Trang chủ > Tin tức > Nông thôn mới > SÁNG KIẾN: "VẬN ĐỘNG NHÂN DÂN HOÀN THÀNH 2 TIÊU CHÍ : SỐ 2 (GIAO THÔNG), SỐ 15 (Y TẾ) TRONG BỘ TIÊU

SÁNG KIẾN: "VẬN ĐỘNG NHÂN DÂN HOÀN THÀNH 2 TIÊU CHÍ : SỐ 2 (GIAO THÔNG), SỐ 15 (Y TẾ) TRONG BỘ TIÊU CHÍ QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI Ở XÃ TÂN AN

Ngày đăng bài: 09/01/2020

     Tân An là địa phương có điều kiện phát triển về sản xuất nông nghiệp, thương nghiệp dịch vụ. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể của xã vào cuộc. Được sự hỗ trợ của các ngành của huyện, các chương trình dự án được đầu tư. Nhà nước có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ giúp nông dân ổn định sản xuất, qua đó huy động sử dụng có hiệu quả các nguồn lực ở nông thôn. Nhờ đó, thu nhập của nông dân được nâng cao, diện mạo nông thôn ngày càng được đổi mới, đời sống nhân dân được cải thiện. Hệ thống chính trị đạt trong sạch vững mạnh. Dân chủ cơ sở được phát huy. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Qua 6 năm thực hiện, từ năm 2011 đến năm 2017, xã Tân An đã đạt được nhiều thành tựu trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, vẫn còn một số tiêu chí chưa đạt theo quy định.
  Tân An có 11.723 nhân khẩu với 2.624 hộ gia đình. Có khoảng 20% dân số theo các tôn giáo mà chủ yếu là Công giáo và Phật giáo. Địa bàn xã được chia thành 10 thôn. Nguời dân chủ yếu sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp (80% dân số).
Qua khảo sát đánh giá đến cuối năm 2017, xã còn 2 tiêu chí chưa đạt theo quy định tại quyết định số 250/QĐ-UBND, ngày 23 tháng 3 năm 2017 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Gia Lai Ban hành Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới giai đoạn 2017- 2020 thực hiện trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Đó là tiêu chí số 2 (giao thông) và số 15 (y tế). Mục tiêu được lãnh đạo xã đưa ra là phải hoàn thành 2 tiêu chí này trong năm 2019 và hơn nữa là để nâng cao đời sống nhân dân. Đây là 2 tiêu chí khó hoàn thành trong thời gian khoảng 2 năm, buộc phải có những sáng kiến và giải pháp căn cơ mới có thể thực hiện được. Đó là lý do bản thân tôi đưa ra sáng kiến và các giải pháp vận động nhân dân hoàn thành 2 tiêu chí này trên địa bàn xã Tân An trong năm 2019.
 Tiêu chí Giao thông và tiêu chí Y tế là 2 tiêu chí khó đạt trong 19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới nên muốn hoàn thành, địa phương phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị mới có thể thực hiện được nên bản thân tôi tham mưu với Đảng ủy, Ban quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia xã đưa ra các giải pháp và các bước thực hiện như sau:
Xã Tân An có tuyến quốc lộ 19 đi qua địa bàn với chiều dài 7 km. Đây là tuyến đường giao thông quan trọng nhất cho phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội của địa phương. Hiện tại, tổng chiều dài các tuyến đường giao thông của xã là 127,63 km. Trong đó đường liên huyện, liên xã đã được nhựa hóa: 11,2km/11,2km, đạt 100%; đường liên thôn, liên xóm đã được nhựa hóa, cứng hóa: 14,1km/14,1km, đạt 100%. Đường ngõ xóm 29,8 km, số km cứng hóa không lầy lội vào mùa mưa 21,8 km/29,8 km đạt 93,7%. Các chỉ tiêu trên đạt so với quy định về tiêu chí Giao thông.
Đường trục chính nội đồng: tổng số 70,5 km, số được cứng hóa 25,5 km, mới chỉ đạt 36,1%, (quy định phải cứng hóa >= 70%). Chỉ tiêu này chưa đạt so với tiêu chí.
Như vậy tiêu chí Giao thông chỉ còn chỉ tiêu đường nội đồng là chưa đạt so với quy định.
Qúa trình thực hiện gặp thuận lợi, khó khăn sau:
Thuận lợi: Khi phát động nhân dân cứng hóa đường nội đồng đều được nhân dân đồng tình ủng hộ vì mọi người đều muốn nâng cấp đường để thuận tiện cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa.
Được sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước và cơ chế hỗ trợ thuận lợi cho người dân khi cứng hóa đường giao thông (nhà nước hỗ trợ 85%, nhân dân chỉ đóng góp 15% kinh phí).
Đường nội đồng đã có sẵn từ trước, trong đó đã được quy hoạch đường trục chính, bờ vùng, bờ thửa, không phải mở mới mà chỉ phải cải tạo nâng cấp.
Khó khăn: Đường trục chính nội đồng dài (trên 70km), người dân lấn chiếm, lâu năm không sửa chữa nên có nhiều hố sâu, khi mưa xuống đọng nước không thể đi lại được.
Ở địa phương không có nhiều vật liệu có thể tận dụng để làm đường giao thông như đá, sỏi, cát... như một số địa phương khác nên phải đi mua.
          Thực hiện: Nhận rõ tầm quan trọng của giao thông nên cấp ủy, chính quyền xã đã quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân làm đường, tạo thành phong trào thi đua trong toàn xã.
Đầu năm 2017, bản thân tôi tham mưu Ðảng ủy xã ra nghị quyết về cứng hóa đường trục chính nội đồng và xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2018. Ðảng ủy ra nghị quyết và giao chỉ tiêu cho từng chi bộ.
          Căn cứ nghị quyết của Ðảng ủy xã, các thôn triển khai. Tại các thôn bầu tổ huy động vốn đóng góp của nhân dân và tổ này cũng là tổ giám sát khi thi công công trình. Trên cơ sở thành lập các tổ do dân bầu ra, công tác vận động được tiến hành. Mặt trận Tổ quốc đóng vai trò chủ chốt phối hợp cùng các đoàn thể: Ðoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân của thôn... đi huy động nhân dân đóng góp.
          Trên tinh thần dân tự nguyện và mục đích làm đường là để phục vụ cho nhu cầu đi lại, sản xuất cho chính bản thân người dân nên hầu hết mọi người đều thuận lòng. Việc huy động đóng góp được công khai, minh bạch, hộ nào đóng và chưa đóng đều được thông tin trên loa truyền thanh của xã (mỗi thôn có 1 cụm loa 2 chiếc). Do vậy, đã có tác dụng khích lệ và đẩy nhanh tiến độ đóng góp của dân.
Sau khi huy động vốn trên cơ sở dân tự đóng góp, việc triển khai thi công được thực hiện theo cách: Dân tự làm, tự giám sát thi công công trình.
Năm 2019 xã được nhà nước hỗ trợ 673 triệu đồng vốn đầu tư trực tiếp thực hiện chương trình Nông thôn mới; kinh phí từ nguồn thu tiền sử dụng đất trên địa bàn xã năm 2017 được 843 triệu đồng. Hai nguồn kinh phí này được ưu tiên đầu tư cứng hóa đường nội đồng.
Để tạo sự đoàn kết và nêu rõ quyết tâm hoàn thành tiêu chí Giao thông trong năm 2019, Ban quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia xã yêu cầu mỗi thôn treo nhiều khẩu hiệu ở các trục đường chính với nội dung “Nhân dân thôn A quyết tâm xây dựng thành công chương trình Nông thôn mới”.
 Vì là địa phương có nhiều tôn giáo nên lãnh đạo xã đã tích cực tuyên truyền vận động nhân dân phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trên nguyên tắc tôn trọng những phong tục tập quán, nét văn hóa của nhau, cùng hướng đến mục tiêu chung là xây dựng quê hương giàu đẹp nên có những ngày huy động được cả hàng trăm người ra lao động công ích.
Kết quả: Đến cuối tháng 9/2019, đường trục chính nội đồng được cứng hóa 49,4km/70,5km. Đạt 70%. Đạt so với quy định tiêu chí Giao thông.

          Đạt tiêu chí này phải đáp ứng 3 chỉ tiêu. Đó là: tỉ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt 85% trở lên, xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi dưới 31%.

Đầu năm 2017, qua khảo sát đánh giá chỉ tiêu người tham gia bảo hiểm y tế mới đạt 70%. Chỉ tiêu xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế: đạt, theo quyết định số 928/QĐ- UBND, ngày 12/12/2016 của UBND tỉnh Gia Lai về công nhận xã Tân An đạt tiêu chí quốc gia về y tế đến năm 2020. Chỉ tiêu tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi chiếm 9,5% theo đánh giá của trung tâm y tế huyện Đak Pơ, đạt so với chỉ tiêu của tiêu chí. Như vậy, chỉ tiêu tỉ lệ người tham gia bảo hiểm chưa đạt so với tiêu chí.
Bảo hiểm y tế là chính sách lớn, quan trọng được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, nhằm huy động sự tham gia của mọi người trong việc chăm lo sức khỏe nhân dân, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ lẫn nhau, là mục tiêu và thể hiện tính ưu việt của chế độ ta.
Trong những năm qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, việc thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân trên địa bàn xã đã đạt được kết quả tích cực. Thực tế cho thấy, để phát triển đối tượng hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế rất khó khăn và tính bền vững chưa cao. Những người đã tham gia trong năm nếu không bị ốm đau, không sử dụng dịch vụ y tế thường không muốn tham gia bảo hiểm y tế trong những năm tiếp theo. Để duy trì và phát triển bảo hiểm y tế trong nhân dân chính quyền xã đã thực hiện nhiều biện pháp. Quá trình thực hiện gặp những thuận lợi và khó khăn sau:
Thuận lợi: Người dân ngày một ý thức hơn trong việc có thẻ bảo hiểm y tế để giảm chi phí khi khám chữa bệnh, không như trước đây lúc đau ốm, tai nạn mới lo kiếm tiền chữa chạy.
Nhà nước có nhiều chính sách thuận lợi cho người dân tham gia bảo hiểm y tế như các đối tượng: hộ nghèo, cận nghèo, người già trên 80 tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi; cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng, con của công an, bộ đội được nhà nước đóng bảo hiểm; hộ gia đình có thu nhập trung bình  được hỗ trợ 50% số tiền mua thẻ bảo hiểm y tế (mỗi thẻ chỉ phải đóng khoảng 350 nghìn đồng). Hộ tham gia bảo hiểm y tế cả hộ được giảm dần số tiền mua. Cán bộ công chức, viên chức nhà nước được nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm.
Các phương tiện thông tin đại chúng như: đài truyền hình, đài truyền thanh, mạng xã hội, báo, cán bộ, công chức UBND, hội đoàn thể các cấp, nhân viên bảo hiểm xã hội huyện... thường xuyên quan tâm tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế.
Khó khăn: Đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp khó khăn nên số tiền chi ra để mua bảo hiểm cho cả hộ gia đình là tương đối lớn so với thu nhập .
Khi khám chữa bệnh người có thẻ bảo hiểm y tế chỉ được cấp một số dịch vụ y tế theo quy định.
Khi khám chữa bệnh phải đi theo tuyến.
Để khảo sát đánh giá tỉ lệ người tham gia bảo hiểm, cán bộ phải đến từng hộ gia đình để điều tra vì không có nơi để lấy số liệu, điều này gây tốn thời gian cho người đi điều tra, trong khi không có kinh phí chi trả cho công tác này. (Bảo hiểm xã hội huyện không nắm hết số người tham gia bảo hiểm trên địa bàn, cơ quan này chỉ nắm được số người mua bảo hiểm trực tiếp ở xã, huyện. Số người thuộc lực lượng vũ trang; sinh viên, công nhân đi học và làm việc ở các địa phương khác không nắm được).
Thực hiện: Phân công cán bộ thôn (gồm trưởng thôn và cán bộ chi hội đoàn thể) đến từng hộ gia đình vừa thống kê số người đã tham gia vừa kết hợp vận động những người chưa tham gia, tham gia bảo hiểm y tế.
Mở rộng mạng lưới tư vấn viên Bảo hiểm y tế kiêm nhân viên đại lý thu tiền mua bảo hiểm y tế, từ chỗ cả xã chỉ có 3 người, hiện nay là 10 người. Các tư vấn viên được tập huấn, trang bị kiến thức và kỹ năng tuyên truyền về chính sách bảo hiểm y tế, thực hiện theo đúng quy trình từ khâu thu tiền, lập danh sách nhận và cấp phát thẻ bảo hiểm y tế, biết quan tâm đến người tham gia bảo hiểm y tế, quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của người dân, quan tâm về thời gian tham gia, thời gian hết hạn sử dụng thẻ để đôn đốc nhắc nhở nhằm đảm bảo quyền lợi và tính liên tục thẻ bảo hiểm y tế.
 Rà soát, đánh giá các hộ có thu nhập trung bình để được nhà nước hỗ trợ 50% số tiền mua bảo hiểm y tế.
 Để người dân hàng ngày tiếp cận với việc được vận động tuyên truyền tham gia bảo hiểm y tế, lãnh đạo xã yêu cầu các thôn treo nhiều câu khẩu hiệu ở các trục đường chính của thôn, nội dung: “Nhân dân thôn A tích cực tham gia bảo hiểm y tế để được hỗ trợ khi ốm đau, bệnh tật”.  
Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội đối thoại với nhân dân để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc từ người dân, tuyên tuyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế.
Kết quả: Với các giải pháp như trên, đến cuối tháng 9/2019, qua rà soát, số người tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn xã đạt 86%. Đạt so với quy định của tiêu chí Y tế.
Kiến nghị: Nhà nước cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện khám chữa bệnh, bác sĩ giỏi cho các trạm y tế xã để thuận tiện cho việc đi lại của nhân dân và giảm lượng bệnh nhân đến tập trung khám chữa bệnh ở tuyến trên.
Nhân viên y tế phải có thái độ phục vụ nhân dân tận tình, hòa nhã, nâng cao y đức người thầy thuốc.
Cải cách thủ tục để người khám chữa bệnh có thẻ Bảo hiểm y tế không phải đi khám chữa bệnh theo tuyến.
Qua chưa đầy 2 năm thực hiện, với sự nỗ lực của cán bộ và nhân dân trong xã, đến nay 2 tiêu chí: Giao Thông và Y tế đã được hoàn thành.
Đến Tân An những ngày này, có thể cảm nhận rõ những đổi thay trong diện mạo xã nông thôn mới. Nhà nhà cùng thi đua xây dựng đời sống văn hóa, tăng gia sản xuất để có thêm thu nhập, nâng cao đời sống. Những tuyến đường liên thôn xóm, liên xã đã được đổ bê tông rộng và đẹp. Các công trình phúc lợi như trạm y tế, trường học, bưu điện văn hóa... được xây dựng khang trang, kiên cố, khuôn viên nhà ở hộ gia đình được chỉnh trang sạch đẹp. Con em trong xã phấn khởi đến trường trong những phòng học đầy đủ cơ sở vật chất... đó là sự đổi thay ở xã Tân An từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Xây dựng nông thôn mới là làm cho diện mạo nông thôn ngày càng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, góp phần thực hiện công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước, đáp ứng với xu thế hội nhập. Để thực hiện có hiệu quả chương trình cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phát huy nội lực trong nhân dân. Xây dựng nông thôn mới theo phương châm phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư địa phương là chính. Nhà nước đóng vai trò định hướng, ban hành các tiêu chí, quy chuẩn, đặt ra các chính sách, cơ chế hỗ trợ và hướng dẫn. Các hoạt động cụ thể do chính cộng đồng người dân ở thôn, xã bàn bạc dân chủ để quyết định và tổ chức thực hiện. Điều này được thực hiện trên cơ sở kế thừa những gì đã có và lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ có mục tiêu, các chương trình, dự án khác đang triển khai ở nông thôn; có cơ chế, chính sách khuyến khích mạnh mẽ đầu tư của các thành phần kinh tế; huy động đóng góp của các tầng lớp dân cư. Muốn xây dựng thành công và giữ vững các tiêu chí nông thôn mới bền vững, điều kiện tiên quyết là người dân phải có thu nhập. Bởi vậy, để giữ vững và phát triển 19 tiêu chí đã đạt trong đó có 2 tiêu chí (Giao thông và Y tế), chính quyền địa phương, Ban quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia xã Tân An bằng nhiều biện pháp hướng dẫn và vận động để nhân dân phát triển nhiều ngành nghề nhằm tăng thêm thu nhập.
Để người dân có nguồn thu nhập ổn định, trước tiên, địa phương phải khai thác lợi thế về sản xuất nông nghiệp vì phần lớn diện tích đất của địa phương là sản xuất nông nghiệp. Hơn nữa, cần xác định đây là một trong những thế mạnh của địa phương.
Xã Tân An có 2 cây trồng chủ lực là cây mía và rau xanh. Chăn nuôi chủ yếu là nuôi bò.
Đối với cây mía, trong thời điểm hiện tại, chưa có cây trồng nào thay thế được cây mía nên chính quyền địa phương vận động nhân dân góp đất tham gia vào cánh đồng lớn. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới vào sản xuất nên năng suất mía tăng lên rõ rệt (từ khoảng 65 tấn/ha lên 100 tấn/ha). Hiện nay, do thời tiết nắng hạn, năng suất mía giảm. Tuy nhiên, so với cách làm truyền thống, cánh đồng lớn trồng mía vẫn hiệu quả hơn.
Xã Tân An có khoảng 800ha trên tổng diện tích 2.200ha đất nông nghiệp của xã, nhân dân dùng để sản xuất rau. Để đáp ứng việc tiêu thụ ổn định cho nông dân, chính quyền địa phương đã vận động nhân dân trồng rau an toàn, rau sạch để cung cấp cho thị trường ngày càng khó tính (chủ yếu cho thành phố Đà Nẵng).
Hiện nay thu nhập của người trồng rau trên diện tích 1.000m2 (1sào)/năm thu được khoảng 20 triệu đồng (chưa trừ ngày công lao động ). Đây là khoản thu nhập hiệu quả so với các cây trồng khác. Tuy nhiên, trước khi thực hiện dự án trồng rau an toàn hướng đến diện tích lớn, địa phương đang hướng dẫn người dân thực hiện việc trồng với quy mô nhỏ tại các hộ gia đình để dần làm quen với cách sản xuất rau ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Địa thế thuận lợi của các thôn như: Tân Sơn, Tân tụ, Tân Hội, Tân Phong có thể trồng rau an toàn vì đất bằng phẳng, được bồi đắp phù sa và tưới tiêu thuận lợi nhờ sông Ba.
Được sự chỉ đạo của huyện ủy, địa phương đang tích cực phối hợp với các cấp, các ngành xây dựng thương hiệu “Rau An Sơn” để góp phần tiêu thụ ổn định rau cho nông dân.
Về chăn nuôi, lãnh đạo địa phương vận động nhân dân nuôi bò lai sinh sản. 1 bò mẹ, mỗi năm sinh 1 bê con, nuôi 6 tháng có thể bán được 15 triệu đồng. Hiện đàn bò địa phương 95% là bò lai với khoảng gần 3.000 con.
          Hàng năm thanh niên đến tuổi lao động số lượng rất lớn. Ngoài việc vận động số lao động này học các nghề như: thợ xây, sửa chữa xe máy, đi lao động xuất khẩu... lãnh đạo địa phương chỉ đạo vận động thanh niên học nghề lái xe tải. Hiện nay để có 1 tấm bằng lái xe tải phải chi phí khoảng 18 triệu đồng để đi học. Khi có bằng, có xe lái, 1 tháng  sẽ được chủ xe trả 9 triệu đồng tiền lương. Sau 2 tháng sẽ thu lại chi phí học, bằng lái sử dụng được suốt đời. Hiện nay, nhu cầu cần lái xe vào mùa thu hoạch mía là rất lớn.
Về đích  xây dựng nông thôn mới không có nghĩa là kết thúc mà chỉ là bước khởi đầu cho công cuộc xây dựng nông thôn giàu có hiện đại trong tương lai. Chúng tôi tin tưởng với sự nỗ lực không ngừng của cán bộ và nhân dân địa phương, sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo huyện, sự hỗ trợ đắc lực của các phòng ban chuyên môn huyện sẽ giúp địa phương xã Tân An giữ vững và phát triển 19 tiêu chí nông thôn mới.
                                                                                                                       Nguyễn Văn Minh, UBND xã Tân An

     


Cơ quan: UBND xã Tân An
Địa chỉ: Thôn Tân Hiệp, xã Tân An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai
Điện thoại: (0269) 3 832383
Email: tanan.dakpo@gialai.gov.vn
Fax: