CHUYÊN MỤC








Trang chủ > Thông tin tuyên truyền > Chiến lược, định hướng, quy hoạch, kế hoạch phát triển > Gia Lai hướng đến sản xuất rau, hoa và cây ăn quả bền vững

Gia Lai hướng đến sản xuất rau, hoa và cây ăn quả bền vững

Ngày đăng bài: 29/04/2021
Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành Quyết định số 107/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2040. Đây là điều kiện để ngành sản xuất rau, hoa và cây ăn quả phát triển bền vững và phù hợp với xu hướng hội nhập.

Còn thiếu bền vững

Gia Lai có hơn 800 ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có hơn 444 ngàn ha đất trồng cây hàng năm và hơn 357 ngàn ha đất trồng cây lâu năm. Cùng với đó, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn nước rất thích hợp để phát triển nhiều loại cây trồng, nhất là rau, hoa và cây ăn quả.

 

Trong những năm gần đây, rau, hoa và cây ăn quả được xác định là nhóm tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong phát triển nông nghiệp. Theo thống kê, đến cuối năm 2020, tổng diện tích rau gần 34 ngàn ha (tăng 27,6% so với năm 2015), hình thành các vùng chuyên canh như: TP. Pleiku, huyện Đak Pơ và thị xã An Khê. Toàn tỉnh hiện có khoảng 18.180 ha cây ăn quả, tăng gấp 4,2 lần so với năm 2015. Còn tổng diện tích hoa của tỉnh ước khoảng 171 ha, tập trung tại thị xã An Khê, Ayun Pa và TP. Pleiku.

 

 Gia Lai có nhiều lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển cây ăn quả. Ảnh: Quang Tấn
Gia Lai có nhiều lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển cây ăn quả. Ảnh: Quang Tấn


Tuy nhiên, tình hình sản xuất, tiêu thụ rau, hoa, cây ăn quả vẫn gặp khó khăn và chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế bởi phần lớn còn manh mún, nhỏ lẻ… Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn chậm và chưa đồng bộ nên năng suất, chất lượng đạt thấp. Bên cạnh đó, khâu thu hoạch, bảo quản, chế biến chưa được quan tâm dẫn đến tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch cao; mẫu mã hàng hóa chưa có dấu ấn khác biệt, chưa có nhiều chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu nên khó cạnh tranh ở các thị trường khó tính.

Gia đình ông Thân Quang Lâm (thôn An Định, xã Cư An, huyện Đak Pơ) gắn bó với nghề trồng rau gần 20 năm. Ông Lâm cho biết: “Có những thời điểm chỉ cần trồng 1-2 sào rau nhưng thu nhập tương đối cao nhờ được giá. Tuy nhiên, có thời điểm trồng tới  5-7 sào rau mà không lãi đồng nào, thậm chí lỗ vì giá rớt. Điển hình như vụ này, 5 sào ớt của tôi đang bước vào thu hoạch nhưng giá chỉ 6-7 ngàn đồng/kg, thu không đủ trả tiền công mà cũng không tìm ra người mua”.

Tương tự, giá cả của một số loại cây ăn quả như: mít Thái, bơ booth… 2 năm trở lại đây cũng khá bấp bênh, có thời điểm xuống rất thấp khiến người dân gặp khó khăn. Anh Phan Thanh Duy (thôn Hòa Thành, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh) cho hay: “Năm 2016, sau khi hồ tiêu bị chết do dịch bệnh, tôi đầu tư trồng gần 500 cây bơ booth. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, giá bơ booth giảm khá sâu, có thời điểm chỉ còn 5-7 ngàn đồng/kg, thu không đủ bù đắp chi phí đầu tư. Cùng với đó, cây bơ cũng bắt đầu xuất hiện sâu bệnh hại khiến không ít cây bị chết, càng làm cho đời sống người dân chúng tôi thêm bấp bênh”.

Ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ-cho hay: Đak Pơ là vùng chuyên canh rau lớn của tỉnh với diện tích trên 6 ngàn ha, cung ứng cho thị trường hơn 40 loại rau xanh. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn huyện chưa có vùng trồng rau tập trung mà chủ yếu sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình nên thu nhập khá bấp bênh. Bên cạnh đó, việc người tiêu dùng chưa chú trọng đến chất lượng rau dẫn đến diện tích sản xuất rau an toàn trên địa bàn huyện còn thấp, chưa có chỉ dẫn địa lý cũng như truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Nâng cao giá trị rau, hoa, cây ăn quả

Mục tiêu của Đề án phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2040 là từng bước nâng cao giá trị sản xuất rau, hoa, quả; nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích; hình thành các mô hình du lịch nông nghiệp; tạo thêm việc làm.

 

Cụ thể, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất rau, hoa, cây ăn quả đạt trên 26.500 tỷ đồng (so với giá năm 2020) và năm 2030 đạt trên 54.370 tỷ đồng; giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác rau, hoa, cây ăn quả năm 2025 đạt bình quân khoảng 350 triệu đồng (so với giá năm 2020) và năm 2030 đạt khoảng 450 triệu đồng; kim ngạch xuất khẩu năm 2025 đạt khoảng 300-350 triệu USD và năm 2030 đạt khoảng 500-600 triệu USD.

 

 Sản xuất rau xanh theo hướng VietGAP tại Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ An Phú Thịnh (TP. Pleiku). Ảnh: Nguyễn Diệp
Sản xuất rau xanh theo hướng VietGAP tại Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ An Phú Thịnh (TP. Pleiku). Ảnh: Nguyễn Diệp


Định hướng của tỉnh đến năm 2025 sẽ mở rộng diện tích rau lên 20 ngàn ha, đến năm 2030 tăng lên 30 ngàn ha và giữ ổn định đến năm 2040. Trong đó, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất rau an toàn theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic với diện tích khoảng trên 500 ha vào năm 2025 và 750 ha năm 2040; xây dựng vùng nguyên liệu rau cho Nhà máy chế biến rau quả thuộc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao và các nhà máy chế biến trong tỉnh với diện tích 5 ngàn ha năm 2025 và 10 ngàn ha năm 2040.

 

Đối với cây ăn quả, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 phát triển khoảng 55 ngàn ha, đến năm 2030 là 90 ngàn ha và giữ ổn định đến năm 2040; trong đó, tập trung phát triển các loại cây như: sầu riêng, bơ, xoài, mít, chuối, chanh dây, dứa… Trước mắt, tập trung phát triển, hình thành các vùng sản xuất trái cây đặc sản gắn với du lịch nông nghiệp tại các huyện Đak Đoa, Mang Yang, Chư Prông, Chư Păh, Kbang, TP. Pleiku.

 

Cùng với đó, tỉnh sẽ tập trung phát triển, mở rộng diện tích các vùng chuyên canh hoa, cây cảnh gắn với phát triển du lịch tại TP. Pleiku, thị xã An Khê và Ayun Pa; phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 300 ha hoa, cây cảnh, đến năm 2030 là 500 ha và giữ ổn định đến năm 2040.  

Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ cho hay: “Để hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, thời gian tới, Phòng tiếp tục tham mưu giúp UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy sản xuất. Đồng thời, xây dựng, chuyển giao và nhân rộng mô hình liên kết sản xuất rau, hoa, cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị gia tăng, đặc biệt là các mô hình sản xuất, tiêu thụ rau, hoa, trái cây theo đơn đặt hàng từ nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, tỉnh cần có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ người sản xuất rau an toàn, nhất là xây dựng nhãn hiệu, từng bước thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm nâng cao giá trị trong thời gian tới”.

Còn theo ông Nguyễn Long Khánh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia các hợp tác xã nông nghiệp để liên kết sản xuất rau, hoa, cây ăn quả theo hướng bền vững. Đồng thời, huyện sẽ tạo điều kiện hỗ trợ các chủ thể làm tem truy xuất nguồn gốc cũng như tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư vào liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục xây dựng, nhân rộng mô hình trồng cây ăn quả an toàn theo quy trình VietGAP, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tiến tới hình thành các vùng sản xuất tập trung có quy mô lớn gắn với chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.

 

Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm là hướng đi đem lại thu nhập cao cho người dân trồng rau. Ảnh: Quang Tấn
Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm là hướng đi đem lại thu nhập cao cho người trồng rau. Ảnh: Quang Tấn


Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Đề án phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đang được các doanh nghiệp lớn như: Công ty cổ phần Thực phẩm Đồng Giao, Công ty cổ phần Nafoods Tây Nguyên, Tập đoàn Lộc Trời… rất quan tâm. Đây sẽ là tiền đề để tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn lớn vào đầu tư phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, tỉnh cũng đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng khoảng 4-5 nhà máy chế biến rau, hoa và trái cây xuất khẩu.

“Ngành sẽ tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung hướng dẫn người dân chuyển đổi những loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng rau, hoa và cây ăn quả; triển khai thí điểm và nhân rộng các mô hình, dự án phát triển rau, hoa và cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Đồng thời, UBND tỉnh đề xuất các bộ, ngành kết nối thị trường xuất khẩu sang các nước trên thế giới… Hy vọng trong tương lai không xa, ngành sản xuất rau, hoa và cây ăn quả Gia Lai có chỗ đứng trên thị trường thế giới và có thể xuất khẩu thu về 1 tỷ USD”-ông Nghĩa cho biết thêm.  

Nguồn: baogialai.com.vn



Cơ quan: UBND huyện Đak Pơ tỉnh Gia Lai
Địa chỉ: Tổ dân phố 2, thị trấn Đak Pơ, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai
Điện thoại: (0269) 3 738 275
Email: ubnddakpo@gialai.gov.vn
Fax: (0269) 3 738 275
Chung nhan Tin Nhiem Mang