bảo và miễn phí...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ trong công tác phòng chống dịch; khẳng định UBTVQH luôn đồng hành, sát cánh, tạo điều kiện cho Chính phủ triển khai các biện pháp tốt nhất để chống dịch; cho rằng qua đây mới thấy hết tình đoàn kết quân - dân, trách nhiệm phòng chống chống dịch của cả hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng lưu ý cần khắc phục những hạn chế đã được chỉ ra, trong đó không để tình trạng ỷ lại trong thực hiện các nhiệm vụ, lấy ly do dịch bệnh để thoái thác trách nhiệm. Tinh thần là ở nhà cũng làm việc chứ không phải nghỉ ngơi.
Chủ tịch Quốc hội cũng kêu gọi toàn dân tương thân tương ái, chung tay cùng phòng chống dịch với tinh thần nhà nhà chống dịch, người người chống dịch.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, bên cạnh tập trung chỉ đạo hiệu quả khống chế dịch bệnh, Chính phủ tiếp tục tập trung đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH.
Về hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị có sự điều chỉnh hợp lý, nhất là công tác giám sát để góp phần phòng chống dịch bệnh, không bố trí đoàn về các địa phương, trừ nội dung giám sát tối cao đang được tiến hành.​
                                                                                                                     Theo Nguyễn Hoàng-Chinhphu.vn

 |<  <  1 2 3 4 5 6  >  >| 


Cơ quan: UBND xã Tân An
Địa chỉ: Thôn Tân Hiệp, xã Tân An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai
Điện thoại: (0269) 3 832383
Email: tanan.dakpo@gialai.gov.vn
Fax: