CHUYÊN MỤC








Trang chủ > Hỏi đáp Pháp luật Kỳ 1 - Tháng 8 năm 2020

Hỏi đáp Pháp luật Kỳ 1 - Tháng 8 năm 2020

Ngày đăng bài: 10/08/2020
Một số quy định của pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19

Câu 1. Các tội danh liên quan đến tội phạm vi phạm các quy định về phòng chống dịch Covid-19  theo Công văn số 45/TANDTC-PC về xét xử tội phạm liên quan Covid-19?

Trả lời:

Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nới riêng. Trong khi cả nước ta đang chống dịch Covid-19, một vài cá nhân lại thiếu ý thức, trách nhiệm trong khai báo y tế đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Để tăng hiệu quả phòng chống dịch Covid-19, Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao đã ra Công văn số 45/TANDTC-PC về xét xử tội phạm liên quan Covid-19. Nhằm quy định cụ thể cách xác định tôi danh vi phạm các quy định về phòng chống dịch nói chung và dịch Covid-19.
Theo mục 1 công văn hướng dẫn số 45/TANDTC-PC, đã liệt kê các tội danh liên quan đến tội phạm vi phạm các quy định về phòng chống dịch Covid-19 được quy định trong Bộ Luật Hình sư năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Cụ thể:
1. Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người
Người mắc bệnh, nghi ngờ  mắc bệnh hoặc về từ vùng dịch được thông báo cách ly, nhưng: trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về nơi cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người
Dấu hiệu cơ bản về hậu quả của tội danh này là làm lây lan dịch bệnh mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu chưa gây ra hậu quả thì bị xử phạt vi phạm hành chính.
2. Tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người: Có 2 đối tượng bị xử lý nếu vi phạm
+ Người chưa bị xác định là nhiễm Covid-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, phong tỏa nhưng: Trốn khỏi khu vực cách ly, phong tỏa; không tuân thủ quy định cách ly; từ chối, trốn trách việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.
+ Chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh của cơ quan, người có thẩm quyền.
Dấu hiệu cơ bản về thiệt hại của loại tội phạm này: Các hành vi trên phải gây thiệt hại từ 100.000 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch Covid-19 thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295
3. Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông
Người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288.
4. Tội làm nhục người khác
Người có hành vi đưa trái phép thông tin cá nhân, bí mật đời tư xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của nhân viên y tế, người tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, người mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 thì bị xử lý về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155.
5. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Người có hành vi lợi dụng dịch bệnh Covid-19 đưa ra thông tin không đúng sự thật về công dụng của thuốc, vật tư y tế về phòng, chống dịch bệnh nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174.
6. Tội Buôn lậu
Người có hành vi đã, đang hoặc nhằm đưa trái phép thuốc, vật tư y tế dùng vào việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ra khỏi biên giới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm thu lợi bất chính thì bị xử lý về tội buôn lậu theo quy định tại Điều 188.
7. Tội đầu cơ
Người có hành vi lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh Covid-19 để mua vét hàng hóa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố là mặt hàng bình ổn giá hoặc hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì bị xử lý về tội đầu cơ theo quy định tại Điều 196.
8. Tội chống người thi hành công vụ
Người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì bị xử lý về tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 330.
9. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng
Người có trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nhưng không triển khai hoặc triển khai không kịp thời, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 360.
Như vậy nếu người dân vi phạm vào các tội danh đã nêu tên thì sẽ phải chấp hành hình phạt theo quy định tại mục 2 Công văn số 45/TANDTC-PC của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao quy định về hình phạt áp dụng liên quan đến bệnh dịch Covid-19.

Câu 2: Các hình phạt áp dụng liên quan đến bệnh dịch Covid-19 theo Công văn số 45/TANDTC-PC về xét xử tội phạm liên quan Covid-19?

Trả lời:
Căn cứ theo mục 2 quy định tại Công văn số 45/TANDTC-PC của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao quy định về hình phạt áp dụng liên quan đến bệnh dịch Covid-19 như sau:
1. Áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với trường hợp phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng
Các hành vi “trốn khai báo” hoặc “trốn cách ly”… gây lây truyền bệnh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo điều 240 Bộ luật hình sự 2015.
Theo đó, người nào thực hiện một trong các hành vi như: làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người thì bị phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Người vi phạm sẽ bị phạt tù đến 10 năm nếu từ cá nhân đó gây ra việc dẫn đến phải công bố dịch (thuộc thẩm quyền của chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc bộ trưởng Bộ Y tế); làm chết người. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm: dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, làm chết 2 người trở lên.
2. Áp dụng hình phạt chính là hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo theo đúng quy định của pháp luật

2.3. Ngoài việc áp dụng hình phạt chính, Tòa án xem xét áp dụng hình phạt bổ sung và biện pháp tư pháp theo quy định của Bộ luật Hình sự

Một số hình phạt bổ sung như cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 – 05 năm.
  Như vậy, đối với mỗi loại tội danh thì ứng với các hình phạt theo quy định, tùy theo mức độ vi phạm mà cá nhân, tổ chức phải chịu hình phạt cảnh cáo là nhẹ nhất, xử phạt vi phạm hành chính đến 200 triệu đồng và nặng nhất có thể bị xử lý hình sự phạt tù với mức cao nhất là 12 năm.
2.4. Xử lý hành chính
Nếu hành vi chưa đến mức xử lý trách nhiệm hình sự, người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế theo điều 10 của nghị định 176/2013/NĐ-CP. Mức phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm…; từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm; buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế. 
Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.người nào cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Câu 3: Việc phân biệt đối xử, kỳ thị đối với những người bị nhiễm Covid -19, hoặc người từ vùng nhiễm bệnh được xử lý như thế nào?

Trả lời:
Việc tung tin thất thiệt đối với những người bị nhiễm Covid hoặc người trở về từ vùng dịch khiến cộng đồng có cái nhìn lệch lạc về họ, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của họ là một trong những hành động kì thị phổ biến nhất trong xã hội thời gian qua. Pháp luật nghiêm cấm hành vi này. Tùy vào hành vi, mục đích hành vi cụ thể có thể xử phạt hành chính hoặc khởi tố hình sự về các tội làm nhục người khác, vu khống.
Hành vi này có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 – 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”.
Ngoài ra, nếu hành vi này nghiêm trọng, đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về tội làm nhục người khác, có thể bị phạt tù lên đến 5 năm.
”1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Phạm tội nhiều lần;
b) Đối với nhiều người;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Trường hợp hành vi của người này chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm g khoản 3 điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.
”…3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
……
g) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;”
Câu 4. Một số hành vi và mức phạt liên quan đến dịch Covid-19?
Trả lời:
1Hành vi tung tin giả về dịch bệnh Covid-19
Theo điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Điều 101 vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội. Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc…
Theo khoản 3 Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Cung cấp nội dung thông tin không phù hợp với lợi ích đất nước...
Hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) theo điều 288 Bộ Luật Hình sự (BLHS) 2015.
2. Vi phạm quy định về cách ly
Theo điều 10 Nghị định 176/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực y tế thì hành vi từ chối hoặc trốn tránh cách ly sẽ phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 10 triệu đồng tùy trường hợp.
Căn cứ điều 240 BLHS 2015, trường hợp từ chối hoặc trốn tránh cách ly làm lây lan dịch bệnh thì bị truy cứu TNHS về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người với hình phạt có thể lên đến 12 năm tù.
3. Tăng giá bán khẩu trang
Khoản 5 điều 1 Nghị định 49/2016/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2013/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn và khoản 3 Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn. Hành vi bán cao hơn giá bán niêm yết bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Hành vi không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ, niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn bị phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng. Trường hợp vi phạm nhiều lần; tái phạm thì bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng.
4. Chống người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch
Theo điều 330 BLHS 2015 thì người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.
5. Không khai báo, che giấu dịch Covid-19
Thủ tướng Chính phủ đã công bố dịch Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A (Quyết định 447/QĐ-TTg ngày 1-4-2020).
Theo điều 6, điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực y tế thì hành vi không khai báo khi phát hiện người mắc bệnh bị phạt tiền từ 200 ngàn đồng đến 500 ngàn đồng. Che giấu hiện trạng bệnh của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh; không thực hiện việc xét nghiệm phát hiện bệnh theo yêu cầu bị phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng. Che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng.
6. Vứt khẩu trang đã qua sử dụng không đúng nơi quy định
Theo điểm c, d khoản 1 điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt VPHC trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì hành vi vứt khẩu trang đã qua sử dụng không đúng nơi quy định sẽ phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng. Trường hợp vứt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng.
7. Không khai báo y tế, khai báo gian dối làm lây truyền dịch bệnh cho người khác
Theo điều 240 BLHS 2015, người nào không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây lây truyền dịch bệnh Covd-19 cho người khác thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến 12 năm.
8. Không đeo khẩu trang theo yêu cầu phòng, chống dịch
Theo điểm a khoản 1 điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực y tế, cá nhân có hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng để phòng Covid-19 có thể bị phạt tối đa đến 300 nghìn đồng.


Cơ quan: UBND huyện Đak Pơ tỉnh Gia Lai
Địa chỉ: Tổ dân phố 2, thị trấn Đak Pơ, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai
Điện thoại: (0269) 3 738 275
Email: ubnddakpo@gialai.gov.vn
Fax: (0269) 3 738 275
Chung nhan Tin Nhiem Mang