CHUYÊN MỤC








Trang chủ > Tin Tức > Kinh tế - Văn hóa - Xã hội > Huyện Đak Pơ 15 năm hình thành và phát triển

Huyện Đak Pơ 15 năm hình thành và phát triển

Ngày đăng bài: 07/12/2018
Cách đây 15 năm, huyện Đak Pơ được thành lập theo Nghị định số 155/2003/NĐ-CP ngày 09/12/2003 của Chính phủ về việc thành lập thị xã An Khê và huyện Đak Pơ, thành lập xã Đak Pơ thuộc huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai.
Với 49 cán bộ, công chức, viên chức được điều động từ huyện An Khê, cùng với cán bộ cơ sở bắt tay xây dựng huyện mới với muôn vàn khó khăn phía trước. Ngày ấy, đã trở thành một sự kiện đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa to lớn mà những người gắn bó với mảnh đất thân thương này không thể nào quên, bởi nó không đơn thuần là việc xác lập một đơn vị hành chính mới mà là sự lựa chọn có tính chiến lược xen lẫn kỳ vọng vì sự phát triển phồn thịnh của một địa phương giàu tiềm năng.

toa-dam-15-nam.JPGTọa đàm nhân kỷ niệm 15 năm Nguày thành lập huyện Đak Pơ (09/12/2003-09/12/2018)

Nhìn lại 15 năm, quãng thời gian không dài so với lịch sử phát triển của tỉnh, song cũng đủ để làm thay đổi diện mạo một vùng đất nghèo khó bằng sự nỗ lực không ngừng, tinh thần đoàn kết, sự năng động, sáng tạo và tư duy đổi mới của các thế hệ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân để đến hôm nay huyện Đak Pơ vui mừng, phấn khởi báo cáo những thành tựu đã đạt được.
Từ một huyện xuất phát điểm kinh tế thấp, đến nay Tổng giá trị sản xuất (theo giá so sánh năm 2010) thực hiện được 1.893,61 triệu đồng. Cơ cấu giá trị sản xuất chuyển dịch đúng hướng, ngành nông - lâm - thủy sản chiếm 47,62%, công nghiệp - xây dựng chiếm 32,38%, thương mại - dịch vụ chiếm 20%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 tăng 4,3 lần so với năm 2004.
Nông nghiệp liên tục phát triển theo hướng liên kết chặt chẽ giữa kinh tế hộ với doanh nghiệp, với thị trường nâng cao giá trị sản xuất, hình thành các mô hình cánh đồng lớn, cánh đồng kỹ thuật, các vùng chuyên canh…. Công tác chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, đời sống được chú trọng góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn; đã đưa các loại giống mới, có năng suất cao vào sản xuất; chương trình lai cải tạo đàn bò, hỗ trợ bò đực giống cho làng đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay có 87,7% bò lai trong tổng đàn; diện tích gieo trồng tăng từ 12.652 ha năm 2004 lên 23.234 ha năm 2018.
Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện 7/8 xã, thị trấn của huyện, kết quả từ thực hiện Chương trình đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống của nhân dân ngày càng nâng cao cả về vật chất và tinh thần. Đến nay, huyện có 04 xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2011-2015), có 03 xã đạt từ 10 tiêu chí trở lên.
Là một địa bàn thường xuyên bị hạn, trong các năm qua, bằng các nguồn vốn Trung ương, tỉnh, huyện và nhân dân đã đầu tư trên 37 tỷ đồng để xây dựng mới Hồ Cà tung 4 (2007-2008), nâng cấp, sửa chữa trạm bơm Tân Hội, trạm Bơm An Quý, hồ Tờ Đo và nhiều hạng mục công trình khác; việc duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương bước đầu đáp ứng nhu cầu tưới cho một phần diện tích cây trồng, nâng diện tích chủ động tưới năm 2018 lên 616,08 ha. Trong thời gian đến, là đầu tư xây dựng hồ chứa nước Tầu Dầu 2 với tổng kinh phí đầu tư khoảng 197 tỷ đồng nhằm cung cấp nước tưới chủ động cho 555 ha đất canh tác vùng dự án và cung cấp nước phục vụ sinh hoạt cho khoảng 7.500 người trong vùng dự án.
Kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ, từ trung tâm huyện đến các xã đều có đường ô tô, hệ thống đường liên thôn, liên xã thông suốt trong mùa mưa. Trong 15 năm qua, từ nhiều nguồn vốn khác nhau đã đầu tư làm mới và sửa chữa được 86,2 km đường cấp phối, 266,8 km đường bê tông xi măng, 17,2 km đường đá dằm láng nhựa; một cây cầu bêtông bắt qua Sông Ba góp phần khắc phục việc chia cắt 2 vùng Đông, Tây huyện, đã mang lại niềm vui cho nhân dân xã Tân An, Phú An, Yang Bắc, khắc phục tình trạng chết trôi do phải bơi xuồng qua Sông Ba khi mùa mưa lũ và đang triển khai thi công một cây cầu nằm trong dự án đường nối thị trấn Đak Pơ đi xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang góp phần tạo điều kiện thuận tiện cho việc đi lại, trao đổi mua bán, vận chuyển hàng hóa của người dân.
Đến nay, có 8/8 xã, thị trấn sử dụng điện lưới quốc gia với 100% thôn, làng, tổ dân phố có điện và 99,7% số hộ sử dụng điện; 99,8% người dân được dùng nước hợp vệ sinh góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
Sản xuất công nghiệp, thương mại - dịch vụ sớm có bước đi tích cực trên cơ sở phát huy lợi thế nhiều tuyến đường giao thông quan trọng như Quốc lộ 19, đường Trường Sơn Đông thông thương với các tỉnh trong khu vực, các vùng kinh tế trọng điểm trong nước. Trong đó, công nghiệp, xây dựng phát triển cả về quy mô và loại hình, đến nay, đã có 60 doanh nghiệp, hợp tác xã đang tổ chức sản xuất kinh doanh trên địa bàn, tăng 55 đơn vị so với năm 2004; năm 2018 giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng (theo giá so sánh 2010) đạt 613,21 tỷ đồng; thương mại - dịch vụ ngày càng mở rộng với 505 cơ sở, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng bình quân hàng năm 11,2%.
Thu ngân sách trên địa bàn năm 2018 tăng trên 4,6 lần so với năm 2004. Công tác chi ngân sách được thực hiện tốt, đảm bảo phục vụ kịp thời cho các hoạt động của huyện. Các chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng trên địa bàn huyện đã làm tốt công tác huy động vốn, triển khai các dịch vụ cho vay phát triển sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội.
Sự nghiệp giáo dục đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực. Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, huyện đã nâng cấp và xây thêm nhiều phòng học, phòng chức năng, nhà hiệu bộ và các hạng mục phụ của các trường; đầu tư hàng tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị dạy học, từng bước đưa tin học và ngoại ngữ vào dạy ở các trường tiểu học. Đến nay, toàn huyện có 22 trường học với 9.481 học sinh các cấp (chưa kể học sinh THPT học tại các trường của thị xã An Khê, sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp), có 11 trường đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng giáo dục đào tạo ngày càng nâng cao; các phong trào thi đua hai tốt của ngành giáo dục được triển khai sâu rộng, hiệu quả, được sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh. Công tác xã hội hoá giáo dục được quan tâm đẩy mạnh, 8/8 xã, thị trấn có Trung tâm học tập cộng đồng. Năm 2018, huyện tiếp tục được công nhận phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở; Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học mẫu giáo đạt 77,89%, tỷ lệ học sinh đi học tiểu học đúng độ tuổi đạt 99,34%.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân được đầu tư, tăng cường, bình quân huyện có 11,75 giường bệnh/1vạn dân, 75% tỷ lệ trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế. Công tác đào đạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ y bác sỹ luôn được chú trọng, huyện hiện có 4,23 bác sĩ/1vạn dân; chất lượng khám chữa bệnh, thái độ phục vụ của đội ngũ y bác sĩ ngày càng nâng cao, có trên 99,3% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đủ liều; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm còn 13,71%. Công tác bảo hiểm y tế được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, đến nay có 77,97% tỷ lệ người dân tham gia BHYT.
Bằng nhiều hình thức khác nhau, công tác thông tin, tuyên truyền ngày càng được đổi mới, thường xuyên tổ chức cổ động lưu động, băng rôn khẩu hiệu, panô áp phích, tranh ảnh... thu hút sự quan tâm, nắm bắt thông tin về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, về tình hình phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng an ninh của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân, nhất là nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện. Các thiết chế văn hóa được đầu tư theo hướng xã hội hóa; công tác tuyên truyền, vận động các làng đồng bào dân tộc thiểu số bảo tồn, khôi phục nhà rông và thông qua tổ chức các Hội thi ca múa nhạc dân gian, cồng chiêng làng, xã, huyện góp phần duy trì và phát triển bản sắc văn hoá của các dân tộc thiểu số. Phong trào thể dục thể thao phát triển rộng khắp; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục trong nhân dân, đến nay, huyện có 81,39% gia đình văn hoá, 82,2% thôn, làng, Tổ dân phố văn hoá. Đã đầu tư xây dựng Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện, 05 trạm truyền thanh không dây cho 5 xã và 65 cụm loa truyền thanh không dây để đưa thông tin về cơ sở.
Công tác giảm nghèo được các cấp, các ngành tích cực triển khai thực hiện với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, đã góp phần làm thay đổi cuộc sống của nhiều hộ dân, nhất là những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 8,51%. Thành quả phát triển kinh tế kết hợp với giải quyết tốt các vấn đề xã hội đã làm cho đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên.
Tuy không phải là địa bàn trọng điểm về an ninh chính trị, nhưng Đak Pơ là địa bàn, bàn đạp mà các thế lực phản động, Fulrô, “Tin lành Đêga”, “Tà đạo Hà Mòn” tìm cách móc nối để phát triển xuống các huyện phía Đông của tỉnh. Ý thức được vấn đề trên, Huyện uỷ, UBND huyện và các ngành chức năng luôn chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn huyện.
Thực hiện tốt công tác quốc phòng và quân sự địa phương, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững mạnh. Nâng cao năng lực của các Ban Chỉ huy quân sự huyện, xã và các Ban Chỉ huy quân sự tự vệ khối cơ quan; củng cố và phát triển lực lượng dân quân cơ động, dân quân binh chủng, dân quân tại chỗ, thường xuyên tổ chức huấn luyện dân quân tự vệ và dự bị động viên, duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu bảo vệ cơ quan, tài sản và tính mạng của nhân dân; công tác giao quân hàng năm đạt 100% chỉ tiêu tỉnh giao; xây dựng các tổ an ninh nhân dân ở từng thôn, làng, tổ dân phố nắm chắc địa bàn, xử lý kịp thời các loại tội phạm phát sinh, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Tăng cường công tác tiếp dân, đối thoại với công dân từ cơ sở khi có vướng mắc, kiến nghị xảy ra; kịp thời giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân; hạn chế phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp, không để xảy ra điểm nóng về an ninh nông thôn. Thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền các cấp; việc bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức hợp lý; công tác đào tạo, bồi dưỡng được quan tâm. Công tác cải cách hành chính được chú trọng, ngày càng nâng cao hiệu quả hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008, thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng.
Quán triệt Nghị quyết của Đảng, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Trong các năm qua Đảng bộ huyện đã tập trung sức kiện toàn, củng cố tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, đẩy mạnh công tác phát triển đảng. Tổng số tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc năm 2018 là 40 tổ chức với 1.621 đảng viên, tăng 17 tổ chức và 1.073 đảng viên so với năm 2004; 100% thôn, làng, tổ dân phố có chi bộ. Chất lượng tổ chức cơ sở đảng có nhiều chuyển biến tích cực.
Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã thực sự đi vào cuộc sống của mọi tầng lớp nhân dân, trở thành nội dung sinh hoạt chính trị, văn hóa sâu rộng trong các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương trong huyện. Hầu hết cán bộ, đảng viên và nhân dân đã nhận thức sâu sắc về những nội dung cơ bản, giá trị to lớn của tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người dân đã có thêm niềm tin, động lực phấn đấu, quyết tâm tu dưỡng, rèn luyện bản thân để không ngừng hoàn thiện nhân cách của mình theo gương Bác.
Công tác quy hoạch cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ đảng viên được chú trọng. Trong 15 năm qua, huyện đã cử 410 đồng chí đi học các lớp trung cấp, cao cấp lý luận chính trị; 12 đồng chí theo học các lớp sau đại học; 326 đồng chí đi học bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; ngoài ra còn mở nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị cho cán bộ, công chức ở cơ sở. Đã đề bạt, bổ nhiệm 60 đồng chí giữ chức trưởng, phó các phòng ban trở lên; điều động, luân chuyển 75 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ, công chức, viên chức. Hầu hết cán bộ đề bạt bổ nhiệm và luân chuyển đều phát huy tốt nhiệm vụ được phân công.
Công tác kiểm tra của Đảng được Đảng bộ huyện hết sức quan tâm, chỉ đạo. Đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra từ huyện đến cơ sở có đủ phẩm chất đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, đồng thời triển khai thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát do Đảng qui định và nhiệm vụ cấp uỷ giao, góp phần tích cực trong việc củng cố, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh. Công tác kiểm tra đã phục vụ tốt cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của huyện, đồng thời có tác dụng xây dựng, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, chính quyền. 
Vai trò, vị trí của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân ngày càng phát huy trong công cuộc xây dựng và phát triển của huyện; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong việc xây dựng, củng cố Mặt trận và các tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở; thường xuyên đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và cuộc vận động “Vì người nghèo”. Qua đó, đã xuất hiện các mô hình, điển hình tiên tiến; khơi dậy tinh thần yêu nước, tính năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong các tầng lớp nhân dân.
Công tác thi đua khen thưởng đã được chú trọng, thông qua các phong trào thi đua kịp thời phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các gương điển hình tiên tiến để mọi người học tập noi theo. Các phong trào thi đua được triển khai đồng bộ, điển hình là phong trào “Đak Pơ chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020, “Đak Pơ chung tay vì người nghèo” giai đoạn 2017-2020, phong trào thi đua “Hai tốt”, phong trào “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, phong trào “5 không 3 sạch”, phong trào “nông dân sản xuất giỏi”, phong trào “Thanh niên lập nghiệp”... được các cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân hưởng ứng tích cực.
Ghi nhận những thành tích mà các tập thể, cá nhân đã đạt được, trong 15 năm qua, huyện có 03 cá nhân được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 02 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì; 01 tập thể và 05 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Ba; Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua và Bằng khen cho tập thể nhân dân, cán bộ huyện Đak Pơ, tặng Cờ thi đua cho tập thể nhân dân, cán bộ xã Tân An, tặng Bằng khen cho 09 cá nhân; 02 tập thể và 01 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 06 tập thể được tặng Cờ thi đua của UBND tỉnh; ngoài ra có nhiều tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành.
Trong điều kiện khó khăn chung của đất nước và địa phương, bên cạnh những thành tích đạt được, trong 15 năm xây dựng và phát triển, huyện vẫn còn một số tồn tại, khuyết điểm đó là:
Kinh tế tăng trưởng chưa bền vững. Sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên và giá cả thị trường; đàn gia súc, gia cầm phát triển chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có của địa phương; việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào trồng trọt và chăn nuôi tuy có tiến bộ nhưng chưa đồng bộ. Ngành công nghiệp quy mô còn nhỏ, chưa có sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh trên thị trường. Thương mại, dịch vụ, du lịch chậm phát triển.
Chất lượng giáo dục đối với học sinh dân tộc thiểu số còn thấp. Công tác xã hội hóa giáo dục hiệu quả chưa cao. Cơ sở vật chất ngành văn hóa chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Kết quả công tác giảm nghèo chưa vững chắc; một bộ phận người dân chưa tự thân vận động để thoát khỏi đói nghèo; tỷ lệ lao động qua đào tạo vẫn còn thấp.
Tình hình an ninh chính trị còn tiềm ẩn những yếu tố bất ổn, vi phạm và tội phạm trật tự xã hội có dấu hiệu tăng, tai nạn giao thông vẫn còn ở mức cao; tranh chấp, khiếu kiện trong nội bộ dân cư vẫn còn xảy ra. Công tác quy hoạch và đào tạo đội ngũ cán bộ chủ chốt ở một số ngành, xã chưa đáp ứng yêu cầu. Một số tổ chức cơ sở đảng chưa làm tốt vai trò là hạt nhân lãnh đạo chính trị ở cơ sở. Hoạt động của bộ máy Nhà nước chưa thật sự phát huy hiệu quả.
Trong công tác dân vận và hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể đôi lúc còn mang nặng hành chính hóa, chưa thật sự bám sát cơ sở, giúp cơ sở tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
15 năm, một hành trình chưa dài so với lịch sử 86 năm của tỉnh Gia Lai, tuy còn những tồn tại, khuyết điểm nhưng có thể khẳng định rằng huyện Đak Pơ đã có bước phát triển vượt bậc và mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Thành quả đó là sản phẩm của công cuộc đổi mới, thuộc về nhân dân các dân tộc huyện nhà, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quản lý điều hành của chính quyền, sự hưởng ứng của Mặt trận, các đoàn thể và sự nổ lực, phấn đấu của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện. 
Thực tiễn của quá trình xây dựng và phát triển huyện Đak Pơ trong 15 năm qua, với những kết quả đạt được, Đảng bộ đã rút ra một số bài học:
Một là: Quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước vào thực tế của địa phương, kịp thời đề ra chương trình, kế hoạch, giải pháp phù hợp với thực tiễn. Tổ chức thực hiện có kết quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Hai là: Nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, giữ nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình trong Đảng và các cơ quan Nhà nước, mở rộng và phát huy dân chủ trong sinh hoạt Đảng và nhân dân. Không ngừng xây dựng, củng cố và nâng cao năng lực, hoạt động của hệ thống chính trị ngày càng có hiệu lực và hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự tiên phong, gương mẫu, có phẩm chất đạo đức trong sáng, đảm trách nhiệm vụ trong tình hình mới.
Ba là: Giữ vững tinh thần đoàn kết nhất trí, phát huy cao độ trí tuệ của toàn Đảng bộ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, dựa vào dân, tạo điều kiện để nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể vững mạnh toàn diện; coi đó là một trong những nhân tố quan trọng nhất đem lại thành công trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
Bốn là: Huy động mọi nguồn lực cho sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa huyện nhà. Phát huy nội lực, xem đó là yếu tố quyết định; khai thác có hiệu quả nguồn lực từ bên ngoài, kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư vào sản xuất kinh doanh trên địa bàn đối với những ngành, lĩnh vực mà huyện có lợi thế. Phát triển kinh tế phải đi đôi với an sinh xã hội, nâng cao dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc.
Năm là: Xác định phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, giữ vững quốc phòng - an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, gắn với thế trận an ninh nhân dân, ổn định chính trị là yếu tố hàng đầu để phát triển kinh tế - xã hội. Phải luôn đề cao cảnh giác với các âm mưu chiến lược "Diễn biễn hòa bình" của các thế lực thù địch.
Những thành tựu như nêu trên chỉ là kết quả bước đầu, để xứng đáng với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và niềm tin yêu, kỳ vọng của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Gia Lai, trong thời gian tới Đảng bộ và nhân dân huyện Đak Pơ quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây:
Một là: Khai thác, phát huy tiềm năng sẵn có của huyện để đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thời tiết và thổ nhưỡng; phát triển chăn nuôi thành ngành sản xuất chính. Khai thác hiệu quả mọi nguồn vốn tập trung cho đầu tư phát triển; giữ vững tốc độ phát triển kinh tế hàng năm, từng bước công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn với những bước đi phù hợp. Phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá, có cơ cấu ngành nghề hợp lý. Phát triển mạnh thương mại, dịch vụ trên địa bàn. Tập trung thực hiện, hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch đề ra, phấn đấu đến năm 2020 Đak Pơ đạt huyện nông thôn mới.
Hai là: Đẩy mạnh các hoạt động văn hoá sâu rộng từ huyện đến cơ sở; chú trọng bảo tồn, phát triển các di tích lịch sử văn hoá. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục; thực hiện đúng lộ trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; giữ vững kết quả giáo dục đại trà, đẩy mạnh phổ cập giáo dục trung học phổ thông. Tiếp tục đầu tư trang thiết bị các cơ sở y tế; nâng cao chất lượng đội ngũ y, bác sỹ, làm tốt công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, đào tạo nghề giải quyết việc làm cho người lao động; quan tâm chăm sóc các gia đình chính sách, các đối tượng xã hội.
Ba là: Kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, xây dựng huyện thành khu vực phòng thủ, cơ bản, liên hoàn, vững chắc. Xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh toàn diện theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại. Tiếp tục tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, tổ chức quán triệt sâu rộng các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; củng cố niềm tin của cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; tạo sự đoàn kết nhất trí cao trong cán bộ đảng viên, sự đồng thuận trong nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí; thực hành tiết kiệm có hiệu quả, thiết thực; khắc phục tình trạng xa dân; đổi mới phương thức lãnh đạo và tổ chức thực hiện của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở theo hướng gần dân, nói dân hiểu, làm dân tin, có trách nhiệm với dân; xây dựng một nền hành chính hiện đại, phục vụ ngày càng tốt hơn cho nhân dân.
Bốn là: Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 tại Hội nghị Trung ương lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 tại Hội nghị Trung ương lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Mặt trận và các đoàn thể tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân; phát động phong trào thi đua đẩy mạnh sản xuất, thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội trong đoàn viên, hội viên. Tập trung đẩy mạnh công tác vận động quần chúng đấu tranh làm thất bại âm mưu kích động, gây chia rẽ khối đoàn kết toàn dân của các thế lực thù địch.
Mười lăm năm, so với một đời người là không dài, càng không dài so với lịch sử hào hùng của dân tộc, nhưng với những thành quả và những bài học kinh nghiệm có được từ chặng đường đã qua sẽ là nền tảng, là động lực quan trọng giúp Đak Pơ tự tin vươn tới chinh phục những giá trị mới.
Văn phòng HĐND và UBND huyện.


Cơ quan: UBND huyện Đak Pơ tỉnh Gia Lai
Địa chỉ: Tổ dân phố 2, thị trấn Đak Pơ, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai
Điện thoại: (0269) 3 738 275
Email: ubnddakpo@gialai.gov.vn
Fax: (0269) 3 738 275
Chung nhan Tin Nhiem Mang