CHUYÊN MỤC








Trang chủ > Tin Tức > Nông nghiệp và phát triển nông thôn > Nông dân tích cực chuyển đổi cây trồng trên đất mía

Nông dân tích cực chuyển đổi cây trồng trên đất mía

Ngày đăng bài: 21/06/2019
Trong mấy năm liên tục, người nông dân phải chịu những mùa mía “đắng”. Sự ngọt ngào của cây mía một thời đem lại thu nhập cao nho nhiều hộ gia đình, nay là nguyên nhân khiến nhiều nông dân ê chề, ngao ngán khi giá mía liên tục xuống thấp, thu không bù được chi. Đó là lý do khiến nhiều nông dân tại huyện Đak Pơ – Vùng nguyên liệu mía với trên 8.000 ha bắt đầu quay lưng với cây mía, và chuyển hướng sang các cây trồng khác cho hiệu quả hơn.
image2.jpeg

Bà Nguyễn Thị Bắc, ở thôn 1, xã Hà Tam, huyện Đak Pơ từng ăn nên làm ra với cây mía, khi bà sở hữu 15ha mía, cùng 3 xe tải, nhận thu mua, vận chuyển mía cho nhà máy. Nhưng 3 năm trở lại đây, bà đã phá gần nửa diện tích mía của mình để chuyển sang các cây trồng khác. Trong đó, tập trung vào các loại cây ăn trái như chanh không hạt, cam, dừa xiêm lùn, quýt đường, na thái, mãng cầu…Ngoài ra, bà dành một phần diện tích để trồng các loại cây ngắn ngày như khoai môn sáp, mỳ để lấy ngắn nuôi dài. Bà Bắc cho biết - “Trước kia, tôi làm cây mía cũng nhiều, nhưng 2, 3 năm gần đây thì cây mía không mặn mà với nhà nông nữa. Vì được mùa thì mất giá. Thành thử giá cả không ổn định. Từ đó tôi mới đi tìm tòi học hỏi, đi thăm quan các mô hình nhiều và quyết định chuyển đổi lần qua những cây trồng nào nó có hiệu quả hơn. Thế là tôi trồng cây ăn quả. Ở những nơi đất trồng, tôi trồng xen môn sáp. Và tôi thấy nó mang lại hiệu quả kinh tế cao.”

image1.jpeg

Cũng như hộ của Bà Bắc, sau nhiều năm cây mía bấp bênh, hộ bà Nguyễn Thị Mỹ Hương ở thôn 2, xã Hà Tam đã phá bỏ toàn bộ diện tích mía của gia đình để chuyển đổi sang các loại cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Hiện gia đình bà có 2 ha trồng dâu tằm và chanh không hạt. Dành một ít diện tích để trồng các loại cây ngắn ngày như môn sáp, kiệu và cây lạc để có thu nhập thường xuyên. Theo bà Hương, từ khi chuyển đổi cây trồng thay thế cây mía gia đình bà đã có thu nhập cao và ổn định hơn. “Trước đây, 2 ha đất của tôi trồng mía. Nhưng sau tôi thấy mía không kinh tế nên tôi phá mía và bắt đầu trồng các cây ngắn ngày như cây kiệu, cây hành, rồi đậu phụng, cây bắp. Xen trong các diện tích dâu tằm để lấy ngắn nuôi dài. Vì cây dâu trồng đến 10, 15 năm mới thu hoạch nên mình mình trồng xen thêm các cây hoa màu để lấy ngắn nuôi dài, để phát triển kinh tế gia đình được ổn định.” - Bà Hương cho biết.

image3.jpeg

Giá mía liên tục giảm và lợi nhuận không còn nên không chỉ tại xã Hà Tam, mà tại hầu hết các địa phương trên địa bàn huyện Đak Pơ, nông dân không còn mặn mà với cây mía. Theo thống kê, tính đến đầu năm 2019, hiện toàn huyện Đak Pơ chỉ còn khoảng 7.160,5 ha mía. Giảm hơn 1.238 ha so với niên vụ mía 2018 – 2019. Dự kiến con số này vẫn sẽ còn giảm thêm. Cùng với đó, diện tích cây mì, và cây ăn trái tăng nhanh. Trong vụ Đông Xuân năm 2019, diện tích mỳ đã tăng gấp đôi so với năm trước. Các diện tích ngô lai, đậu, và cây ăn trái cũng vậy…Anh Nguyễn Công Thư, phó chủ tịch UBND xã Hà Tam cho biết: “Hiện nông dân trên địa bàn xã Hà Tam đang triển khai rất nhiều mô hình dự án theo hình thức tự phát, như đinh lăng kết hợp với cây bầu, bí, gấc. Ngoài cái đó ra thì người dân đang trồng các loại cây ăn quả. Hiện tại như giờ đang phát triển cây bưởi da xanh, chanh đào. Cái nữa là đối với người dân Hà Tam bây giờ là đang có xu hướng chuyển sang trồng các loại cây trồng ngắn ngày. Qua đánh giá của xã, thì các mô hình được nông dân triển khai trên địa bàn đều mang lại hiệu quả rất tốt”
          Ông Huỳnh Văn Hơn, phó chủ tịch UBND huyện Đak Pơ cho hay, khó khăn của ngành mía đường đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nông dân. Do đó, huyện cũng đã và đang tích cực chỉ đạo các địa phương vận động nhân dân đăng ký tham gia chuyển đổi một số diện tích mía kém hiệu quả sang các loại cây trồng nguyên liệu liên kết sản xuất với doanh nghiệp để giảm áp lực cho cây mía. Huyện cũng làm tốt công tác hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp nên ngày có càng nhiều doanh nghiệp thông qua các hợp tác xã ký kết thu mua sản phẩm cho nông dân ở những vùng chuyển đổi với khối lượng ngày càng lớn.  
Khi cây mía đã đã hết thời ngọt ngào, lẽ dĩ nhiên người nông dân sẽ phải tìm ra những hướng sản xuất mới để mang lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, việc chuyển đổi phải được thực hiện một cách chậm rãi, và theo quy hoạch. Đồng thời có sự liên kết chặt chẽ nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông sản của mình. Việc trồng một loại cây trồng ồ ạt sẽ dẫn đến nguy cơ dư thừa nguyên liệu trong vụ tới, khi thị trường biến động theo chiều hướng giảm. Thiệt hại lại thuộc về người nông dân.
Nguyễn Hiền – Trung tâm VH,TT&TT huyện.


Cơ quan: UBND huyện Đak Pơ tỉnh Gia Lai
Địa chỉ: Tổ dân phố 2, thị trấn Đak Pơ, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai
Điện thoại: (0269) 3 738 275
Email: ubnddakpo@gialai.gov.vn
Fax: (0269) 3 738 275
Chung nhan Tin Nhiem Mang