CHUYÊN MỤC








Trang chủ > Hỏi đáp Pháp luật Kỳ 2 - Tháng 9 năm 2020

Hỏi đáp Pháp luật Kỳ 2 - Tháng 9 năm 2020

Ngày đăng bài: 10/09/2020
Một số quy định của pháp luật về ngân sách 
Câu 1: Cơ quan tôi thuộc đơn vị sự nghiệp được giao dự toán từ đầu năm mua sắm thường xuyên hằng năm như: Văn phòng phẩm, nguyên liệu, xăng dầu, hóa chất, dịch vụ cung cấp điện, nước (xác định các nội dung mua sắm này đều dưới 100 triệu)... (thuộc phạm vi điều chỉnh tại điều 2 thông tư 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016, như vậy nếu theo quy định của thông tư 58/2016/TT-BTC thì tất cả các nội dung mua sắm trên đều phải phải lập kế hoạch lựa chon nhà thầu theo điều 9,10,11 và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo điều 5,6,7 thông tư 58/2016/TT-BTC. Như vậy để phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu thì cơ quan phải thành lập 02 bộ phận làm nhiệm vụ thẩm định kế hoạch và thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu theo điều 8 thông tư 58/2016/TT-BTC. Theo bản tôi hiểu như trên có đúng không. Theo bản thân tôi, nếu quy định như vậy thì hợp lý đối với các nội dung mua sắm lớn. Nhưng để mua sắm các nội dung nhỏ để duy trì hoạt động thường xuyên như tem, văn phòng phẩm, công cụ dụng cụ, vật tư để sửa chữa thường xuyên… thì các nội dung quy định trên gây nhiều phiền hà cho đơn vị và khó trong quá trình thực hiện. Ngoài quy định thông tư 58/2016/TT-BTC Bộ Tài chính có hướng dẫn nào khác để thực hiện các nội dung trên không.
Trả lời:
Ngày 29/3/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 58/2016/TT-BTC quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp.
Theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 8 Thông tư số 58/2016/TT-BTC, đối với các gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ mà Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng dự toán mua sắm quyết định việc mua sắm theo quy định tại Điều 5 Thông tư này thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định cơ quan, tổ chức, bộ phận làm nhiệm vụ thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu; bên mời thầu quyết định cơ quan, tổ chức, bộ phận làm nhiệm vụ thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và kết quả lựa chọn nhà thầu.
Ngoài Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016, hiện nay, các cơ quan, đơn vị áp dụng quy định tại Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg ngày 08/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số gói thầu, nội dung mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu. Theo đó, tại khoản 19, Điều 3 và khoản 7, Điều 4 đã quy định việc mua sắm đối với gói thầu có giá gói thầu không quá 50 triệu đồng được thực hiện như sau: Thủ trường cơ quan, đơn vị quyết định việc mua sắm bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình; không bắt buộc phải ký hợp đồng với nhà cung cấp nhưng phải đảm bảo chế độ hóa đơn, chứng từ đầy đủ theo quy định của pháp luật (không phải lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu)
Câu 2:
Đối với cơ quan hành chính nhà nước, theo quy định nguồn kinh phí sau khi tiết kiệm được sẽ được chi trả thu nhập tăng thêm cho CBCC nhưng không quá 01 lần tiền lương cấp bậc, chức vụ trong một năm. Vậy, trong năm cơ quan tôi có các khoản chi mang tính phúc lợi như tiền ăn trưa, chi 2/9, Tết Dương lịch.... các khoản chi này có phải tính cộng vào để tính mức chi tối đa khoản thu nhập tăng thêm cho CBCC không.
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 7, khoản 8 Điều 3 Thông tư liên tịch số 71/2014/TTLT-BTC-BNV ngày 30/5/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính:
- Kết thúc năm ngân sách, sau khi hoàn thành các nhiệm vụ được giao, cơ quan thực hiện chế độ tự chủ có số chi thực tế thấp hơn số dự toán được giao về kinh phí thực hiện chế độ tự chủ thì phần chênh lệch này được xác định là kinh phí tiết kiệm. 
- Kinh phí tiết kiệm được sử dụng cho các nội dung sau:
+ Bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức và người lao động: Trong phạm vi nguồn kinh phí tiết kiệm được, cơ quan thực hiện chế độ tự chủ được áp dụng hệ số tăng thêm quỹ tiền lương tối đa không quá 1,0 (một) lần so với tiền lương ngạch, bậc, chức vụ do nhà nước quy định để trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức và người lao động.
+ Chi khen thưởng.
+ Chi cho các hoạt động phúc lợi tập thể: Hỗ trợ các hoạt động đoàn thể; hỗ trợ các ngày lễ, tết, các ngày kỷ niệm (kỷ niệm ngày phụ nữ Việt Nam, ngày thương binh liệt sỹ, ngày quân đội nhân dân...), trợ cấp khó khăn thường xuyên, đột xuất; trợ cấp ăn trưa, chi đồng phục cho cán bộ, công chức và người lao động của cơ quan; trợ cấp hiếu, hỷ, thăm hỏi ốm đau; trợ cấp nghỉ hưu, nghỉ mất sức; hỗ trợ cho cán bộ, công chức và người lao động trong biên chế khi thực hiện tinh giản biên chế; chi khám sức khỏe định kỳ, thuốc y tế trong cơ quan; chi xây dựng, sửa chữa các công trình phúc lợi.
+ Trích lập quỹ dự phòng để ổn định thu nhập cho cán bộ, công chức.
Theo đó, kinh phí tiết kiệm được để chi phúc lợi tập thể không phải tính cộng vào để tính mức chi tối đa khoản thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức.


Cơ quan: UBND huyện Đak Pơ tỉnh Gia Lai
Địa chỉ: Tổ dân phố 2, thị trấn Đak Pơ, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai
Điện thoại: (0269) 3 738 275
Email: ubnddakpo@gialai.gov.vn
Fax: (0269) 3 738 275
Chung nhan Tin Nhiem Mang