|

HỖ TRỢ TÌM ĐẦU RA CHO SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP
GLO)- Nhờ sự hỗ trợ của ngành chức năng cộng với nỗ lực tự thân trong tìm kiếm, khai thác thị trường, đa dạng kênh tiêu thụ nên nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) ở Gia Lai đã có đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Tăng cường kết nối, khai thác thị trường nội địa
Chị Phạm Thị Bình-Chủ cơ sở sản xuất trà Nam Phúc (xã Ia Vê, huyện Chư Prông) cho biết: “Để sản phẩm tiếp cận thị trường thuận lợi, mỗi năm, tôi đều tham gia khoảng 20 hội chợ triển lãm ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Từ những chuyến đi này, tôi đã tìm được các đại lý tiêu thụ ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Phú Thọ, Quảng Ninh… Mỗi tháng, cơ sở tiêu thụ được khoảng 700 sản phẩm trà sả chanh. Các chuyến đi cũng giúp tôi tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, tiếp cận các nhà sản xuất để học hỏi kinh nghiệm, từ đó hoàn thiện sản phẩm của mình hơn”.
 |
Nhờ đẩy mạnh tìm kiếm, khai thác thị trường, đa dạng kênh tiêu thụ nên nhiều doanh nghiệp, HTX đã có đầu ra ổn định cho sản phẩm. Ảnh: V.T |
Tương tự, ngoài tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, HTX Nông nghiệp Thảo Nguyên (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) còn trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các cửa hàng OCOP, điểm bán hàng Việt ở nhiều địa phương trong tỉnh. Ông Trịnh Quang Hải-Giám đốc HTX-cho hay: “Hợp tác xã có một số sản phẩm như cao đinh lăng, hạt mắc ca đã đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Nhờ ngành chức năng hỗ trợ tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, các sàn thương mại điện tử, chúng tôi có thêm cơ hội tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Khó khăn hiện nay là do nguồn vốn của HTX hạn hẹp nên việc đầu tư nâng công suất máy móc, thiết bị còn gặp khó khăn. Ngoài ra, do quy mô sản xuất nhỏ nên HTX chưa đáp ứng được các đơn hàng lớn”.
Gia Lai hiện có 311 sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao cấp tỉnh (49 sản phẩm đạt 4 sao và 262 sản phẩm đạt 3 sao) của 154 chủ thể (30 doanh nghiệp, 42 HTX, 82 cơ sở sản xuất kinh doanh). Bên cạnh đó, tỉnh có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cùng nhiều mặt hàng đặc sản, đặc trưng với chất lượng tốt được người tiêu dùng đánh giá cao. Đây là tiềm năng để phát triển sản phẩm đã qua chế biến ra thị trường.
Ông Trịnh Đình Trường-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chè Biển Hồ-thông tin: “Trước đây, khi nói đến sản phẩm được sản xuất trong tỉnh, người dân hầu như ít biết. Nhưng kể từ khi các cửa hàng OCOP, điểm bán hàng Việt đi vào hoạt động, người tiêu dùng đã biết đến nhiều hơn các sản phẩm sản xuất trong tỉnh. Các điểm bán này cũng giúp người dân tiếp cận hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo, đồng thời hỗ trợ các chủ thể sản xuất tiêu thụ hàng tốt hơn. Vừa qua, Công ty được hỗ trợ xây dựng điểm bán hàng Việt tại xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh. Với sự liên kết giữa nhà sản xuất và nhà phân phối, Công ty sẽ làm đầu mối để giúp cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh vươn xa trên thị trường”.
Theo ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương, hiện nay, nhu cầu thị trường rất lớn, trong đó, thị trường nội địa có vai trò quan trọng, cần khai thác. Việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm qua kết nối giữa các nhà cung ứng và nhà phân phối, tăng cường các chương trình kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm đã góp phần tích cực giúp doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất mở rộng nguồn khách hàng, nâng cao năng lực sản xuất, tăng giá trị thương hiệu để có cơ hội khai thác, tiếp cận thị trường mới một cách hiệu quả nhằm tăng doanh số bán hàng. Thông qua việc kết nối, hỗ trợ tiêu thụ đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX giao lưu, học hỏi kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, tham gia chuỗi cung ứng phân phối sản phẩm.
“Song trên thực tế, đa số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, hạn chế về năng lực tài chính, vấn đề tiếp cận công nghệ số và kết nối giao thương trực tuyến còn mới mẻ nên việc mở rộng mạng lưới kinh doanh, quảng bá sản phẩm gặp khó khăn. Mặt khác, để sản phẩm của tỉnh vào được các chuỗi siêu thị, hệ thống phân phối lớn đòi hỏi ngoài chất lượng cao thì sản lượng phải luôn ổn định. Đây là cái khó nhất để sản phẩm địa phương vươn ra thị trường”-ông Binh phân tích.
Xúc tiến xuất khẩu hàng hóa
Trong 6 tháng đầu năm nay, Sở Công thương đã tổ chức hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa tỉnh Gia Lai và Bạc Liêu; mời gọi các doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu và giới thiệu sản phẩm tiêu biểu tại Đak Lak, Phú Thọ, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lâm Đồng…; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi; xây dựng điểm bán hàng Việt Nam.
Cùng với đó, Sở cũng đã tổ chức đoàn giao dịch thương mại tại Singapore; mời doanh nghiệp tham gia hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với thương vụ Việt Nam ở nước ngoài; tổ chức hội nghị giao ban xúc tiến xuất khẩu hàng tháng; mời doanh nghiệp tham gia khóa đào tạo nâng cao năng lực về xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu và tham gia chương trình tìm kiếm nhà nhập khẩu tại Qatar, Ethiopia…
Ngoài ra, Sở còn phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) hoàn thiện dự thảo kế hoạch tổ chức đón đoàn doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam giao dịch với các địa phương khu vực Tây Nguyên; hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ đăng ký hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia triển lãm quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam; hướng dẫn 6 doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ đăng ký tham gia Hội chợ thương mại ASEAN-Trung Quốc lần thứ 20 tại Trung Quốc vào tháng 9-2023.
 |
Hoạt động kết nối B2B: hình thức kinh doanh, giao dịch trực tiếp giữa doanh nghiệp Gia Lai và doanh nghiệp Singapore. Ảnh Sở Công thương cung cấp |
Được tham gia đoàn giao dịch thương mại tại Singapore hồi đầu tháng 4 vừa qua, anh Nguyễn Đình Tấn-đại diện cơ sở sản xuất tinh dầu An Thiên (TP. Pleiku) phấn khởi cho biết: “Chúng tôi được mở mang tầm mắt và thấy rằng sản phẩm của mình còn nhiều thiếu sót. Chất lượng được đánh giá cao nhưng mẫu mã bao bì, nhãn mác nếu ra thị trường nước ngoài thì không đảm bảo tiêu chuẩn. Vì vậy, sau lần đi này, cơ sở đã có thêm sự hiểu biết về một số kiến thức khi tiếp cận hoạt động thương mại quốc tế, có cơ hội tìm hiểu về thị trường tiềm năng, từ đó hoàn thiện sản phẩm của mình để đáp ứng nhu cầu của đối tác và thị trường”.
Bà Nguyễn Thị Bích Thu-Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) thông tin: Với vai trò là cầu nối giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường nước ngoài để mở ra cơ hội xuất khẩu hàng hóa, năm ngoái, Sở Công thương đã tổ chức cho 7 doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh tham gia Hội chợ triển lãm tại Thủ đô Vientiane, Lào. Đầu tháng 4 năm nay, Trung tâm phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Singapore tổ chức đoàn giao dịch thương mại tại nước này với 8 doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh tham gia để có cơ hội kết nối, giao lưu với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tìm kiếm thị trường tiêu thụ các sản phẩm hồ tiêu, cà phê, mật ong, hạt điều, chanh dây, bò khô, các sản phẩm từ dược liệu…
“Thành công từ 2 chuyến đi là đã tạo được sự kết nối. Các đối tác nước ngoài đã có chương trình về tham quan nhà máy của một số đơn vị để tìm hiểu quy trình sản xuất, cũng như có nhà phân phối đặt hàng một số sản phẩm mật ong, bò khô, rượu. Tuy sản lượng hàng xuất đi chưa nhiều nhưng đây là cơ hội để các sản phẩm nông nghiệp đã qua chế biến từng bước thâm nhập thị trường nước ngoài. Hơn hết, từ việc tiếp cận thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất đã nhận thấy ngoài đảm bảo về mặt chất lượng thì phải hoàn thiện quy cách đóng gói, bao bì, nhãn mác, có chỉ dẫn bằng tiếng Anh, có đầy đủ thông tin cơ bản, các chứng chỉ như HACCP, Halal... theo quy định”-bà Thu thông tin thêm.
Theo Vũ Thảo-GLO

TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN ĐỀ ÁN 06
Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg, ngày 06 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06), Nghị định số 59/2022/NĐ-CP, ngày 05 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử, Công văn số 610-CV/HU ngày 24 tháng 4 năm 2023 của Ban Thường vụ Huyện ủy Đak Pơ tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án số 06 của Chính phủ trên địa bàn huyện, Công văn số 613/UBND-CAH ngày 07 tháng 4 năm 2023 của UBND huyện Đak Pơ về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNeID.
  
Công an thị trấn Đak Pơ tham mưu UBND Kế hoạch số 54/KH-UBND, ngày 31 tháng 3 năm 2023 Triển khai thực hiện nhiệm vụ Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn thị trấn Đak Pơ năm 2023, Công văn 141-CV/ĐU, ngày 29 tháng 5 năm 2023 của Đảng ủy thị trấn về tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn thị trấn Đak Pơ, đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tuyên truyền Nhân dân trên địa bàn hiểu rõ tầm quan trọng của Đề án 06, lợi ích của định danh điện tử (ĐDĐT). Qua đó đã vận động được hơn 850 người dân đăng ký ĐDĐT, Công an thị trấn Đak Pơ phối hợp Đoàn thanh niên thị trấn Đak Pơ kích hoạt thành công cho hơn 750 tài khoản ĐDĐT cho Nhân dân trên địa bàn. Đến thời điểm hiện tại thị trấn Đak Pơ đã hoàn thành hơn 86% chỉ tiêu đăng ký tài khoản ĐDĐT và hơn 50% chỉ tiêu kích hoạt ĐDĐT trên toàn địa bàn.
(Nguồn CATT)

NÔNG DÂN ĐAK PƠ HƯỞNG ỨNG PHONG TRÀO SẢN XUẤT KINH DOANH GIỎI
(GLO)- Những năm qua, phong trào “Nông dân (ND) thi đua sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” ở huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) lan tỏa mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Những điển hình SXKD giỏi
Anh Nguyễn Xuân Tùng (thôn An Quý, xã Phú An) cho biết: Hơn 20 năm nay, anh thuê hơn 10 ha đất trồng dưa hấu. Tích lũy vốn liếng, anh mua thêm đất sản xuất và máy móc, phương tiện hỗ trợ lao động. Đến nay, gia đình anh có 3 ha mía, gần 6 ha bạch đàn và một số loại cây trồng khác.
Anh Tùng kể, năm 2020, anh đầu tư hơn 500 triệu đồng xây dựng chuồng trại, mua sắm máy cắt cỏ, máy xay cỏ nuôi bò vỗ béo nhốt chuồng; tập trung vào các giống bò 3B, bò lai. Mỗi năm, gia đình anh cung ứng ra thị trường 20 con bò thương phẩm, giá bán bình quân 40 triệu đồng/con.
“Không chỉ chăn nuôi khoa học, từ năm 2017 đến nay, tôi đã áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt để trồng cỏ. Nhờ vậy mà tiết kiệm nước, giảm chi phí thuê nhân công. Hiện gia đình thu nhập gần 800 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí”-anh Tùng phấn chấn nói.
 |
Gia đình anh Nguyễn Xuân Tùng (thôn An Quý, xã Phú An, huyện Đak Pơ) mỗi năm thu nhập gần 800 triệu đồng từ trồng trọt kết hợp chăn nuôi. Ảnh: N.M
|
Còn ông Nguyễn Thanh Tính (thôn Chí Công, xã Cư An) thì cho biết: Từ năm 2002 đến nay, đại lý thu mua mía của ông thường xuyên hỗ trợ 30 hộ hội viên ND theo hình thức cho mượn vốn, cuối vụ sẽ hoàn trả.
“Khi nhận đầu tư, các hộ chủ động nguồn vốn mua giống, phân bón ngay từ đầu vụ. Cuối vụ, tôi thu mua mía, bán lại cho Nhà máy Đường An Khê kiếm chút lãi và để tái đầu tư, mua đất sản xuất. Đến nay, tôi có 14 ha mía, 1 ha cây ăn quả và 1,5 ha bạch đàn. Công việc buôn bán thuận lợi cộng với nguồn thu từ các loại cây trồng, gia đình lãi hơn 1 tỷ đồng/năm và tạo việc làm cho 10-30 lao động với tiền công 200-500 ngàn đồng/ngày/người”-ông Tính chia sẻ.
Theo bà Lê Thị Thương-Chủ tịch Hội ND xã Cư An: Toàn xã có 859 hội viên ND. Những năm qua, Hội tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia phong trào “ND thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều gương ND điển hình như: Nguyễn Thanh Tính, Nguyễn Văn Sơn (thôn Chí Công), Nguyễn Công Liêm, Nguyễn Hải (thôn An Thuận), Nguyễn Tấn Cuộc, Võ Đức Dư (thôn An Định)… Những hộ SXKD giỏi không những có doanh thu cao, tạo việc làm cho lao động địa phương mà còn tích cực giúp đỡ nhiều hội viên cùng vươn lên.
Đồng hành cùng hội viên, nông dân
Huyện Đak Pơ hiện có 8.205 hội viên ND sinh hoạt ở 49 chi hội. Nhằm giúp đỡ hội viên có thêm nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, những năm qua, Hội ND huyện phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT-Chi nhánh huyện Đak Pơ cho 3.258 lượt hội viên ND vay vốn mua vật tư nông nghiệp, giống cây trồng, vật nuôi, kinh doanh với tổng dư nợ hơn 259 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, từ nguồn Quỹ “Hỗ trợ ND”, Hội các cấp đã triển khai 16 dự án trồng cây ăn quả, chăn nuôi và cho hội viên ND vay hơn 4 tỷ đồng. Các cấp Hội cũng đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện một số mô hình, dự án ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, đào tạo nghề cho 3.051 hội viên ND.
 |
Hội viên nông dân xã Cư An (huyện Đak Pơ) chia sẻ kinh nghiệm trồng cây ăn quả. Ảnh: Ngọc Minh |
Toàn huyện hiện có 2.779 hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp; 345 mô hình trang trại, gia trại và dịch vụ phát triển kinh tế nông nghiệp; 14 hợp tác xã; duy trì 2 cánh đồng mẫu lớn trồng mía tại xã Tân An và thị trấn Đak Pơ. Từ năm 2018 đến nay, Hội ND huyện đã trực tiếp giúp 62 hội viên thoát nghèo; phối hợp với các hội, đoàn thể giúp đỡ 261 hội viên thoát nghèo; xây dựng và sửa chữa 7 căn nhà dột nát cho hội viên ND nghèo các xã: Ya Hội, Yang Bắc, An Thành.
Theo Chủ tịch Hội ND huyện Lê Thành Công, thời gian tới, Hội chú trọng đẩy mạnh triển khai phong trào gắn với thực hiện có hiệu quả các dịch vụ hỗ trợ hội viên về kỹ thuật, vốn, ứng dụng công nghệ số, hợp tác, liên kết. Phát huy tinh thần đoàn kết trong việc hỗ trợ, giúp đỡ hội viên ND thoát nghèo bền vững. Nhân rộng các điển hình tiên tiến, tạo việc làm cho hội viên ND.
“Trong đó, tập trung tuyên truyền hội viên ND sản xuất gắn với thị trường; thay đổi tư duy kinh tế từ sản xuất nhỏ sang sản xuất quy mô lớn, liên kết, hợp tác; từ sản xuất truyền thống, kinh nghiệm sang ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao; từ coi trọng năng suất, sản lượng sang chất lượng, giá trị gia tăng và an toàn thực phẩm. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động ND tham gia các hình thức kinh tế tập thể, liên kết hợp tác trong SXKD để mang lại hiệu quả cao hơn”-ông Công nhấn mạnh.
THEO NGỌC MINH

THANH NIÊN ĐAK PƠ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO BÁC
(GLO)- Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) huyện Đak Pơ đã tích cực phấn đấu để lập thân, lập nghiệp và làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Quyết chí làm giàu
Khắc ghi lời dạy của Bác, chàng trai người Mông Đào Văn Hầu (làng Mông, xã Ya Hội) đã nỗ lực vượt khó, thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo. Anh Hầu kể: Năm 2015, sau khi tham quan mô hình trồng khoai lang Nhật tại tỉnh Đak Lak, anh đã mạnh dạn mua giống và chuyển 3 sào mía sang trồng khoai lang. Sau 4 tháng xuống giống, ruộng khoai lang cho năng suất cao. Năm sau, anh Hầu tăng gấp 3 diện tích khoai lang và tiếp tục có lãi. Tiền bán nông sản anh dành để mua đất sản xuất. Đến nay, anh Hầu có 2 ha keo, bạch đàn 3 ha mía, 2 sào lúa và gần 2 ha bí đỏ, khoai lang, ớt.
Anh Hầu phấn khởi nói: “Khoai lang trồng 1 vụ/năm, từ tháng 5 đến tháng 9, thời gian còn lại, tôi trồng một số loại rau màu khác để tăng hiệu quả sử dụng đất. Nhờ đó, tổng thu nhập của gia đình đạt gần 500 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Mỗi vụ, tôi tạo việc làm cho 5-10 ĐVTN trong làng với mức tiền công 150-200 ngàn đồng/ngày”.
Cũng quyết tâm làm giàu, anh Nguyễn Văn Trường (tổ 2, thị trấn Đak Pơ) đã mạnh dạn trồng hơn 3 sào chanh dây. Tháng 9-2022, anh lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, phun thuốc, bón phân tự động. Đầu tháng 1-2023, vườn chanh dây cho thu bói hơn 3 tấn quả, anh thu về hơn 40 triệu đồng, lấy lại tiền đầu tư.
“So với một số cây trồng khác, chanh dây cho thu nhập cao gấp 3 lần. Sắp tới, tôi trồng thêm 4 sào chanh dây, đồng thời tập trung chăm sóc, phòng-chống cháy gần 2 ha cây bạch đàn để cuối năm thu hoạch”-anh Trường chia sẻ. Ngoài chanh dây, anh Trường còn có thêm nguồn thu hơn 160 triệu đồng từ 4 ha mía và gần 100 triệu đồng từ đàn bò vỗ béo.
 |
Anh Nguyễn Văn Trường (bìa phải, tổ 2, thị trấn Đak Pơ) chia sẻ kinh nghiệm trồng chanh dây cho đoàn viên, thanh niên. Ảnh: Ngọc Minh |
Nhằm giúp ĐVTN có việc làm ổn định từ nghề làm cửa sắt, cuối năm 2021, Đoàn xã Tân An đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) thanh niên làm cửa sắt với 11 thành viên. Theo anh Đỗ Đức Tín-Chủ nhiệm CLB: Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, các thành viên có điều kiện trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, phát huy kiến thức, nâng cao tay nghề. Nhờ có công việc thường xuyên nên thu nhập của thành viên đạt 20 triệu đồng/người/tháng, cao hơn trước 5 triệu đồng.
Nhằm tiếp tục đồng hành cùng thanh niên lập thân, khởi nghiệp, năm 2022, Huyện Đoàn phối hợp Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện giải ngân cho 963 hộ thanh niên vay 39,07 tỷ đồng, tăng 4,6 tỷ đồng so với năm 2021. Nguồn vốn này hỗ trợ tích cực cho CLB thanh niên chăn nuôi gà xã Phú An; CLB Thanh niên với rau xanh xã Cư An và CLB Thanh niên trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi xã An Thành, đa dạng mô hình kinh tế tập thể gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Lan tỏa việc học tập và làm theo lời Bác
Huyện Đoàn Đak Pơ hiện có 16 tổ chức cơ sở Đoàn với hơn 3.000 đoàn viên. Để việc phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có sức lan tỏa rộng khắp, hàng năm, Huyện Đoàn tuyên truyền, phát động các phong trào thi đua.
Trong năm 2022, Huyện Đoàn tổ chức hội nghị học tập, quán triệt chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về nêu cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”; tổ chức tuyên dương và trao giấy khen cho 14 thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác giai đoạn 2017-2021.
Ban Thường vụ Huyện Đoàn chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đoàn vận động đoàn viên, thanh niên tham gia cuộc thi “Tìm hiểu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và “Tìm hiểu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về nâng cao đạo đức cách mạng, phòng-chống tham nhũng, tiêu cực” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức.
Qua đó, lan tỏa sâu rộng tinh thần học tập và làm theo lời Bác trong cán bộ, đoàn viên, thanh-thiếu niên, thể hiện qua từng việc làm cụ thể trong công tác, đời sống; đặc biệt là trong sản xuất, phát triển kinh tế, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm mới, cá nhân điển hình tiên tiến, sản xuất kinh doanh giỏi.
 |
Thành viên Câu lạc bộ thanh niên làm cửa sắt xã Tân An tất bật làm cửa sắt giao khách hàng.
Ảnh: Ngọc Minh |
Trao đổi với P.V, anh Trần Vi Tình-Bí thư Huyện Đoàn-cho biết: Thời gian tới, Huyện Đoàn tiếp tục triển khai thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Tuổi trẻ Đak Pơ học tập và làm theo lời Bác”.
Cùng với đó, triển khai các hoạt động phong trào, chương trình, hoạt động truyền cảm hứng, cổ vũ, động viên thanh niên nâng cao tinh thần học tập sáng tạo; phát huy vai trò tích cực tham gia chuyển đổi số, vận dụng, ứng dụng công nghệ số trong thực tiễn cuộc sống và nâng cao năng lực số hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp, lập nghiệp, làm kinh tế của ĐVTN.
Đồng thời, tổ chức các hoạt động phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo của tuổi trẻ tham gia phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh và giải quyết các vấn đề xã hội quan tâm.
Theo NGỌC MINH
Đoàn thị trấn Đak Pơ tổ chức Hội nghị quán triệt Nghị quyết Đại hội đoàn các cấp nhiệm kỳ 2022-2027
Thực hiện kế hoạch số: 14KH/ĐTN ngày 06/02/2023 của Ban Thường vụ huyện Đoàn Đak Pơ về Nghiên cứu, học tập, quán triệt và tuyên truyền Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2022 -2027. sáng ngày 22/03/2023 Đoàn thị trấn Đak Pơ tổ chức Hội nghị quán triệt Nghị quyết Đại hội đoàn các cấp nhiệm kỳ 2022-2027 cho cán bộ và ĐVTN tại trường THCS Trần Quốc Tuấn
 
Ngô Hữu Mến- Bí thư Đoàn thanh niên thị trấn
Đoàn thanh niên thị trấn ra quân ngày Chủ nhật xanh
Thực hiện chương trình công tác Đoàn năm 2023. Sáng ngày 19/03/2023 đoàn thị trấn tổ chức ra quân ngày chủ nhật xanh đợt 1/2023. Trong buổi ra quân đã tổ chức dọn vệ sinh tại đền tưởng niệm chiến thắng Đak Pơ thu hút 25 ĐVTN tham gia
 
Ngô Hữu Mến- Bí thư Đoàn thanh niên thị trấn
Đoàn thanh niên thị trấn tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ tiền hôn nhân
Tối ngày 11,15,19 tháng 11 năm 2022 Đoàn thị trấn Đak Pơ phối hợp với UBND thị trấn tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ tiền hôn nhân. Tại các buổi tuyên truyên các tuyên truyên viên đã cung cấp và trao đổi với các bạn đoàn viên thanh niên về thực trạng, nguyên nhân, hệ luỵ của tảo hôn va hôn nhân cận huyết thống; định hướng các giải pháp khắc phục, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn hiện nay
.jpg.aspx) Ngô Hữu Mến- Bí thư đoàn thanh niên thị trấn

|