CHUYÊN MỤC








Trang chủ > Tin Tức > Nông nghiệp và phát triển nông thôn > Đak Pơ – người chăn nuôi đã có ý thức hơn trong phòng bệnh cho gia súc

Đak Pơ – người chăn nuôi đã có ý thức hơn trong phòng bệnh cho gia súc

Ngày đăng bài: 12/06/2017
Những năm trước đây, công tác tiêm phòng cho đàn gia súc của một số xã trên địa bàn huyện Đak Pơ luôn đạt thấp, nhất là tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, nhờ công tác tuyên truyền tích cực của chính quyền các địa phương, sự hướng dẫn, giải thích tận tình của các cán bộ thú y, nhiều người dân đã có ý thức hơn trong việc tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc. 

Picture-160.jpg

Picture-157.jpg

Picture-177.jpg

Từ 5 giờ 30 sáng, ông Trương Công Na, cán bộ thú y xã An Thành  đã có mặt tại làng Kuk Đak để tiến hành tiêm phòng vắc xin tụ huyết trùng, lở mồm long móng, Vắc xin kép và dịch tả heo cho đàn gia súc của làng. Theo lời ông Na, thì việc tiêm phòng chỉ có thể thực hiện vào sáng sớm, hoặc chiều muộn, vì đó là thời điểm bà con để trâu bò ở nhà. Đối với các hộ để trâu bò ở lại trên rẫy thì ông phải nhờ Trưởng làng thông báo để các hộ đưa trâu, bò về. Những năm trở lại đây, ý thức được lợi ích của việc tiêm phòng cho gia súc, nên bà con thực hiện rất nghiêm túc và nhiệt tình.
Ông  Đinh Tuýt có 6 con bò: 3 con bò đực và 3 con bò cái. Với gia đình ông, ngoài hơn 6 sào rẫy thì lợi nhuận từ nuôi bò là nguồn thu nhập chính. Nhờ chăm sóc cẩn thận, chu đáo, cộng với tiêm phòng theo định kỳ nên đàn vật nuôi luôn phát triển ổn định, ít bị bệnh ngay cả trong giai đoạn chuyển mùa. Khi được thông báo của thú y xã, ông cũng như các hộ dân khác trong làng đã chủ động mang bò về nhốt tại chuồng ở nhà. Cán bộ thú y đến tiêm xong, ông lại lùa bò lên rẫy. “Hằng năm đều có thú y đến tiêm vắc xin tụ huyết trùng, long móng lở mồm cho bò nhà mình. Năm nào cũng cứ tiêm vậy là con bò nó không có bệnh gì hết, nên nghe thông báo là mình đem bò về để tiêm cho nó khỏi bị bệnh” – Ông Tuýt nói.
Gặp anh Đinh Đinh Đưng, Làng Kuk Đak, xã An Thành, huyện Đak Pơ, khi anh đang lùa đàn bò của mình trở lại rẫy. Anh vui vẻ khoe: “ Hôm qua đem bò về, sáng nay thú y đến tiêm phòng rồi. giờ lại lùa vào rẫy cho nó ăn cỏ, mình thì phun thuốc cỏ mía. Mấy năm trước bò hay bị bệnh lắm. Nhưng mấy năm nay, nhờ tiêm phòng mà không bệnh gì nữa. Nhà nước cho thuốc tiêm, không lấy tiền. Bò phòng được bệnh, bà con vui lắm.”
Theo thống kê, toàn xã An Thành có trên 70 con trâu, 1.450 con bò. Những năm trước, việc tiêm phòng cho gia súc tại các làng  rất khó khăn. Do đó, xã đã tăng cường công tác tuyên truyền về cách nhận biết một số loại bệnh cũng như cách phòng bệnh. Hằng năm, xã triển khai 2 đợt tiêm phòng các loại vắc xin tụ huyết trùng, lở mồm long móng, dịch tả cho đàn gia súc, tập trung vào các tháng  5, 6, 11, 12. Nhờ làm tốt từ khâu tuyên truyền đến thực hiện nên tỷ lệ tiêm phòng cho đàn gia súc hàng năm của xã luôn đạt cao.
Theo ông Nguyễn Cao Tý, trưởng Trạm chăn nuôi và thú y huyện Đak Pơ thì thời gian gần đây, ý thức của người chăn nuôi đã được nâng lên đáng kể. Theo định kỳ, cán bộ thú y chỉ cần thông báo có lịch tiêm phòng đàn trâu, bò, heo… là người dân đã chủ động tập trung vật nuôi theo đàn để tiêm, không cần phải nhắc nhở gì nhiều. Còn về phía Trạm, để giúp nhân dân hiểu về những quy định trong công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi, đơn vị đã phối hợp với các xã, thị trấn, các thôn, làng vừa tổ chức tiêm phòng, vừa tuyên truyền đến bà con kỹ thuật vệ sinh môi trường sạch sẽ xung quanh chuồng trại.
Thời điểm này, thời tiết biến đổi thất thường là điều kiện thuận lợi để các loại mầm bệnh phát triển. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi và cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, tạo điều kiện để chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững, huyện Đak Pơ đã xây dựng kế hoạch chi tiết về công tác phòng, chống dịch bệnh và triển khai đến tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn. Theo đó, Trạm chăn nuôi và thú y huyện đã triển khai kế hoạch tiêm phòng đợt 1, năm 2017 từ ngày 30 tháng 5 đến ngày 30 tháng 6, với tổng số 32.250 liều vắc xin. Vắc xin sử dụng là loại vắc xin LMLM type O (17.350 liều), vắc xin tụ huyết trùng chủng P52 tiêm cho trâu, bò (10.400 liều) và vắc xin kép heo (4.500 liều). Việc tiêm phòng được thực hiện theo hướng dẫn của Cục Thú y và cần được thực hiện liên tục giữa các đợt tiêm chính. Ngoài ra, tỷ lệ tiêm phòng phải đạt 100% trong diện tiêm (tương đương 80% tổng đàn)…Cùng với đó, huyện tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của công tác tiêm phòng đối với đàn vật nuôi; tổ chức tập huấn kỹ thuật tiêm, bảo quản vắc xin cho lực lượng nhân viên thú y; giao chỉ tiêu tiêm phòng số lượng đàn vật nuôi, vắc xin cho cơ sở; đồng thời chuẩn bị vật tư, vắc xin, dụng cụ tiêm phòng đầy đủ; chỉ đạo tổ chức tiêm phòng cho tất cả các loại gia súc trong diện tiêm phòng của các cơ sở chăn nuôi, hộ gia đình; tăng cường cử cán bộ kiểm tra, giám sát, hướng dẫn để công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi đạt hiệu quả cao nhất.
Nhờ làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, đặc biệt là tiêm phòng đầy đủ nên không có tình trạng dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, tạo được sự yên tâm cho người chăn nuôi đầu tư phát triển đàn gia súc.
                                                                             Nguyễn Hiền - Đài TTTH huyện


Cơ quan: UBND huyện Đak Pơ tỉnh Gia Lai
Địa chỉ: Tổ dân phố 2, thị trấn Đak Pơ, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai
Điện thoại: (0269) 3 738 275
Email: ubnddakpo@gialai.gov.vn
Fax: (0269) 3 738 275
Chung nhan Tin Nhiem Mang