CHUYÊN MỤC








Trang chủ > Hỏi đáp Pháp luật Kỳ 3 - Tháng 10/2020

Hỏi đáp Pháp luật Kỳ 3 - Tháng 10/2020

Ngày đăng bài: 22/10/2020
Một số vấn đề liên quan đến nông nghiệp
Câu 1: Thế nào là nền nông nghiệp sạch. Hiện nay ở nước ta đã có những quy định, chế độ, chính sách gì để hướng tới một nền nông nghiệp sạch chưa?
Trả lời:
Nông nghiệp sạch (hay còn gọi là nông nghiệp hữu cơ), là một hệ thống quản lý sản xuất nông nghiệp tránh hoặc giảm thiểu sử dụng các loại phân bón và thuốc trừ sâu tổng hợp, giảm tối đa ô nhiễm không khí, đất và nước, tối ưu về sức khỏe và hiệu quả của các cộng đồng sống phụ thuộc lẫn nhau giữa cây trồng, vật nuôi và con người (theo định nghĩa của Codex Alimentarius, cơ quan Liên hợp quốc giám sát các tiêu chuẩn về lương thực trên toàn thế giới).
Theo tiêu chí đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự án nông nghiệp sạch là dự án sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đáp ứng một trong các tiêu chí sau: Dự án thực hiện tại cơ sở sản xuất kinh doanh được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định; dự án thực hiện tại các cơ sở sản xuất kinh doanh được cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định; dự án của doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định; dự án sản xuất sản phẩm nông nghiệp được cấp giấy chứng nhận VietGAP; dự án đầu tư mới vào sản xuất nông nghiệp sạch áp dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cấp quốc gia hoặc quốc tế tương đương (VietGAP, GlobalGAP,…).
Cho đến thập kỷ 60 của thế kỷ XX, nền nông nghiệp Việt Nam được xem là nông nghiệp sạch. Nguồn hữu cơ chủ yếu được sử dụng là phân bón, bao gồm phân chuồng trại, tro rơm rạ, bèo hoa dâu và các nguồn phân xanh cũng như các chất phế thải từ nguồn hoa màu. Tuy nhiên, do sức ép về dân số, tài nguyên đất trở nên hạn hẹp về số lượng và xuống cấp về chất lượng, do nhu cầu an toàn lương thực và xuất khẩu, nền nông nghiệp sạch Việt Nam đã chuyển sang nền nông nghiệp sử dụng phân bón vô cơ. Việc sử dụng quá nhiều phân bón vô cơ đã có tác động xấu đến môi trường, đặc biệt gây ô nhiễm nguồn nước và đất, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, tạo nên nhu cầu về sản phẩm an toàn do nền nông nghiệp sạch cung cấp.
Vì sao nông nghiệp sạch là hướng đi đúng đắn?
Đáp ứng nhu cầu về lương thực, thực phẩm sạch của người tiêu dùng: Tình trạng thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc tràn lan, bệnh hiểm nghèo (ung thư) liên quan đến thực phẩm bẩn gia tăng khiến người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các sản phẩm an toàn cho sức khoẻ. Phát triển nông nghiệp sạch là một hướng đi đúng đắn đáp ứng nhu cầu lớn về thực phẩm sạch.
Giảm tác động tiêu cực đến môi trường: với các phương pháp canh tác giảm thiếu tối đa việc sử dụng hoá chất (như thuốc trừ sâu, phân bón hoá học, thuốc bảo vệ thực vật) giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực của hoạt động sản xuất đến môi trường đất, nước, không khí.
Mang lại nguồn lợi lớn cho nông dân: nông nghiệp sạch tăng chất lượng của sản phẩm, từ đó kéo giá thành sản phẩm lên, giúp nông dân tăng thu nhập và có được niềm tin của người tiêu dùng.
Chính phủ khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch:Trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách về sản xuất, kinh doanh, chế biến sản phẩm để khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, an toàn, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp sạch. Có thể kể đến một số chính sách như:
- Nghị định 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ;
- Quyết định 01/2012/QĐ-TTg ngày 9/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.
Chính phủ xác định phát triển nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao là chiến lược của đất nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Cùng với xu thế chung của thế giới, việc sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển nông nghiệp giúp nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, nâng cao thu nhập và bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng. Quyết định 176/QĐ-TTg ngày 29/01/2010 của Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 là một động thái thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ đối với nền nông nghiệp sạch.
 
Câu 2: Cây mía mới lên đọt được 2 lá, mới lên khỏi mặt đất đã bị sâu đục thân. Đã dùng thuốc sariphop, monito nhưng chưa khỏi, xin cho biết hỏi cách khắc phục?
Trả lời:
Có nhiều loại sâu đục thân mía gây hại như: sâu đục thân mình vàng, sâu đục thân mình trắng, sâu đục thân mình hồng, sâu đục thân 5 vạch…Sâu đục thân hại mía rất khó phòng trừ, do chúng trú ngụ trong thân cây mía, lại xuất hiện ở nhiều giai đoạn phát triển khác nhau; chúng sinh sôi, nảy nở mạnh nên bắt buộc phải phòng trừ bằng biện pháp tổng hợp mới đạt được hiệu quả.
- Về biện pháp canh tác: sử dụng giống kháng sâu bệnh; hom giống khỏe, đạt tiêu chuẩn, không có mầm mống sâu bệnh. Ruộng trước khi trồng mía phải được cày bừa kỹ, vệ sinh đồng ruộng sau thu hoạch, diệt trừ cỏ dại…
- Về biện pháp sinh học: sử dụng côn trùng thiên địch như: kiến, ong ký sinh sinh trên trứng sâu đục thân để giảm xâm nhiễm.
- Về biện pháp hóa học: như đã nêu ở trên, các loại thuốc hóa học thường phòng trừ sâu đục thân hại mía không có loại thuốc đặc hiệu và rất khó trị sâu, chỉ có biện pháp phòng ngừa:
+ Giai đoạn trồng mới: dùng các loại thuốc có hoạt chất Diazinon như: Basudin 40EC, 50EC/ND hoặc Basudin 10G và Padan 4H, Kayazinon, rải lúc đặt hom với lượng 30kg/ha để phòng trừ mối, bọ hung và các loại sâu đục thân.
+ Giai đoạn kết thúc mọc mầm đến vươn lóng: rải hoặc phun cục bộ những nơi cây mía bị hại hoặc có triệu chứng sâu mới xâm nhập: dùng Padan 4H liều 10 g/m hoặc Vibasu nồng độ 0,25%, Padan 95SP 0,8 kg/ha để phun.
Ngoài ra, trong các giai đoạn vươn lóng đến trước thu hoạch: chú ý bóc lá khô, lá già, chặt cây bị sâu bệnh, kết hợp vệ sinh ruộng mía. Sau khi thu hoạch mía: phát quang bờ lô để phá nơi ẩn náu của sâu, bệnh; có thể luân canh cải tạo đất khi kết thúc chu kỳ trồng mía.


Cơ quan: UBND huyện Đak Pơ tỉnh Gia Lai
Địa chỉ: Tổ dân phố 2, thị trấn Đak Pơ, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai
Điện thoại: (0269) 3 738 275
Email: ubnddakpo@gialai.gov.vn
Fax: (0269) 3 738 275
Chung nhan Tin Nhiem Mang