Trang chủ > Tin tức, thời sự > Các Hoạt động của xã Phú An > CHIẾN THẮNG ĐAK PƠ 66 NĂM VÀ NHỮNG KÝ ỨC KHÔNG THỂ NÀO QUÊN

CHIẾN THẮNG ĐAK PƠ 66 NĂM VÀ NHỮNG KÝ ỨC KHÔNG THỂ NÀO QUÊN

Ngày đăng bài: 17/07/2020
Cách đây 66 năm, ngày 24-6-1954, tại mảnh đất Đak Pơ đã diễn ra trận quyết chiến suốt 7 giờ đồng hồ giữa quân và dân ta với Binh đoàn Cơ động 100, đội quân tinh nhuệ được trang bị vũ khí, quân trang, quân dụng tối tân, hiện đại của thực dân Pháp được điều từ chiến trường Triều Tiên sang, vẫn còn vang mãi đến hôm nay. Trong hồi ức của những cựu chiến binh từng tham gia trận quyết chiến ấy, có rất nhiều kỷ niệm không bao giờ quên.
12.jpg
 
Theo cựu chiến binh Trương Quang Quyền kể: “Muốn hiểu về Đak Pơ trước hết phải hiểu về tình hình lúc bấy giờ”: Cục diện chiến trường Liên khu 5 khi ấy phát triển mau lẹ theo chiều hướng có lợi cho ta nhờ sự tác động của những thắng lợi liên tiếp trên khắp cả nước. Nhiều vùng ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa… trước đây bị địch chiếm đóng trở thành vùng du kích. Ở Tây Nguyên, các căn cứ của du kích và bộ đội chủ lực Liên khu 5 ngày càng được mở rộng. Để đưa cách mạng phát triển lên giai đoạn mới, Hội nghị lần thứ IV Ban chấp hành Trung ương Đảng đã họp và quyết định đẩy mạnh các hoạt động quân sự, chính trị thành cao trào.
Trước nguy cơ ngày càng lún sâu vào bị động, nhằm gỡ thể diện, Pháp đã cử Na-va - viên Đại tướng nổi tiếng sang Đông Dương làm Tổng Chỉ huy quân viễn chinh. Vừa đặt chân đến vùng đất “nóng” này Na-va đã cho ra đời kế hoạch mang chính tên ông ta - Kế hoạch Na-va. Bước vào giai đoạn cuối của chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, thực hiện kế hoạch Na-va, trên địa bàn Liên khu 5, thực dân Pháp mở Chiến dịch Át-lăng, hòng tìm mọi cách, tập trung một lực lượng cơ động lớn đánh chiến toàn bộ vùng tự do.
Ý đồ và tham vọng của địch sớm bị ta phát hiện. Sau nhiều cuộc họp bàn ở các cấp, quân và dân Liên khu 5 xác định quyết tâm đánh địch, bảo vệ vùng tự do. Nhưng chặn đánh chúng như thế nào trong điều kiện ta còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vũ khí, trang bị còn thiếu thốn, thô sơ, đây là việc phải tính toán rất thận trọng, kỹ lưỡng
Tình hình chiến trường phát triển hết sức nhanh chóng. Để đáp ứng kịp yêu cầu, ngày 1/5/1954, Trung đoàn 96 - chủ lực Liên khu 5 được tái lập ngay trên tuyến lửa với 3 tiểu đoàn: Tiểu đoàn 30, 40, 79 và 2 đại đội hỏa lực. Đồng chí Nguyễn Minh Châu (Năm Ngà) - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân được trên “chọn mặt gửi vàng”, giao làm Trung đoàn trưởng. Nói là tái lập bởi theo cựu chiến binh Nguyễn Tự: Trung đoàn 96 được thành lập từ những ngày đầu chống Pháp ở Đà Nẵng nằm trong biên chế của Đại đoàn 31. Qua nhiều lần tổ chức biên chế lại, Trung đoàn 96 đã không còn.
Sau khi nhận nhiệm vụ, đêm 17/6/1954, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 96 dẫn đoàn cán bộ đi khảo sát thực địa. Quyết chiến điểm được xác định tại Đak Pơ trên Quốc lộ 19 phía tây An Khê 15 km, vì đây là đoạn có cầu Đak Pơ, đường quanh co, khúc khuỷu, phía bắc là những núi đất, đá đan xen với những vách đứng ta luy cao 3 - 5 m; phía nam là những hố sâu, hiểm trở.
Như lời cựu chiến binh Nguyễn Tự - nguyên là cán bộ tác chiến thuộc Tiểu đoàn 40, Trung đoàn 96 trong trận Đak Pơ, nguyên Trưởng Ban Liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 96 kể lại: Trong trận chiến Đak Pơ có nhiều phương án được đưa ra nhưng nổi lên có hai phương án chính. Thứ nhất là tung lực lượng chủ lực xuống các tỉnh đồng bằng vừa làm nòng cốt vừa phối hợp với lực lượng tại chỗ để chặn địch, bảo vệ vùng tự do. Thứ hai là giao nhiệm vụ bảo vệ vùng tự do cho lực lượng tại chỗ của các địa phương, còn lực lượng chủ lực của Liên khu thì tấn công lên Tây Nguyên, đánh thẳng vào khu vực bàn đạp để buộc địch phải quay về giữ vùng chiến lược này. Phân tích kỹ tình hình, quân và dân Liên khu 5 thống nhất chọn phương án thứ hai.
Từ sáng sớm ngày 24-6-1954, lực lượng của địch ở An Khê gồm Binh đoàn cơ động 100 và các đơn vị quân ngụy lặng lẽ rút quân, theo đường số 19 về hướng Pleiku. Sợ bị phục kích, từ đây chúng hành quân rất chậm chạp. Mặt khác, địch sử dụng máy bay trinh sát, quần thảo dọc theo đường 19 nhằm phát hiện lực lượng ta.
Quá trưa ngày 24-6-1954, khi bộ phận đi đầu của địch vượt qua cầu Đak Pơ, Trung đoàn trưởng ra lệnh nổ súng. Cối 82, ĐKZ và các loại súng bộ binh của Đại đội 68, Tiểu đoàn 40 đồng loạt nổ súng vào đoàn xe đi đầu của địch, làm nhiều chiếc bốc cháy. Bị đánh bất ngờ, đội hình hành quân của địch rối loạn, binh lính xô đẩy nhau nhảy khỏi xe. Chớp thời cơ, lực lượng xung kích xung phong xuống mặt đường tiến công địch làm cho bộ phận đi đầu rối loạn, số bị diệt, số bỏ chạy tán loạn. Quân địch chống trả khá quyết liệt, nhưng trong thế bị động và lúng túng. Nhiều tên bị chết, bị thương và bị bắt, trong số đó có tên chỉ huy trưởng Binh đoàn cơ động 100 (quan năm Bờ Râu). Trận đánh tiếp diễn ác liệt, kéo dài suốt chiều, qua đêm và đến trưa 25-6-1954 mới kết thúc. Kết quả trận đánh, địch bị chết khoảng 500 tên, bị thương 600 tên và 800 tên bị bắt; về chiến lợi phẩm ta thu được lên tới 375 chiếc xe cơ giới (trong đó có 1 xe tăng và 229 xe còn nguyên), 18 khẩu đại bác 105mm cùng toàn bộ vũ khí, khí tài, quân trang, quân dụng.
Sau 66 năm đã qua đi, không ít người từng làm nên Chiến thắng ngày ấy đã về với tổ tiên, về với Bác Hồ, người còn cũng đã ở vào tuổi xưa nay hiếm nhưng tất cả đều đau đáu một nỗi niềm là làm sao tìm kiếm, quy tập được đầy đủ hài cốt của 147 anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh để làm nên một chiến thắng Đak Pơ huyền thoại.
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Chiến thắng Đak Pơ (24/6/1954-24/6/2014), tại nơi đã diễn ra Trận đánh Đak Pơ lịch sử, Đền tưởng niệm, Tượng đài chiến thắng và Nhà truyền thống chiến thắng Đak Pơ đã được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng. Với ý nghĩa đây là nơi để ghi nhớ, tri ân đến 147 cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đoàn 96, cung với lực lượng vũ trang địa phương đã anh dũng hy sinh làm nên chiến thắng Đak Pơ lịch sử, đồng thời là nơi giáo dục về truyền thống lịch sử cách mạng cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trong toàn Đảng bộ huyện và là địa điểm du lịch thú vị đối với các du khách khi đến với Đak Pơ.


Cơ quan: Huyện Đak Pơ tỉnh Gia Lai
Địa chỉ: Tổ dân phố 2, thị trấn Đak Pơ, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai
Điện thoại: (0269) 3 738 269
Email: ubndakpo@gialai.gov.vn
Fax: (0269) 3 738 275