CHUYÊN MỤC








Trang chủ > Hỏi đáp Pháp luật Kỳ 2 - Tháng 8 năm 2020

Hỏi đáp Pháp luật Kỳ 2 - Tháng 8 năm 2020

Ngày đăng bài: 21/08/2020
Một số quy định về Tảo hôn và Hôn nhân cận huyết thống
Câu 1. Thế nào là tảo hôn và tổ chức tảo hôn? Tảo hôn gây ra hậu quả gì cho gia đình và xã hội?
Trả lời:
Theo khoản 8 Điều 3 Luật HNGĐ năm 2014 quy định: Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 của Luật này.
Ngoài ra, tảo hôn còn được hiểu bằng các cách khác như: Tảo hôn là việc kết hôn trái pháp luật do vi phạm về độ tuổi kết hôn. Tảo hôn là việc hai bên chung sống như vợ chồng dưới tuổi luật định. Tảo hôn là việc nam, nữ xác lập quan hệ vợ chồng khi một bên hoặc cả hai bên nam, nữ chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật.
Tổ chức tảo hôn là hành vi tổ chức cho nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng nhưng việc xác lập này là trái pháp luật (không đủ điều kiện kết hôn) mà cụ thể là chưa đủ tuổi kết hôn.
 Tổ chức tảo hôn bao gồm những hành vi sau:
 - Chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động để người chưa đến tuổi kết hôn được kết hôn;
 - Tìm người chưa đến tuổi kết hôn cho người khác để tổ chức kết hôn;
- Chuẩn bị các điều kiện vật chất hoặc tinh thần cho người chưa đến tuổi kết hôn để họ kết hôn với người khác.
Tảo hôn gây ra những hậu quả xấu đối với gia đình và xã hội, đó là:
- Ảnh hưởng xấu đến sức khỏe bà mẹ, trẻ em ;
- Ảnh hưởng xấu đến việc chăm sóc con cái;
- Nảy sinh nhiều mâu thuẫn gia đình do hôn nhân không có tình yêu;
- Làm suy giảm chất lượng dân số, suy thoái giống nòi; - Hạn chế sức lao động;
- Ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội;
- Vi phạm pháp luật về hôn nhân, ảnh hưởng xấu đến cộng đồng.
Câu 2. Xử lý việc chung sống như vợ chồng dưới tuổi luật định như thế nào? Xử phạt hành chính đối với hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn được quy định như thế nào? Pháp luật quy định như thế nào về tội tổ chức tảo hôn, tảo hôn?
Trả lời:
a) Xử lý việc chung sống như vợ chồng dưới tuổi luật định:
Theo khoản 7 Điều 3 Luật HNGĐ năm 2014 quy định: Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng. Chung sống với nhau như vợ chồng dưới tuổi luật định (Hai bên nam nữ chung sống như vợ chồng; một hoặc cả hai bên nam nữ chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định) là hành vi tảo hôn và vi phạm pháp luật. Hai bên nam nữ không được công nhận là quan hệ vợ chồng. Hành vi tảo hôn là hành vi bị cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình. Tùy vào tính chất và mức độ mà hành vi tảo hôn bị xử phạt vi phạm hành hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
b) Xử phạt hành chính đối với hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn:
 Điều 58, Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/9/2020) thì hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn bị xử phạt hành chính cụ thể như sau:
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án.
c) Pháp luật quy định như thế nào về tội tổ chức tảo hôn, tảo hôn?
Trả lời:
Đối với hành vi tảo hôn với mức độ vi phạm nghiêm trọng có thể bị xử phạt hình sự về tội tổ chức tảo hôn, tảo hôn hoặc tội giao cấu với trẻ em theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015
Tội tổ chức tảo hôn được quy định tại Điều 183 Bộ luật hình sự 2015 như sau “Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm”.
Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi được quy định tại Điều 145 Bộ luật hình sự 2015 “Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 144 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.
Câu 3. Thế nào hôn nhân cận huyết thống? Thế nào là những người có cùng dòng máu về trực hệ? Thế nào là những người có họ trong phạm vi ba đời? Xử phạt hành chính đối với hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người có họ trong phạm vi ba đời hoặc có cùng dòng máu trực hệ được quy định như thế nào?
Trả lời:
Kết  hôn  cận  huyết  thống  là  hôn  nhân  giữa  nam  và  nữ trong cùng họ hàng thân thuộc chưa quá 3 thế hệ. Nói cách khác, hôn nhân cận huyết thống là hôn nhân giữa nam và nữ có cùng dòng máu về trực hệ hoặc những người có họ hàng thân thuộc trong phạm vi ba đời.
Theo khoản 17 Điều 3 Luật HNGĐ năm 2014 quy định: Những người cùng dòng máu về trực hệ là những người có quan hệ huyết thống, trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau.
Theo khoản 18 Điều 3 Luật HNGĐ năm 2014 quy định: Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba.
Theo  khoản  2  Điều  59,  Nghị  định  số  Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/9/2020) thì Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi: Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;


Cơ quan: UBND huyện Đak Pơ tỉnh Gia Lai
Địa chỉ: Tổ dân phố 2, thị trấn Đak Pơ, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai
Điện thoại: (0269) 3 738 275
Email: ubnddakpo@gialai.gov.vn
Fax: (0269) 3 738 275
Chung nhan Tin Nhiem Mang