CHUYÊN MỤC








Trang chủ > Hỏi đáp pháp luật Kỳ 2 - Tháng 5/2022

Hỏi đáp pháp luật Kỳ 2 - Tháng 5/2022

Ngày đăng bài: 11/05/2022
Hỏi đáp pháp luật Kỳ 2 - Tháng 5/2022
Câu hỏi 1: Thực hiện khám sức khỏe sơ tuyển trong công tác tuyển sinh vào các trường quân đội được tổ chức như thế nào ?

Trả lời:

Tổ chức khám sức khỏe sơ tuyển thực hiện theo quy định tại Điều 20 của  Thông tư số 59/2021/TT-BQP ngày 11 tháng 6 năm 2021 của Bộ Quốc phòng về việc quy định và hướng dẫn thực hiện công tác tuyển sinh vào các trường trong quân đội như sau:

1. Nội dung khám sức khỏe
a) Khám lâm sàng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLTBYT-BQP, gồm các chỉ tiêu: Thể lực, mắt, tai – mũi - họng, răng – hàm - mặt, nội khoa, tâm thần kinh, ngoại khoa, da liễu, sinh phụ khoa (đối với nữ).
b) Xét nghiệm cận lâm sàng:
- Xét nghiệm công thức máu, đường máu, chức năng gan (AST, ALT), chức năng thận (Ure, Crainin); virus viêm gan B (HBsAg), virus viêm gan C (AntiHCV); nước tiểu 10 thông số, siêu âm bụng tổng quát, điện tim, chụp X- quang tim phổi thẳng, sàng lọc HIV, ma túy (sử dụng test ma túy tổng hợp).
- Các xét nghiệm khác (nếu có) theo chỉ định của bác sĩ khám.
2. Tổ chức khám sức khỏe
a) Đối với thí sinh là quân nhân
Ban Tuyển sinh quân sự đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng trực tiếp chỉ đạo, tổ chức triển khai cho quân nhân đăng ký dự tuyển khám sức khỏe tại các bệnh viện quân đội; các bệnh viện tham gia khám sức khỏe lập dự toán ngân sách, báo cáo cơ quan tài chính cấp trên trực tiếp cho đến Cục Tài chính để báo cáo Bộ Quốc phòng bảo đảm kinh phí, quân nhân dự tuyển không phải nộp bất kỳ khoản lệ phí nào cho việc khám sức khỏe.
b) Đối với thí sinh là thành niên ngoài Quân đội
Ban Tuyển sinh quân sự các quân khu và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chỉ đạo cơ quan quân sự địa phương thuộc quyền tổ chức cho thí sinh đăng ký dự tuyển khám sức khỏe tại các cơ sở y tế công lập đủ điều kiện khám sức khỏe (cấp huyện trở lên), hoặc tại các bệnh viện quân đội trên địa bàn; lập dự toán ngân sách, báo cáo cơ quan tài chính cấp trên trực tiếp cho đến Cục Tài chính để báo cáo Bộ Quốc phòng bảo đảm kinh phí (nếu khám tại các bệnh viện quân đội sẽ do bệnh viện khám chịu trách nhiệm lập dự toán).
c) Hồ sơ sơ tuyển sức khỏe bàn giao cho các trường phải gồm đầy đủ phiếu khám sức khỏe và kết quả xét nghiệm theo quy định.
3. Hằng năm, các đơn vị, địa phương tổ chức khám sức khỏe cho thí sinh đăng ký dự tuyển vào 2 đợt như sau:
a) Đợt 1: Vào tuần 3 và tuần 4 tháng 3.
b) Đợt 2: Vào tuần 2 tháng 4.
Trường hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh lịch công tác tuyển sinh, giao Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng hướng dẫn các đơn vị, địa phương về thời gian tổ chức khám sức khỏe cho thí sinh dự tuyển.
Câu hỏi 2: Thành phần, nhiệm vụ của Lực lượng vũ trang nhân dân được quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo  quy định tại Điều 23 Luật Quốc phòng năm 2018, thành phần, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang nhân dân được quy định như sau:
1. Lực lượng vũ trang nhân dân gồm Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và Dân quân tự vệ.
2. Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, Đảng và Nhà nước; có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, thành quả cách mạng; cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.


Cơ quan: UBND huyện Đak Pơ tỉnh Gia Lai
Địa chỉ: Tổ dân phố 2, thị trấn Đak Pơ, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai
Điện thoại: (0269) 3 738 275
Email: ubnddakpo@gialai.gov.vn
Fax: (0269) 3 738 275
Chung nhan Tin Nhiem Mang