Trang chủ > Thông tin tuyên truyền
ĐAK PƠ: GIẢI NGÂN CÁC KHOẢN VAY THEO NGHỊ QUYẾT 11/NQ-CP CỦA CHÍNH PHỦ
ĐAK PƠ: GIẢI NGÂN CÁC KHOẢN VAY THEO NGHỊ QUYẾT 11/NQ-CP CỦA CHÍNH PHỦ
Sáng ngày 29/4/2022, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đak Pơ đã thực hiện giải ngân những khoản vay đầu tiên trong gói cho vay phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ. Theo đó, gói vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm giải ngân 100 triệu đồng cho 02 hộ; gói vay nhà ở xã hội giải ngân 950 triệu đồng cho 02 hộ.
 
1.jpg

Được biết, thực hiện gói vay ưu đãi theo nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, huyện Đak Pơ được tỉnh Gia Lai phân bổ 9,5 tỷ đồng. Trong đó, gói vay nhà ở xã hội là 5 tỷ đồng; gói vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là 4,5 tỷ đồng. Dự kiến đến hết tháng 6/2022, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đak Pơ sẽ hoàn thành các chỉ tiêu tín dụng được giao theo kế hoạch.
                                                                                                                                               NguồnTuyết Mai

THÁC VÕ ĐIỂM ĐẾN KỲ THÚ TRÊN SÔNG BA
THÁC VÕ ĐIỂM ĐẾN KỲ THÚ TRÊN SÔNG BA
Thác Võ nằm trên sông Ba, đoạn qua thôn Tân Phong (xã Tân An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) là điểm đến thu hút đông đảo du khách thập phương tới tham quan, trải nghiệm.
Từ thôn Tân Phong đi theo hướng Đông Nam ra phía sông Ba khoảng 2 km, du khách gửi xe ở khu vực trạm bơm Tân Phong rồi men theo lối nhỏ qua những ruộng rau, hoa màu sẽ tới thác Võ. Từ trên bờ nhìn xuống những khối đá đen, nhẵn nhụi, lô nhô, ngâm mình trong dòng nước, lấp lánh ánh bạc; đôi bờ hàng cây rung rinh soi bóng. Thác nước không đổ ầm ầm mà xuôi qua ghềnh đá, dội xuống, phát ra thanh âm rì rào như một bản nhạc giữa không gian thiên nhiên khoáng đạt.
 
1.jpg
Quang cảnh thiên nhiên hoang sơ, khoáng đạt ở thác Võ (thôn Tân Phong, xã Tân An, huyện Đak Pơ). Ảnh: Ngọc Minh
 
Đi qua chiếc cầu tre, nhìn sang bên trái, du khách sẽ thấy bãi sỏi nằm sát bờ sông, rộng hơn chục mét vuông. Những hòn đá cuội màu sắc khác nhau, dệt thành tấm khăng khít. Tiếp đến du khách đi dọc bờ sông vừa ngắm cảnh mây trời, sông nước, luồn qua những tán cây râm mát, điểm dừng chân là bãi cát bằng phẳng, thoai thoải, tưởng như đang dạo chơi trên bãi biển với cát trắng, nắng vàng. Đi sâu xuống phía dưới ngoài ngắm cảnh mây trời, sông nước, du khách được thử cảm giác lạ lẫm khi đặt chân trên những chiếc cầu bằng cây do đoàn viên, thanh niên xã Tân An bắc qua lạch nước chảy xiết. Sau khi dạo chơi, mọi người ngồi dưới tán cây, phiến đá, quây quần chuyện trò, ăn uống, lắng nghe tiếng nước chảy hòa cùng tiếng chim muông… để tận hưởng cảm giác thư thái, nhẹ nhàng.
Anh Phan Thanh Trung - Bí thư Đoàn xã Tân An - cho biết: Cùng với việc phát quang bụi rậm, dọn dẹp những cành, gốc cây khô, tạo lối đi thông thoáng, đoàn viên, thanh niên đã chủ động góp công sức, vật tư lắp đặt 3 cây cầu nhỏ. Đây là công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Tân An lần thứ XII (nhiệm kỳ 2022-2027). “Nhờ có chiếc cầu mà việc đi lại thuận lợi hơn. Nơi đây trở thành điểm check-in yêu thích của nhiều bạn trẻ” - anh Trung chia sẻ.
Còn bà Bùi Thị Hồng Thắm - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tân An thì cho hay: Hội Liên hiệp phụ nữ xã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể dọn vệ sinh môi trường, lắp đặt các điểm dù bóng mát, xích đu và cắm bảng cảnh báo đuối nước; đồng thời, tuyên truyền để khách tham quan không vứt xả rác bừa bãi, đề cao công tác phòng - chống dịch, góp phần tạo sân chơi lành mạnh cho người dân trên địa bàn vào dịp cuối tuần, lễ Tết. “Trong mấy ngày Tết, thác Võ đã thu hút hàng trăm lượt du khách ở TP. Hồ Chí Minh và các huyện, thị xã đến tham quan, du lịch”- bà Thắm nói.
 
 2-(1).jpg 
Giữa thiên nhiên thoáng đáng, thác Võ mang đến cho du khách một cảm giác thư thái, nhẹ nhàng. Ảnh: Ngọc Minh
 
Nhìn dòng người nô nức đổ về thác Võ du xuân, Phó Trưởng thôn Tân Phong Võ Thành Hiền phấn khởi: “Điểm du lịch thác Võ nằm gần khu sản xuất, cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, phù hợp tổ chức du lịch sinh thái. Vào dịp lễ, Tết hoặc cuối tuần, người dân trong xã thường về đây câu cá, cắm trại, vui chơi. Từ khi địa phương quan tâm dọn dẹp, tạo cảnh quan, san ủi mở rộng đường đi thì khách thập phương về vui chơi nhiều hơn”.
Được bạn bè giới thiệu, sáng mùng 3 Tết, anh Trần Thanh Toàn (tổ 1, phường An Phú, thị xã An Khê) rủ bạn bè và người thân đến thác Võ du xuân. Anh cho hay: “Đến thác Võ, tôi thấy quang cảnh khá đẹp. Điều tôi ấn tượng nhất là thác nằm bên dòng sông Ba với những ghềnh đá, thác nước ầm ào thì dọc bờ có nhiều tiểu cảnh như bãi sỏi, bãi cát, cầu tre… rất thích hợp với những bạn trẻ thích khám phá, check-in”.
Trao đổi với P.V, ông Lê Kim Ngọc - Chủ tịch UBND xã Tân An - thông tin: Thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy xã về phát triển du lịch gắn với nông nghiệp bền vững, UBND xã chỉ đạo các hội, đoàn thể huy động hàng trăm lượt đoàn viên, hội viên tổng dọn vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách. “Để phát huy hơn nữa những tiềm năng thế mạnh của thác Võ, xã đã làm tờ trình xin san ủi, làm tuyến đường dọc sông Ba vào khu vực thác, đồng thời chỉ đạo các ban, ngành tuyên truyền, vận động người dân trồng trọt, chăn nuôi tạo ra những sản phẩm chất lượng, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của khách du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân”-ông Ngọc thông tin thêm.
                                                                                                                                         Theo: GLO

TRAO QUÀ CỦA ĐỒNG CHÍ BÍ THƯ TỈNH ỦY GIA LAI CHO CÁC HỘ GIA ĐÌNH KH...
TRAO QUÀ CỦA ĐỒNG CHÍ BÍ THƯ TỈNH ỦY GIA LAI CHO CÁC HỘ GIA ĐÌNH KHÓ KHĂN TRÊN ĐỊA BÀN XÃ YA HỘI
Sáng ngày 26/01/2022, tại Trụ sở làm việc xã Ya Hội, đồng chí Bùi Thị Thương - Phó Chủ tịch UBND huyện thừa ủy quyền của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã tổ chức trao tặng 52 xuất quà Tết của đồng chí Hồ Văn Niên - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho 52 hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ khó khăn tại địa bàn xã Ya Hội. Mỗi suất quà trị giá 01 triệu đồng, gồm 500 nghìn đồng tiền mặt và gạo, bánh kẹo, các nhu yếu phẩm khác.
 
 
1.jpg

Phát biểu tại buổi trao quà, đồng chí Bùi Thị Thương - Phó Chủ tịch UBND huyện cảm ơn sự quan tâm của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đối với huyện Đak Pơ nói chung và các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn xã Ya Hội nói riêng, qua đó đồng chí cũng mong rằng những suất quà của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy gửi tặng sẽ góp phần nào cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn xã Ya Hội có thêm điều kiện để vui xuân, đón Tết Nhâm Dần - 2022. Đồng thời, đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện cũng mong muốn trong thời gian tới, các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn xã Ya Hội sẽ cố gắng, nỗ lực vượt khó để lao động, sản xuất nhằm nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển.
Được biết, đây là những suất quà trong số 202 suất quà của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy dành tặng cho 202 hộ dân trên địa bàn tỉnh. Trong đó, TP. Pleiku 50 suất, huyện Đak Pơ 52 suất, huyện Chư Păh 50 suất, huyện Đak Đoa 50 suất.
                                                                                            Nguồn: Lệ Thanh ( Văn phòng UBND huyện Đak Pơ)
 

ĐAK PƠ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÁC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
ĐAK PƠ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÁC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
Năm 2021, huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) được giao hơn 43 tỷ đồng xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Ngay từ đầu năm, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp cùng các xã, thị trấn có công trình được đầu tư xây dựng mới hoặc sửa chữa chủ động triển khai xây dựng theo kế hoạch đề ra. 
 
Ngoài công trình chuyển tiếp từ năm 2020 tiếp tục hoàn thiện bàn giao đưa vào sử dụng, huyện tập trung xác định một số công trình trọng điểm khởi công mới trong năm 2021 như: Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (thị trấn Đak Pơ) hơn 4,8 tỷ đồng; Trường Tiểu học và THCS Kim Đồng (điểm trường làng Kuk Kôn, xã An Thành) 950 triệu đồng; Trường Mẫu giáo Anh Đào (điểm trường thôn An Phong) hơn 1,5 tỷ đồng, Trung tâm Văn hóa-Thể thao 2 xã Cư An và Tân An; trường bắn, thao trường huấn luyện… Đến nay, các công trình đã hoàn thiện.
 
1.jpg
        Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Du (xã Cư An) được xây mới khang trang.
Ông Nguyễn Trường - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ-cho biết: “Năm 2021, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cùng với diễn biến thời tiết không thuận lợi, giá vật liệu xây dựng tăng cao so với những năm trước đã tác động đến tiến độ thi công một số công trình của huyện. Để đảm bảo hoàn thành công trình theo hợp đồng, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các ngành và địa phương thụ hưởng tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công trong điều kiện vừa phòng-chống dịch, vừa đảm bảo an toàn cho người lao động. Trong đó, ưu tiên xây dựng, sửa chữa các trường học, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Bên cạnh đó, thi công các công trình hạ tầng nông thôn đảm bảo chất lượng, phù hợp theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới”.
Đặc biệt, UBND huyện Đak Pơ chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường giám sát chất lượng thi công, đôn đốc, nhắc nhở nhà thầu thi công đúng tiến độ, khai thác hiệu quả các nguồn vốn đầu tư đúng mục đích. Đồng thời, chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như nhà thi đấu đa năng, các công trình thủy lợi… ở các xã, thị trấn, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
 
2.jpg
       Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã Cư An được đầu tư xây mới đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.
 
 
Theo đánh giá, các công trình xây dựng cơ bản trong năm 2021 đều đảm bảo chất lượng và sử dụng đúng công năng, mục đích; phù hợp với quy mô phát triển của địa phương. Nhờ đó, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, đáp ứng nhu cầu của người dân, mang lại sức sống mới.
 
Chủ tịch UBND huyện cho hay: Đak Pơ là một trong những địa phương còn khó khăn của tỉnh. Vì vậy, huyện rất mong các cấp, ngành của trung ương và tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giúp địa phương phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống của người dân. “Thời gian tới, huyện tập trung thực hiện tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng; vận động người dân đồng thuận chủ trương đầu tư của Nhà nước; thực hiện tốt các giải pháp quản lý, xây dựng các dự án đảm bảo chất lượng, hoàn thành đúng tiến độ thi công để sớm đưa công trình vào sử dụng. Đây là một trong những động lực để huyện Đak Pơ ngày càng phát triển bền vững”-ông Nguyễn Trường nhấn mạnh.
                                                                                                                                               Theo: GLO

KBANG CHÚ TRỌNG "TAM NÔNG"
KBANG CHÚ TRỌNG "TAM NÔNG"
(GLO)- Qua một thời gian triển khai thực hiện Kết luận số 61 ngày 3-12-2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020”, huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) đã đạt được những kết quả thiết thực.
 
​Huyện Kbang có 21 dân tộc anh em cùng sinh sống tại 14 xã, thị trấn, trong đó, người Bahnar chiếm gần 40% dân số. Kbang xác định phát triển kinh tế nông nghiệp là mũi nhọn. Trên cơ sở đó, cán bộ Hội Nông dân các cấp tăng cường xuống cơ sở tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chủ động phòng-chống khô hạn, phòng trừ dịch bệnh. Bên cạnh đó, Hội Nông dân các cấp còn hỗ trợ 3.796 cây giống ăn quả các loại (trị giá gần 223 triệu đồng); xây dựng các mô hình nuôi heo đen ở xã Đak Rong, nuôi bò vỗ béo tại xã Kông Pla, nuôi dê sinh sản ở xã Lơ Ku, trồng lúa 2 vụ ở xã Kon Pne, trồng sầu riêng ở xã Sơn Lang.
 
1.jpg
Đoàn kiểm tra Đề án 61 của tỉnh làm việc tại Huyện ủy Kbang. Ảnh: Hoàng Cư
 

Ông Đinh Dưh (làng Kbông, xã Lơ Ku) bộc bạch: “Gia đình mình thuộc diện hộ cận nghèo nên được Hội Nông dân huyện hướng dẫn kỹ thuật và cho vay không tính lãi 30 triệu đồng để mua bò, dê, heo về nuôi. Nhờ đó, 2 năm nay, đàn vật nuôi gia tăng, lại có thêm nguồn phân chuồng bón cho cây trồng. Gia đình cải thiện thu nhập, không phải đi làm thuê nữa”.

Bên cạnh đó, cán bộ Hội Nông dân còn tích cực tuyên truyền, vận động và hướng dẫn hội viên tham gia tổ tiết kiệm và vay vốn, thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng làm hồ sơ thủ tục giúp hội viên vay vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Đến nay, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đã cho 2.126 hộ hội viên thuộc 52 tổ tiết kiệm và vay vốn vay gần 100 tỷ đồng; Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Kbang cho 1.363 hội viên vay hơn 187 tỷ đồng… Năm 2022, Hội Nông dân thị trấn Kbang và các xã Sơ Pai, Sơn Lang, Kông Lơng Khơng, Đak Rong, Krong phối hợp với Công ty Môi trường-Đô thị Hà Nội cung ứng gần 700 tấn phân vi sinh theo hình thức trả chậm cho nông dân. Nhờ được vay vốn, bà con nông dân không phải vay nặng lãi, cầm cố thế chấp tài sản. Nhờ vậy mà cuộc sống và sản xuất của bà con ngày càng thuận lợi. Năm 2022, toàn huyện có 6.684 hội viên đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân các cấp cũng đã chủ động phối hợp với MTTQ tuyên truyền sâu rộng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”… Kết quả, người dân đã hiến hàng chục ngàn m2 đất, đóng góp hàng ngàn ngày công xây dựng nông thôn mới; vận động gần 90% đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội và bảo biểm y tế, trên 98% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh; 75 hội viên tham gia xây dựng thành công 3 mô hình “Bảo vệ môi trường nông thôn và thích ứng biến đổi khí hậu”… Ngoài ra, Hội Nông dân các cấp còn phối hợp với các cơ quan tổ chức tiếp công dân và tư vấn pháp luật, kịp thời giải quyết đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân.

Nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân trong xây dựng giai cấp nông dân, các cấp Hội đã tạo điều kiện cho cán bộ Hội tiếp cận thông tin kịp thời, đưa đi đào tạo, củng cố bộ máy tổ chức, quy hoạch đội ngũ cán bộ chuyên môn, ưu tiên cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số tại chỗ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đến nay, 100% cán bộ Hội Nông dân đều đã đạt chuẩn về trình độ, nhiều cán bộ thôn, làng có trình độ đại học, chất lượng đội ngũ cán bộ được nâng lên.

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Anh Tuấn-Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh-cho biết: “Qua kiểm tra cho thấy, huyện Kbang đã triển khai thực hiện Kết luận số 61 của Ban Bí thư Trung ương Đảng một cách nghiêm túc và đạt kết quả”.
                                                                                                                                   Nguồn: HOÀNG CƯ-GLO

(GLO)- Trong quý II-2022, Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) tỉnh G...
(GLO)- Trong quý II-2022, Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) tỉnh Gia Lai tập trung thực hiện 2 nhiệm vụ quan trọng là tiếp tục triển khai kế hoạch tín dụng của năm 2022 và khẩn trương rà soát, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất kinh doanh.
Tiếp tục đồng hành cùng người dân
Bước vào năm 2022, Ngân hàng CSXH tỉnh đã tranh thủ nguồn vốn trung ương và địa phương để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Ước tính trong quý I-2022, đơn vị đã giải ngân 855 tỷ đồng với 18.000 lượt khách hàng vay vốn.
Anh Siu Sơ Mon (tổ dân phố 12, thị trấn Phú Thiện) vừa được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng dành cho hộ nghèo. Anh bày tỏ: “Nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH huyện hỗ trợ, tôi mua được 2 con bò. Tôi sẽ chăm sóc thật tốt để chúng sinh sản, góp phần ổn định cuộc sống”. Còn bà Trương Thị Thủy (thôn Hồ Nước, thị trấn Chư Sê) thì cho biết: “Tháng 2 vừa rồi, tôi được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 50 triệu đồng để trồng cà phê”.
 
1.jpg
Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Chư Sê tập trung cho vay giải quyết việc làm, hỗ trợ sinh kế cho người dân. Ảnh: Sơn Ca
Thông tin về hoạt động tín dụng chính sách tại địa bàn trong quý I-2022, ông Nguyễn Đình Lý-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Chư Sê-cho hay: “Trước đó, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát nhu cầu vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2022-2025 để Ngân hàng CSXH cho vay nhằm đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn. Trong 3 tháng đầu năm, Phòng Giao dịch cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trở về địa phương từ các tỉnh phía Nam. Nguồn vốn này nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập giúp người dân giảm bớt khó khăn và sớm ổn định cuộc sống”. Trong quý I-2022, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Chư Sê đã giải ngân gần 60 tỷ đồng với gần 1.200 lượt hộ vay, tăng 85% so cùng kỳ năm 2021.

Trong khi đó, ông Hà Thái Dương-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phú Thiện thì thông tin: “Đơn vị đang thực hiện cho vay 14 chương trình tín dụng trên địa bàn. Tổng nguồn vốn đạt 371,193 tỷ đồng, tăng 10,550 tỷ đồng so với đầu năm. Tổng dư nợ đạt 328,071 tỷ đồng, tăng 8,333 tỷ đồng so với đầu năm với 7.892 khách hàng. Trong quý I, doanh số cho vay là 23,222 tỷ đồng với 558 lượt hộ vay, góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách”.

Sẵn sàng các điều kiện triển khai chính sách hỗ trợ

Ước tính đến cuối tháng 3-2022, tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH tỉnh đạt 5.450 tỷ đồng, tăng 175 tỷ đồng so với đầu năm, tăng 474 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Doanh số cho vay đạt 855 tỷ đồng. Doanh số thu nợ đạt 681 tỷ đồng. Trong 3 tháng đầu năm, doanh số cho vay tập trung ở các chương trình tín dụng như: cho vay hộ nghèo (120 tỷ đồng), cho vay hộ cận nghèo (190 tỷ đồng), cho vay hộ mới thoát nghèo (110 tỷ đồng), cho vay giải quyết việc làm (135 tỷ đồng), cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn (210 tỷ đồng), cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn (80 tỷ đồng)... Ngoài ra, năm 2022 là năm đầu áp dụng tiêu chí nghèo đa chiều mới, số hộ nghèo tăng cao. Do đó, Ngân hàng CSXH tỉnh đã chủ động tranh thủ nguồn vốn trung ương và địa phương để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Song song với công tác tín dụng, Ngân hàng CSXH tỉnh phối hợp cùng các sở, ngành rà soát nhu cầu vay vốn theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ để chuẩn bị các điều kiện cho vay ưu đãi. Đặc biệt, Ngân hàng CSXH sẽ hỗ trợ lãi suất 2% trong 2 năm (2022-2023) đối với các khoản vay lãi suất trên 6% và được giải ngân trong giai đoạn này. Theo đó, 7 chương trình lớn được giảm lãi suất 2% là: cho vay hộ nghèo, cho vay hộ cận nghèo, cho vay hộ mới thoát nghèo, cho vay học sinh-sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay giải quyết việc làm, cho vay hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Về vấn đề này, ông Lê Văn Chí-Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh-cho biết: “Trong quý II-2022, Ngân hàng CSXH tỉnh tập trung thực hiện 2 nhiệm vụ quan trọng là tiếp tục triển khai kế hoạch tín dụng của năm 2022 và khẩn trương rà soát, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để giải ngân các chính sách cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngay sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, có chính sách giảm 2% lãi suất đối với các khoản vay trên 6% và được giải ngân giai đoạn 2022-2023. Từ kết quả thực hiện của quý I cho thấy, khả năng tăng trưởng của năm 2022 sẽ rất cao, dự ước gấp đôi năm trước”.

Được biết, trong năm 2021, Ngân hàng CSXH tỉnh cũng đã triển khai thực hiện chủ trương giảm 10% so với lãi suất cho vay các chương trình tín dụng chính sách trong 3 tháng cuối năm 2021 theo Quyết định số 1990/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và có 141.382 khách hàng được giảm lãi suất với số tiền trên 10 tỷ đồng.

                                                                                                                  Nguồn: SƠN CA – GLO
 

GIA LAI: TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG-CHỐNG MẠI DÂM TRONG NGÀNH GI...
GIA LAI: TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG-CHỐNG MẠI DÂM TRONG NGÀNH GIÁO DỤC ĐẾN NĂM 2025
GLO)- Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch số 722/KH-SGDĐT ngày 28-3-2022 về triển khai Chương trình phòng-chống mại dâm (PCMD) trong ngành GD tỉnh đến năm 2025.
 
1.jpg
“Phiên tòa giả định” là một hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCMD hiệu quả trong trường học (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Mộc Trà
 
 
Kế hoạch đề ra các nội dung với những chỉ tiêu cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCMD; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các hoạt động phòng ngừa mại dâm thông qua lồng ghép với nhiệm vụ năm học và các hoạt động của nhà trường.

Theo đó, phấn đấu 100% các trường THPT tổ chức được ít nhất một hình thức tuyên truyền về phòng ngừa mại dâm và được duy trì thường xuyên; thông tin về PCMD được đăng tải trên trang thông tin và hình thức phù hợp khác của nhà trường ít nhất 1 lần/tháng; đến hết năm 2024, 100% học sinh THPT được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, cung cấp thông tin, kiến thức về PCMD và được duy trì thường xuyên. 100% các trường THPT xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động phòng-chống tệ nạn mại dâm. Phấn đấu đến hết năm 2024, 100% cán bộ, giáo viên cốt cán của các trường THPT được tập huấn nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về PCMD; đến năm 2025, 100% các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện lồng ghép nhiệm vụ phòng-chống tệ nạn mại dâm với nhiệm vụ năm học và các hoạt động của nhà trường.

Tại Kế hoạch này, Sở GD-ĐT cũng đề ra 10 nhóm giải pháp; đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng chuyên môn của Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố cùng các trường phổ thông trực thuộc Sở phối hợp triển khai thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCMD trong toàn ngành.
                                                                                                                                           Nguồn: Mộc Trà-GLO

ĐỀ XUẤT XÂY DỰNG TUYẾN ĐƯỜNG KẾT NỐI HUYỆN KBANG VÀ KON RẪY
ĐỀ XUẤT XÂY DỰNG TUYẾN ĐƯỜNG KẾT NỐI HUYỆN KBANG VÀ KON RẪY
(GLO)- Sở Giao thông-Vận tải Gia Lai vừa có văn bản báo cáo, đề xuất UBND tỉnh liên quan đến dự án đường giao thông từ xã Đăk Pne (huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) đi huyện Kbang sau khi cùng các sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức kiểm tra hiện trường, đánh giá tác động về mọi mặt đối với tuyến đường này.
 
Sở Giao thông-Vận tải Gia Lai chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra hiện trường, họp đánh giá tác động về mọi mặt của dự án đường giao thông từ xã Đăk Pne (huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) đi xã Đak Rong (huyện Kbang). Ảnh: Minh Nguyễn
 
 
Theo đề xuất, dự kiến, tuyến đường được đấu nối từ làng Kon Bông (xã Đak Rong, huyện Kbang) đi xã Đăk Pne với quy mô đầu tư cứng hóa mặt đường bằng bê tông xi măng rộng trung bình từ 3 đến 5 m bám theo đường mòn cũ hiện trạng, không ảnh hưởng đến đất rừng và cây rừng tự nhiên (tuyến đường đã được bóc tách ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng, hiện trạng là đất khác) có chiều dài xây dựng khoảng 2,8 km, kinh phí khoảng 15 tỷ đồng.

Hiện tại từ trung tâm huyện Kbang đến làng Kon Bông đã được đầu tư xây dựng đường giao thông kiên cố với chiều dài khoảng 70 km (trong đó đoạn đường Trường Sơn Đông là 40 km, còn lại là đường giao thông nông thôn bằng bê tông xi măng rộng từ 3 đến 3,5 m). Tuy nhiên, từ làng Kon Bông đến xã Đăk Pne chưa được đầu tư đường giao thông kiên cố. Việc lưu thông của người dân 2 tỉnh chủ yếu là đi bộ trên đường mòn bằng đất.
 
1.jpg
Khu vực đầu tư dự án đã được UBND huyện Kbang quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái thác Kon Bông, thuận lợi kết nối phát triển du lịch. Ảnh: Minh Nguyễn
 

Do đó, dự án được đầu tư sẽ rút ngắn khoảng cách về địa lý, tạo tiền đề để tỉnh Gia Lai xây dựng đoạn tuyến còn lại, qua đó hình thành mạng lưới giao thông liên kết giữa 2 tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế-xã hội, giao lưu văn hóa; đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch của 3 huyện: Kbang, Kon Rẫy và Kon Plông nói riêng, của tỉnh Gia Lai và Kon Tum nói chung.

                                                                                                                                  Nguồn: Minh Nguyễn-GLO
 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN HUYỆN ĐAK PƠ TỔ CHỨC KỲ HỌP THỨ SÁU (CHUYÊN ĐỀ), ...
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN HUYỆN ĐAK PƠ TỔ CHỨC KỲ HỌP THỨ SÁU (CHUYÊN ĐỀ), NHIỆM KỲ 2021-2026
Chiều ngày 31/3/2022, tại Hội trường huyện, Hội đồng nhân dân huyện Đak Pơ khóa IV, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức kỳ họp thứ Sáu (chuyên đề) để xem xét Báo cáo việc giải quyết công việc giữa hai kỳ họp thuộc thẩm quyền của HĐND huyện và quyết định kế hoạch đầu tư công năm 2022 (đợt 2) từ nguồn ngân sách huyện.
 
1.png

Tại Kỳ họp, các đại biểu HĐND huyện đã tập trung xem xét, cho ý kiến đối với Báo cáo của Thường trực HĐND huyện về giải quyết công việc giữa hai kỳ họp thuộc thẩm quyền của HĐND huyện năm 2022, qua thảo luận, kỳ họp đã thống nhất phân khai các nguồn vốn sự nghiệp thuộc ngân sách huyện năm 2022 với tổng kinh phí là 2.878 triệu đồng; thống nhất Phương án sử dụng tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách cấp huyện năm 2022, trong đó nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách cấp huyện được sử dụng là 8.386 triệu đồng.
Đồng thời, Kỳ họp cũng đã thảo luận, xem xét và quyết định thông qua  Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công năm 2022 (đợt 2) thuộc nguồn ngân sách huyện với tổng nguồn vốn là 17.100 triệu đồng.
                                                                                                                                                  Nguồn:Thanh Hòa

UBND TỈNH SƠ KẾT CÔNG TÁC 03 THÁNG ĐẦU NĂM 2022
UBND TỈNH SƠ KẾT CÔNG TÁC 03 THÁNG ĐẦU NĂM 2022
Chiều ngày 01/4/2022, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác quý I, triển khai nhiệm vụ công tác quý II/2022. Đồng chí Võ Ngọc Thành - Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.
 
1.jpg

Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong 3 tháng đầu năm 2022, tỉnh Gia Lai tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch COVID 19 với số lượng ca bệnh tăng, nhưng được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, sự đồng lòng toàn toàn hệ thống chính trị, tỉnh đã triển khai thực hiện tốt việc phòng chống dịch và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2022. Vụ Đông Xuân 2021-2022, toàn tỉnh đã gieo trồng 77.082,1 ha, đạt 102,1%KH, bằng 110,7% so với cùng kỳ. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển mạnh theo hướng trang trại, trên địa bàn tỉnh hiện có 178 dự án chăn nuôi đang được các nhà đầu tư quan tâm với tổng vốn đầu tư 23.984,19 tỷ đồng. Thu ngân sách đạt 1.637,3 tỷ đồng, bằng 30,2% dự toán trung ương giao, bằng 28,1% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 8,9% cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 6.243,19 tỷ đồng, bằng 21,61%KH, tăng 16,36% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 200 triệu USD, đạt 30,3% kế hoạch, tăng 25% cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,92% so với cùng kỳ. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm. Thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách cho các đối tượng thụ hưởng. An ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá những kết quả đạt được cũng như chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua; đồng thời, đề ra những giải pháp triển khai thực hiện đạt hiệu quả trong thời gian tới.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Võ Ngọc Thành - Chủ tịch UBND tỉnh đã biểu dương sự nỗ lực, phấn đấu của các ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ kép “vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội”. Đồng thời, đồng chí yêu cầu các sở, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, tập trung giải quyết việc làm cho lao động địa phương; đẩy mạnh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư xây dựng cơ bản; làm tốt công tác kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tập trung triển khai kế hoạch trồng rừng gắn với quản lý bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng và quản lý tài nguyên, khoáng sản. Trước tình trạng sốt đất, mua bán đất đai diễn ra thời gian gần đây, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh các ngành, các địa phương cần siết chặt công tác quản lý đất đai, đề xuất giải pháp xử lý các trường hợp cò mồi, tình trạng lợi dụng cơ hội tạo ra sốt đất. Ngành y tế tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19. Các địa phương chủ động trong công tác dạy và học, tập trung ôn tập cho học sinh để thi học kỳ 2 và thi tốt nghiệp THPT. Cùng với đó, tập trung thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, công tác thanh tra, kiểm tra giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đảm bảo trật tự xã hội, an toàn giao thông và các vấn đề vi phạm liên quan đến công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh. 
                                                                                                      Nguồn: Cổng thông tin điện tử huyện Đak Pơ

 |<  <  1 2 3 4 5 6 7  >  >| 


Cơ quan: Huyện Đak Pơ tỉnh Gia Lai
Địa chỉ: Tổ dân phố 2, thị trấn Đak Pơ, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai
Điện thoại: (0269) 3 738 269
Email: ubndakpo@gialai.gov.vn
Fax: (0269) 3 738 275