CHUYÊN MỤC








Trang chủ > Tin Tức > Nông nghiệp và phát triển nông thôn > Đak Pơ – Nông dân chủ động tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế

Đak Pơ – Nông dân chủ động tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế

Ngày đăng bài: 22/03/2018
Hiện nay, cùng với 2 loại cây trồng vật nuôi chính của huyện là cây mía và con bò thì nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Đak Pơ đã mạnh dạn tìm kiếm một số loại cây trồng, con giống mới nhằm đa dạng hóa cây trồng vật nuôi và có khả năng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ những và bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực, hứa hẹn sẽ mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi.
IMG20180307085615.jpg

Gia đình chị Nguyễn Thị Liễu, thôn 5, xã An Thành, huyện Đak Pơ có 4 ha đất nông nghiệp. Qua tìm hiểu, cuối năm 2015, chị mạnh dạn phá bỏ cây mía, dành ra 1,2 ha đất để trồng cây ăn trái. Trong đó: 7 sào chị trồng dừa xiêm lùn, 5 sào chị trồng thâm canh giống Nhãn chín muộn. Lấy ngắn nuôi dài, chị mạnh dạn trồng xen thêm chuối, ớt, và cà pháo. Sau hơn 2 năm, giờ đây vườn dừa và nhãn của gia đình chị đang sinh trưởng, phát triển rất tốt và đang cho ra hoa. “Cây dừa này nó rất hợp với khí hậu ở đây. Phát triển rất nhanh. Lại ít sâu bệnh. Đấy,  mới trồng có 3 năm mà đã cao gần 2 mét rồi. Bắt đầu ra bắp rồi. Mỗi tháng một lần, mình chỉ cần bỏ thuôc FURAGAN với thuốc bọ dừa cho nó thôi.” – Chị Liễu vui vẻ cho biết.

IMG20180307084429.jpg

Anh Trần Minh Đức, ở thôn 5, xã An Thành, huyện Đak Pơ trước đây dành toàn bộ đất đai của mình để trồng mía, với hy vọng, có thể đem lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho gia đình. Vì Đak Pơ là vùng nguyên liệu mía của Nhà máy đường An Khê. Tuy nhiên, do những năm gần đây giá mía bấp bênh, sau khi trừ chi phí lãi thấp. Để tìm hướng đi mới, anh Đức quyết định phá bỏ diện tích mía chuyển sang trồng cây bơ Boot. Ban đầu anh mạnh dạn trồng 100 cây bơ thử nghiệm. Sau nhận thấy giống bơ này không phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương, anh quyết định trồng thử 200 cây mít Thái.  Sau 2 năm, cây mít Thái đã cho thu hoạch. Trong 2 năm đầu thu hoạch, mỗi năm anh thu về khoảng 7 tấn mít. Với giá bán 15.000 đồng cho 1 kg, tương đương 110 triệu đồng mỗi năm. Anh Đức chia sẻ -Trong qúa trình trồng thử nghiệm, thì tôi thấy nó rất dễ trồng. Công tác chăm sóc thì kỹ thuật nó cũng dễ. Nó cũng nhanh cho thu hoạch. Thời gian trồng khoảng gần 2 năm là cho thu hoạch rồi. Nó cũng đạt cả về chất lượng và sản lượng nữa. Hơn nữa, tôi thấy  trồng mít Thái cho thu nhập cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác nhờ chi phí thấp. Ngoài ra, phòng trừ sâu bệnh với loại mít này rất dễ vì không cần sử dụng đến thuốc hóa học mà chỉ phòng trừ bằng cách sử dụng kỹ thuật bao lưới khi trái còn nhỏ. Nhờ vậy, chi phí phân thuốc giảm một nửa. Hơn nữa, đầu ra sản phẩm lại ổn định.”
Ngoài bơ, và mít, hiện anh còn trồng thử nghiệm thêm bưởi da xanh, mãng cầu ta, và cây nhãn Hưng Yên. Theo lời anh Đức, thì so với các địa phương trên địa bàn huyện Đak Pơ khác, An Thành là xã có điều kiện thời tiết khá khắc nghiệt, không có hệ thống thủy lợi nên việc trồng trọt các cây hoa màu phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Do đó, so với các cây trồng khác thì cây ăn trái là lựa chọn phù hợp nhất và cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần. Ngay như cây nhãn lồng, hay cây bưởi da xanh. Dù mới trồng thử, nhưng thấy rất hợp với điều kiện khí hậu, và thổ nhưỡng tại địa phương. Hiện, chỉ riêng tại thôn 5, xã An Thành, đã có gần chục hộ trồng cây ăn trái với khoảng 200 gốc bưởi, 400 gốc mãng cầu ta, 1.600 gốc nhãn lồng, 300 gốc cam vinh, 300 gốc dừa xiêm, 100 gốc táo dai…
 “Quan trọng là, trong quá trình trồng, giai đoạn kiến thiết cơ bản như đào hố, lên luống phải đảm bảo để vừa giữ được nước, vừa thoát nước tốt. Phun thuốc và bón phân theo định kỳ. Tuyệt đối không phun thuốc cỏ, mà cuốc xới quanh gốc. Khi cây cho trái, phải chịu khó bọc trái lại để phòng trừ sâu bệnh.” – Anh Đức chia sẻ thêm.

IMG20180307094618.jpg

Bên cạnh chọn cây giống để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, một số hộ nông dân đã thành công với việc nuôi các loại động vật hoang dã và bán hoang dã như hươu sao, nai, heo rừng, nhím…Hiện các đàn đều đang sinh trưởng và phát triển rất tốt, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân. Ông Nguyễn Văn Minh, thôn 5, xã An Thành, ngoài trồng cây ăn trái và nuôi cá thương phẩm, ông còn đang sở hữu một đàn hươu sao 11 con. Trong đó 5 con đang cho lấy nhung. Nuôi hươu sao có ưu điểm là nguồn thức ăn dễ hơn nuôi bò, lợn. Ông cho biết, ông đang có dự định mở rộng đàn hươu sao, để không chỉ lấy nhung, mà còn lấy thịt, cung cấp ra thị trường. Ông Nguyễn Văn Minh nói -“Nói chung hiện nay là mình phải nghiên cứu những cái gì mới, kể cả về chăn nuôi, kể cả về cây trồng. Phải đưa cái khoa học kỹ thuật vào. Bây giờ đang trong giai đoạn là mình phải làm sao nuôi con gì đảm bảo cho sạch. Mình phải chủ động mình làm.”
Nhờ đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi; nhiều nông dân huyện Đak Pơ đã xây dựng được các mô hình kinh tế trang trại, gia trại theo hướng đa canh, đa con; ứng dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Trong chăn nuôi, nông dân đã biết áp dụng tiến bộ khoa học về xây dựng chuồng trại, thức ăn, quy trình chăm sóc trong chăn nuôi heo, gà… Tin rằng, những mô hình thành công, cho năng suất cao sẽ được nông dân nhân rộng trong thời gian tới.
                                                          Nguyễn Hiền  - Đài TTTH huyện


Cơ quan: UBND huyện Đak Pơ tỉnh Gia Lai
Địa chỉ: Tổ dân phố 2, thị trấn Đak Pơ, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai
Điện thoại: (0269) 3 738 275
Email: ubnddakpo@gialai.gov.vn
Fax: (0269) 3 738 275
Chung nhan Tin Nhiem Mang