CHUYÊN MỤC

Trang chủ > Tin tức > Hoạt động đơn vị > Giữ gìn giá trị văn hóa cồng chiêng

Giữ gìn giá trị văn hóa cồng chiêng

Ngày đăng bài: 10/08/2018
Việc vận động gây quỹ mua cồng chiêng của thanh niên nhiều làng ở xã Yang Bắc, huyện Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai được coi là một cách làm sáng tạo nhằm giữ gìn và phát huy văn hóa cồng chiêng. 

Xuất phát từ nhu cầu sinh hoạt văn hóa vốn còn thiếu, mới thấy hết tình yêu và ý thức bảo tồn văn hoá truyền thống của đồng bào nơi đây. Phong trào gây quỹ cho đoàn viên thanh niên trong làng - cách làm tuy đơn giản nhưng rất hiệu quả, đang được nhân rộng. 
 



Tại các làng, UBND xã cho mượn đất để trồng trọt và sản xuất bằng các loại hình khác nhau, nhờ đó mỗi Chi đoàn thu nhập vài chục triệu đồng/năm.
Với số tiền thu được từ trồng trọt, chăn nuôi, các Chi đoàn ưu tiên hàng đầu cho việc mua cồng chiêng phục vụ sinh hoạt văn hóa cộng đồng. 
Như tại làng Jun, đoàn viên thanh niên đã đổi 2 con trâu (trị giá trên 20 triệu đồng) để lấy một bộ chiêng làm phương tiện sinh hoạt. Làng Bung Bang, Krối, Jro Dơng..., mỗi làng đều có một bộ chiêng vài chục triệu đồng. 
Anh Đinh DRăp -Bí thư Đoàn xã Yang Bắc chia sẻ: “Chúng tôi yêu tiếng chiêng từ lúc còn nằm trong bụng mẹ. Đó cũng là sinh hoạt văn hoá chủ yếu của thanh niên địa phương trong những dịp lễ, hội. Thanh niên trong làng, ai cũng biết chơi chiêng. Toàn xã có 15 làng, ở mỗi làng đều thành lập đội chiêng thanh niên”.
Anh Trường Trung Tuyến – Bí thư Đoàn thanh niên huyện Đăk Pơ cho biết: “Cồng chiêng không chỉ đơn thuần là loại nhạc cụ, phương tiện thông tin, một loại tài sản giá trị thể hiện sự giàu sang phú quý mà nó được coi như là vật gia bảo của mỗi gia đình, dòng họ. Vì vậy, cần nhân rộng hoạt động này nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”.

IMG_0547.JPG
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa đại diện của nhân loại, được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đó là niềm tự hào của đất nước, thể hiện việc coi trọng đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nên việc bảo tồn, phát huy giá trị là rất quan trọng. 
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê - nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc cổ truyền Việt Nam cho rằng, bảo tồn không gian cồng chiêng Tây Nguyên, quan trọng nhất là giới trẻ.
Liên hoan cồng chiêng tại Gia Lai được tổ chức định kỳ 4 năm/lần đối với cấp tỉnh và 2 năm/lần đối với cấp huyện. Những huyện tổ chức tốt liên hoan cồng chiêng theo định kỳ là Chư Pah, Kbang, Krông Pa, Mang Yang, Kông Chro, Đăk Đoa, Đăk Pơ… 
Đây là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm duy trì thường xuyên việc dạy và học cồng chiêng tại cộng đồng. Để đưa cồng chiêng đến gần hơn với thế hệ trẻ, góp phần vào việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Trường Trung cấp Văn hóa-nghệ thuật Gia Lai và các trường dân tộc nội trú trong tỉnh cũng đã từng bước đưa cồng chiêng vào giảng dạy trong chương trình học của sinh viên, học sinh.
Tỉnh Gia Lai đã hoàn thành việc điều tra cồng chiêng để có kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Kết quả điều tra cho thấy, toàn tỉnh hiện còn lưu giữ 5.655 bộ cồng chiêng, trong đó có 932 bộ cồng chiêng quý hiếm.
Nguồn: Phạm Thị Hồng Điệp (TTXVN)


Cơ quan: UBND xã Yang Bắc, Huyện Đak Pơ tỉnh Gia Lai
Địa chỉ: Làng Jro Ktu Đak Yang, xã Yang Bắc , huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai
Điện thoại: (0269) 6 570 667
Email: yangbacdakpo@gialai.gov.vn