CHUYÊN MỤC








Trang chủ > Tin Tức > Tài nguyên - môi trường > Chiến thắng huyền thoại Đak Pơ

Chiến thắng huyền thoại Đak Pơ

Ngày đăng bài: 24/06/2015
Nhân dịp kỷ niệm 61 năm ngày Chiến thắng Đak Pơ lịch sử (24/6/1954-24/6/2015). Trang thông tin điện tử huyện Đak Pơ trích đăng loạt bài viết về chiến thắng huyền thoại Đak Pơ của tác giả Kim Lân đã được đăng trên Báo Quân đội nhân dân. Qua đó thể hiện lòng biết ơn của Đảng bộ, quân và dân huyện Đak Pơ nói riêng, cả nước nói chung đối với những chiến sỹ đã anh dũng hy sinh hay vẫn còn sống đã tham gia trong trận đánh lịch sử này. Đồng thời nhân lên lòng tự hào dân tộc của những thế hệ hôm nay và mãi mãi về sau.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, trên địa bàn Bắc Tây Nguyên diễn ra một trận đánh được thực hiện bởi Trung đoàn 96 Liên khu 5, đó là trận Đắk-pơ. Nếu không có chiến thắng Đắk-pơ, Hội nghị Giơ-ne-vơ còn giậm chân tại chỗ, cuộc kháng chiến chống Pháp chưa thể dứt điểm, quân và dân ta còn phải hy sinh nhiều xương máu. Chiến thắng Đắk-pơ có quy mô, tầm vóc lịch sử, ý nghĩa chiến lược quan trọng nhưng bao năm qua ít được nói đến.

Bài 1: “Điệu hổ ly sơn”

Hà Nội giữa những ngày hè nắng nóng cao điểm, trong căn hộ khiêm nhường nhưng gọn gàng, ngăn nắp ở ngõ 186, Ngọc Hà, Ba Đình, tôi đã gặp được cựu chiến binh Trương Quang Quyền sau nhiều lần lỡ hẹn. Minh mẫn, khỏe mạnh, nhanh nhẹn vẫn điều khiển xe gắn máy, đạp xe hoặc lên tàu Bắc - Nam đi thăm bạn bè, đồng đội ít ai nghĩ rằng người cựu chiến binh này đã bước sang tuổi 82. Ông rời quê hương Đức Chánh, Mộ Đức, Quảng Ngãi tham gia hoạt động cách mạng từ tháng 3/1945 vào hoạt động bí mật tại Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Toàn quốc kháng chiến, ông gia nhập quân đội thuộc Tiểu đoàn Cảm tử quân Liên khu 5 và liên tục gắn bó với vùng đất Tây Nguyên lịch sử cho đến ngày kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp...


Từ cuốn sổ nhỏ và chiếc bình tông

Trang đầu của cuốn sổ mà cựu chiến binh Trương Quang Quyền đang lưu giữ. (ảnh: Kim Thanh)

Ông khẽ khàng mở tủ kính lấy ra tập giấy tờ dày cộp rồi lần lượt bày ra trước mặt tôi các tài liệu và cả những kỷ vật trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Những cử chỉ, động tác của ông như mách bảo tôi rằng, con người này rất trân trọng quá khứ.

Trong số những tài liệu, kỷ vật mà ông Quyền còn lưu giữ tôi đặc biệt chú ý tới cuốn sổ nhỏ in bằng tiếng Pháp đã ố màu thời gian và chiếc bình tông nham nhở những vết trầy xước do va đập. Theo lời kể của ông, năm 1954 ông là Chính trị viên phó thuộc Tiểu đoàn 40, Trung đoàn 96 - đơn vị chủ công làm nên chiến thắng Đắk-pơ. Cuốn sổ và chiếc bình tông này quân Pháp đã làm rơi khi tháo chạy trong trận chiến ấy, ông thu được và lưu giữ trong suốt 56 năm qua.

Khi nhắc đến chiến công ngày ấy nét mặt bỗng trở nên đăm chiêu, giọng bùi ngùi, ông Quyền nói:

- Anh em Cựu chiến binh Trung đoàn 96 rất buồn. Chẳng hiểu vì lý do gì mà Đắk-pơ, chiến thắng lớn nhất trên chiến trường Tây Nguyên trong thời kỳ chống Pháp lại bị rơi vào quên lãng. Anh em Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 96 nghĩ, để làm sống lại Đắk-pơ huyền thoại trước tiên phải nhờ đến Báo Quân đội nhân dân.

Nghe ông nói tôi bỗng thấy mình cũng có lỗi trong chuyện này. Tôi đề xuất với ông nên trao hai kỷ vật kháng chiến cho bảo tàng, biết đâu trong số các cựu chiến binh Pháp trở lại Việt Nam có chủ nhân của cuốn sổ và chiếc bình tông ấy. Ông Quyền cho biết: “Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam đã liên hệ với tôi muốn xin hai kỷ vật này nhưng tôi chưa đồng ý”. Hỏi ra mới hay, người cựu chiến binh này vẫn hy vọng một ngày nào đó có một khuôn viên bảo tàng ngay tại Đắk-pơ và ông sẽ trao hai kỷ vật này cho chính bảo tàng đó.

Từng trang tài liệu cứ lần lượt được ông Trương Quang Quyền mở ra và quá khứ cứ theo nhau hiện về. Nhìn bàn tay run rẩy và lời kể bồi hồi của người cựu chiến binh già tôi hiểu rằng trong con người này cảm xúc, niềm tự hào đã góp phần làm nên chiến thắng Đắk-pơ huyền thoại đang dâng trào.

Hành quân lên Tây Nguyên

Ông Quyền nói: “Muốn hiểu về Đắk-pơ trước hết phải hiểu về tình hình lúc bấy giờ” và ông bắt đầu câu chuyện. Cục diện chiến trường Liên khu 5 khi ấy phát triển mau lẹ theo chiều hướng có lợi cho ta nhờ sự tác động của những thắng lợi liên tiếp trên khắp cả nước. Nhiều vùng ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa… trước đây bị địch chiếm đóng trở thành vùng du kích. Ở Tây Nguyên, các căn cứ của du kích và bộ đội chủ lực Liên khu 5 ngày càng được mở rộng. Để đưa cách mạng phát triển lên giai đoạn mới, Hội nghị lần thứ IV Ban chấp hành Trung ương Đảng đã họp và quyết định đẩy mạnh các hoạt động quân sự, chính trị thành cao trào.

Trước nguy cơ ngày càng lún sâu vào bị động, nhằm gỡ thể diện, Pháp đã cử Na-va - viên Đại tướng nổi tiếng sang Đông Dương làm Tổng Chỉ huy quân viễn chinh. Vừa đặt chân đến vùng đất “nóng” này Na-va đã cho ra đời kế hoạch mang chính tên ông ta - Kế hoạch Na-va. Bước vào giai đoạn cuối của chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, thực hiện kế hoạch Na-va, trên địa bàn Liên khu 5, thực dân Pháp mở Chiến dịch Át-lăng, hòng tìm mọi cách, tập trung một lực lượng cơ động lớn đánh chiến toàn bộ vùng tự do. Chúng chia Chiến dịch Át-lăng ra làm ba bước. Bước một chúng tập trung khoảng 25 tiểu đoàn đánh chiến thị xã Tuy Hòa và toàn tỉnh Phú Yên trên ba hướng từ đường biển đổ bộ đánh vào, từ Khánh Hòa đánh ra và từ Đắc Lắc đánh xuống. Bước hai chúng đánh chiếm Quy Nhơn và toàn tỉnh Bình Định cũng theo ba hướng từ Phú Yên đánh ra, từ An Khê đánh xuống và đổ bộ đường biển đánh vào. Bước thứ ba được chúng xem là bước quyết định nhất, đánh chiếm thị xã Quảng Ngãi - thủ đô kháng chiến của Liên khu 5 bằng bốn mũi từ Bình Định đánh ra, Quảng Nam đánh vào, Kon Tum đánh xuống và từ biển đổ bộ đánh vào.

Mưu toan là thế nhưng thực hiện đâu có dễ. Ý đồ và tham vọng của địch sớm bị ta phát hiện. Sau nhiều cuộc họp bàn ở các cấp, quân và dân Liên khu 5 xác định quyết tâm đánh địch, bảo vệ vùng tự do. Nhưng chặn đánh chúng như thế nào trong điều kiện ta còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vũ khí, trang bị (VKTB) còn thiếu thốn, thô sơ, đây là việc phải tính toán rất thận trọng, kỹ lưỡng…

Cựu chiến binh Trương Quang Quyền bên những kỷ vật thu được trong trận Đắk-pơ.

Về chuyện này ông Quyền cho tôi số địa chỉ để liên hệ với cựu chiến binh Nguyễn Tự, nguyên là cán bộ tác chiến thuộc Tiểu đoàn 40, Trung đoàn 96 trong trận Đắk-pơ, hiện là Trưởng Ban Liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 96. Cựu chiến binh Nguyễn Tự kể: Có nhiều phương án được đưa ra nhưng nổi lên có hai phương án chính. Thứ nhất là tung lực lượng chủ lực xuống các tỉnh đồng bằng vừa làm nòng cốt vừa phối hợp với lực lượng tại chỗ để chặn địch, bảo vệ vùng tự do. Thứ hai là giao nhiệm vụ bảo vệ vùng tự do cho lực lượng tại chỗ của các địa phương, còn lực lượng chủ lực của Liên khu thì tấn công lên Tây Nguyên, đánh thẳng vào khu vực bàn đạp để buộc địch phải quay về giữ vùng chiến lược này…

Phân tích kỹ tình hình, ta thấy nếu thực hiện phương án hai thì vừa bảo vệ được vùng tự do, vừa mở rộng được vùng du kích, vùng giải phóng mà vẫn tiêu hao, tiêu diệt được sinh lực địch. Do đó quân và dân Liên khu 5 thống nhất chọn phương án thứ hai. Mọi công tác chuẩn bị chiến trường, phát triển lực lượng được triển khai rất nhanh. Lực lượng tại chỗ sẵn sàng làm nhiệm vụ bảo vệ vùng tự do, lực lượng chủ lực mở chiến dịch hành quân lên Tây Nguyên diệt giặc.

Trung đoàn 96 được tái lập

Thực hiện bước một của Chiến dịch Át-lăng, ngày 20/1/1954, quân Pháp sử dụng 4 binh đoàn cơ động (binh đoàn số 10, 100, 41 và 42) gồm 25 tiểu đoàn đánh lên Phú Yên. Lực lượng nòng cốt trực tiếp nhất trong cuộc hành binh này là Binh đoàn cơ động 100.

Mở màn chiến dịch, Trung đoàn 108 - chủ lực của Liên khu 5 được giao nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Mang Đen - xương sống trong cụm phòng thủ phía Đông, tỉnh Kon Tum của Pháp. Đây là một cứ điểm được xây dựng hết sức kiên cố, VKTB hiện đại... Chẳng thế mà bọn địch ở đây thường huênh hoang rằng “Nước sông Re chảy ngược Mang Đen mới bị mất”.

Đêm 27/1/1954, sau khi hỏa lực chế áp, các mũi quân ta tiến vào mở cửa đột phá. Quân địch dựa vào boong ke chống trả quyết liệt, tình hình trở nên gay go. Vào thời khắc ấy, Tiểu đoàn 79 (Trung đoàn 108) đưa ra phương án tổ chức lực lượng tập kích đánh cả vào sau lưng địch. Sau khi cân nhắc, phương án của Tiểu đoàn 79 được phê duyệt. Bất ngờ bị đánh cả trước mặt và sau lưng nên quân địch ở Mang Đen không kịp trở tay... Chiến thắng Mang Đen tạo ra một phản ứng dây chuyền, bộ đội chủ lực và lực lượng tại chỗ của các địa phương lần lượt tấn công tiêu diệt thêm nhiều cứ điểm phá tung hệ thống phòng ngự của địch ở Bắc Tây Nguyên, khiến cho Chiến dịch Át-lăng bị sa lầy.

Theo thông tin mà ta nắm được thì Binh đoàn cơ động 100 (GM-groupement mobile) do Đại tá Ba-ru (Barrou) chỉ huy, với lực lượng rất mạnh vừa được địch kéo từ Triều Tiên sang, nó đã từng đụng đầu với liên quân Trung - Triều nhưng chẳng hề hấn gì. Biết rõ ý đồ của địch, sau khi giao lại nhiệm vụ bảo vệ vùng tự do cho lực lượng địa phương, toàn bộ quân chủ lực của ta được dồn lên đánh địch trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên.

Tình hình chiến trường phát triển hết sức nhanh chóng. Để đáp ứng kịp yêu cầu, ngày 1/5/1954, Trung đoàn 96 - chủ lực Liên khu 5 được tái lập ngay trên tuyến lửa với 3 tiểu đoàn gồm: Tiểu đoàn 30, 40, 79 và 2 đại đội hỏa lực... Nói là tái lập bởi theo cựu chiến binh Nguyễn Tự, Trung đoàn 96 được thành lập từ những ngày đầu chống Pháp ở Đà Nẵng nằm trong biên chế của Đại đoàn 31. Qua nhiều lần tổ chức biên chế lại, Trung đoàn 96 đã không còn.

Đồng chí Nguyễn Minh Châu được trên “chọn mặt gửi vàng” giao làm Trung đoàn trưởng (trước đó đồng chí Nguyễn Minh Châu là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 108). Đồng chí Nguyễn Hữu Thành làm Chính ủy. Trung đoàn 96 khẩn trương củng cố biên chế, tổ chức huấn luyện. Cựu chiến binh Nguyễn Tự nhớ lại: Trung đoàn lớn nhanh như Phù Đổng, chỉ sau chưa đầy 2 tháng đã đủ sức bước vào một trận đánh lớn. Khi tái lập Trung đoàn 96, Tiểu đoàn 30 vẫn đang làm nhiệm vụ đánh địch đổ bộ ở Quy Nhơn, còn Tiểu đoàn 40 và Tiểu đoàn 79 cùng toàn đơn vị cấp tốc hành quân làm nhiệm vụ phối hợp với Trung đoàn 108 tiếp tục cắt đứt quốc lộ 19. Thực hiện kế “Điệu hổ ly sơn” quân ta khống chế không cho địch từ Plây-cu tiếp tế xuống An Khê, tạo thế bao vây buộc quân địch phải rút ra khỏi An Khê. Đồng thời xây dựng kế hoạch tiêu diệt địch khi chúng rút chạy theo đường 19 về Plây-cu.

Kế “Điệu hổ ly sơn” này của quân ta đã phát huy hiệu quả rất rõ rệt. Do không được tiếp tế, chi viện kịp thời lại bị quân và dân Liên khu 5 quần cho “ăn không ngon, ngủ không yên” nên vào trung tuần tháng 6/1954, tình hình quân Pháp ở An Khê hết sức nguy khốn. Bộ tư lệnh Mặt trận nhận định: Địch sẽ rút khỏi An Khê. Nhiệm vụ tiêu diệt quân địch rút chạy trên đường 19 được giao cho Trung đoàn 96.

Bài 2: Trận chiến không cân sức

“Đánh theo quyết tâm của người chỉ huy”

Sau khi nhận nhiệm vụ, đêm 17/6/1954, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 96 dẫn đoàn cán bộ đi khảo sát thực địa. Quyết chiến điểm được xác định tại Đắk-pơ trên Quốc lộ 19 phía tây An Khê 15 km, vì đây là đoạn có cầu Đắk-pơ, đường quanh co, khúc khuỷu, phía bắc là những núi đất, đá đan xen với những vách đứng ta luy cao 3 - 5 m; phía nam là những hố sâu kéo dài đến tận thung lũng Song Ba… Tiểu đoàn 79 có nhiệm vụ phục kích trên hướng chủ yếu diệt địch từ cầu Đắk-pơ lùi về phía Đông khoảng 800 m. Tiểu đoàn 40 có nhiệm vụ chặn đầu, tiêu diệt địch từ cầu Đắk-pơ đến đỉnh dốc Đắk-pơ khoảng 400 m.

Tính toán chính xác thời gian trừ hao để hạ lệnh xuất kích là một chi tiết rất quan trọng trong đánh vận động phục kích. Cựu chiến binh Nguyễn Tự giải thích: Nếu xuất kích sớm hơn, trên mặt đường chưa có địch, xung kích của ta sẽ dính phi pháo dọn đường, thương vong nhiều trước khi nổ sung. Ngược lại, nếu xuất kích chậm hơn, một bộ phận quân địch sẽ vượt qua vị trí chặn đầu, ta nổ súng chúng sẽ quay lại đánh tạt sườn đơn vị chặn đầu khó hoàn thành nhiệm vụ. Vì thế, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 96 hết sức quan tâm đến việc này. Đồng chí chỉ thị các cơ quan tham mưu trung đoàn, tiểu đoàn đi vẽ thực địa sơ đồ trận đánh, sau đó đắp sa bàn phổ biến kế hoạch tác chiến đến tận chiến sĩ.

Quân Pháp đầu hàng trong trận Đắk-pơ. (ảnh tư liệu)

Ngày 24/6, Trung đoàn 96 được lệnh chiếm lĩnh trận địa trước khi trời sáng. Vào 8 giờ, tin từ đài quan sát báo về có nhiều xe quân sự từ An Khê lên, có cả xe tăng, xe thiết giáp... trinh sát đếm được gần 400 chiếc. Trên không, máy bay địch quần lượn trinh sát dọc theo quốc lộ 19, chỉ huy Trung đoàn 96 nhận định: “Hơn hai tháng bị bao vây cô lập, máy bay không đủ sức tiếp tế cho nên toàn bộ lực lượng của chúng ở An Khê buộc phải rút về Plây-cu”. Quyết tâm chung là chặn đánh cả đoàn xe. Nhưng đánh như thế nào thì cần phải bàn kỹ. Là cán bộ tác chiến của Tiểu đoàn 40 nên đồng chí Nguyễn Tự được tham gia bàn cách đánh. Ông nhớ lại: Tại hội nghị có nhiều ý kiến tranh luận gay gắt. Một số ý kiến cho rằng, do lực lượng của ta quá mỏng, VKTB kém xa địch… chỉ nên cắt đánh tiêu diệt một bộ phận. Nhưng Trung đoàn trưởng Nguyễn Minh Châu thì trước sau vẫn bảo lưu ý kiến đánh cả đoàn. Đồng chí phân tích: Địch đông hơn nhưng ở thế rút chạy, tinh thần đang hoang mang dao động đến cực độ. Ta đánh cả đoàn xe nhưng phải bao vây, chia cắt rồi tiêu diệt lần lượt từng bộ phận. Mặt khác đoạn đường mà ta chặn đánh có cầu Đắk-pơ với nhiều khúc cua tay áo, địa hình hiểm trở… lực lượng ta tuy không đông nhưng ở thế mạnh hơn địch… Trước tình hình đó, Chính ủy Trung đoàn thay mặt Đảng ủy giao cho Trung đoàn trưởng toàn quyền quyết định. Đây là tình huống cực kỳ khó khăn. Nếu đánh cả binh đoàn thì khó kham, vì đúng là lực lượng ta quá mỏng so với địch, VKTB cũng kém chúng một trời một vực! Hơn nữa, nếu đánh cả đoàn xe là trái với nguyên tắc chiến thuật: “Phải tập trung ưu thế binh hỏa lực gấp 3 lần kẻ địch, mới đánh thắng được chúng”. Nhưng nếu cắt đánh đoạn cuối cho vừa sức thì có tội với Đảng, với nhân dân, với bộ đội. Vì để sổng phần lớn Binh đoàn cơ động 100 chạy thoát về Plây-cu và cuộc kháng chiến còn kéo dài, ác liệt, kẻ địch còn gây nhiều tội ác, quân và dân ta còn phải hao tốn thêm nhiều xương máu. Với tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, trước sinh mệnh của cả Trung đoàn, Trung đoàn trưởng phải hết sức tỉnh táo, suy tính hết mọi yếu tố để có một quyết đoán khoa học, không phiêu lưu mạo hiểm, bảo đảm chắc thắng.

Thời gian còn rất ngắn, Trung đoàn trưởng hạ quyết tâm táo bạo: Đánh hết không cho xe nào chạy thoát, liên tục tập kích, truy kích, ngày 24 không xong, đánh tiếp sang ngày 25, nắm chắc đội dự bị chuẩn bị đánh cả Binh đoàn chủ lực 42 với 400 xe xuống đón Binh đoàn cơ động 100 - Quyết tâm này đã được truyền đạt đến tận chiến sĩ. Qua điện đàm, Trung đoàn trưởng Nguyễn Minh Châu xin ý kiến cấp trên. Đồng chí Nguyễn Chánh, Tư lệnh Mặt trận chỉ thị: “Đánh theo quyết tâm của người chỉ huy...”.

“Con trăn khổng lồ” và… “lưỡi búa Thạch Sanh”

Đến 12 giờ 30 phút, quân địch lọt vào trận địa phục kích. Trung đoàn trưởng hạ lệnh toàn Trung đoàn xuất kích. Trung đội ĐKZ trong đội hình Tiểu đoàn 40 mở hết tốc lực đến trận địa đúng giờ quy định. Ngay trong loạt đạn đầu tiên, ĐKZ đã bắn gục chiếc xe công binh đi trước đội hình địch khi nó vừa ngoi lên tới đỉnh dốc. Chiếc đi đầu khựng lại làm mấy trăm chiếc xe phía sau bị ùn ứ, dồn sát vào nhau như một con trăn khổng lồ dài hơn 5 km, phơi mình chờ sự trừng phạt của “lưỡi búa Thạch Sanh”.

Cùng lúc với ĐKZ, cối 82 mm… các mũi xung kích của ta cũng ào ạt xông lên. Trên hướng Tiểu đoàn 40, quân địch dựa vào thành xe, nép vào vách núi để tránh những làn đạn cấp tập của ta. Hỏa lực của ta bắn rất chính xác, nhiều tên địch bị tiêu diệt, một số xe tăng, xe bọc thép... đã bốc cháy. Lực lượng ta xung phong xuống mặt đường. Quân địch chống cự yếu ớt, số sống sót bỏ chạy thục mạng xuống phía nam đường 19 nhưng cũng bị chặn đánh. Một số tên vượt qua đoạn chặn đầu tháo chạy về phía cứ điểm Mũi Nhung nhưng cũng bị lực lượng ta phục bắt sống.

Tiểu đoàn 79 sau khi diệt gọn lực lượng địch bảo vệ sườn, đã đụng ngay tiểu đoàn đi đầu của Binh đoàn 100, trong đó có cả sở chỉ huy binh đoàn. Quân địch dựa vào xe tăng, xe bọc thép chống cự quyết liệt. Lệnh xung phong phát ra, quân ta ào xuống mặt đường. Mặc dù một số đồng chí bị thương vong nhưng Đại đội 224 vẫn bám địch theo từng khu vực, chia cắt chúng ra để tiêu diệt. Cối 82 mm, ĐKZ cũng kịp thời nổ súng chính xác vào đội hình địch, yểm trợ đắc lực cho bộ binh ta xung phong. Xe chỉ huy của Binh đoàn cơ động 100 bị trúng đạn, tên quan năm Ba-ru bị thương chạy trốn (hôm sau bị ta bắt); Trung tá La-giu-an (Lajouanie) bị thương nặng. Đại đội chỉ huy của Binh đoàn cơ động 100 lần lượt ngã gục, Thiếu tá Hip-pôn (Hippolite) - Tham mưu trưởng Binh đoàn, Thiếu tá A-ri-ê (Arieux) - Cụm trưởng pháo binh đều bị tử trận, xe điện đài bị phá hủy hoàn toàn. Sau 15 phút, tất cả các nhân vật chỉ huy Binh đoàn cơ động 100 đều bị loại khỏi vòng chiến đấu và binh đoàn bị cắt đứt hoàn toàn liên lạc với bên ngoài. Như rắn mất đầu lại bị đánh phủ đầu, đội hình của địch rối loạn, lớp chết lớp bị thương, số còn sống bỏ chạy thục mạng xuống phía Nam, ngoan cố dựa vào thành xe, vách đá liều chết chống cự, các ổ đề kháng của địch lần lượt bị hỏa lực ta dập tắt.

15 giờ 30 phút, quân ta làm chủ địa đoạn phục kích. Nhận định, lực lượng phía sau của địch còn rất mạnh, nhất định chúng sẽ tổ chức phản kích, Trung đoàn trưởng lệnh cho các đơn vị khẩn trương củng cố công sự trận địa, chuẩn bị đánh địch phản kích. Quả không sai, sau cơn hoảng loạn, Thiếu tá Ka-bin-man (Kbinmann) lên nắm quyền chỉ huy Binh đoàn, củng cố lại lực lượng, tổ chức nhiều đợt phản kích ác liệt. Chúng cho phi pháo cấp tập dọn đường, dùng nhiều xe tăng dẫn bộ binh đánh thẳng vào trận địa ta. Áp dụng lối đánh cận chiến chờ địch đến thật gần quân ta mới phát dương mọi thứ hỏa lực có trong tay, nhất là ĐKZ đã phát huy tối đa uy lực bắn cháy nhiều xe tăng, tất cả các đợt phản kích của địch đều bị đẩy lùi. Lối đánh cận chiến của ta còn vô hiệu hóa được sự chi viện của không quân, pháo binh địch. 17 giờ 30 phút với nỗ lực cuối cùng, địch tăng cường phi pháo, huy động tối đa xe tăng, bộ binh quyết chiếm lĩnh trận địa của ta. Đại đội 223 của Tiểu đoàn 79 chỉ còn 25 tay súng vẫn kiên cường đánh trả quyết liệt, nhưng vì địch quá đông, hỏa lực dày đặc, tình thế hết sức nguy cấp, Trung đoàn trưởng đã kịp thời lệnh cho cối 82 mm, lực lượng phóng bom, ĐKZ tập trung hỏa lực cao độ bắn vào đội hình của địch, đồng thời tung ngay đội dự bị tăng cường cho Tiểu đoàn 79. Chấp hành mệnh lệnh của Trung đoàn trưởng, hỏa lực vòng đầu và ĐKZ của ta bắn rất chính xác, nhiều xe tăng bốc cháy, tạo thành hàng rào lửa đạn, chặn đứng bước tiến của kẻ thù. Cùng lúc, lực lượng dự bị kịp thời đến chi viện, hai đơn vị phối hợp chiến đấu có sự yểm trợ tối đa của hỏa lực trung đoàn, gây cho địch nhiều thương vong buộc phải tháo chạy. Đợt phản kích ác liệt cuối cùng của địch đã bị ta đập tan.

Vào 19 giờ, quân ta hoàn toàn làm chủ trận địa. Toàn bộ tàn quân của địch vứt bỏ tất cả xe pháo, phương tiện vũ khí khí tài, quân trang, quân dụng... bươn rừng chạy trốn về hướng Nam, giữa đêm tối, trong một cơn ác mộng thực sự. Trung đoàn trưởng Nguyễn Minh Châu điều một trung đội bộ binh tăng cường 4 khẩu đại liên truy kích địch ngay trong đêm. Đích thân đồng chí đi cùng và trực tiếp chỉ huy. Trung đội truy kích chỉ với 30 tay súng đã xóa sạch 3 ổ đề kháng của địch, bắt sống hơn 300 tù binh...

Trước khi tháo chạy, Thiếu tá Ka-bin-man mới lên nắm quyền chỉ huy Binh đoàn 100 đã quyết định để toàn bộ thương binh tại trận địa, giao nhiệm vụ cho Thiếu tá bác sĩ Gia-vin (Janville) chăm sóc. Từ 8 giờ sáng 25/6/1954, máy bay địch lượn vòng vừa thả dù thuốc men, vừa dùng loa xin quân ta cho phép được dùng máy bay tiếp tế thực phẩm, thuốc men cho thương binh của họ. Thực hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam, quân ta chấp nhận đề nghị của họ, mỗi ngày cho 2 chuyến trực thăng từ Plây-cu hạ cánh ngay trên mặt đường 19, nhưng thời gian và địa điểm do ta quy định. Không chỉ thế, ta còn cử cán bộ y tế đến chăm sóc điều trị thương binh của họ.

Đại tá, Bác sĩ Nguyễn Công Nghiêm, nguyên Quân y trưởng Trung đoàn 96 trong trận Đắk-pơ nhớ lại: Sau khi tiếng súng chấm dứt, chỉ huy Trung đoàn chỉ thị cho đồng chí Nguyễn Như Trinh, Trưởng ban Địch vận Trung đoàn đến trạm phẫu cùng tôi đi thăm thương binh địch bị bắt, trong đó có cả tên quan năm Ba-ru. Đồng chí Trinh giới thiệu tôi là Quân y trưởng của Trung đoàn 96 - đơn vị vừa đánh tiêu diệt binh đoàn của ông ta, đến thăm và khám vết thương cho ông. Ba-ru vẫn ngồi im lặng, bên cạnh hắn vẫn còn hai tên hầu cận như trước đây. Đồng chí Trinh nói tiếp: “Theo chính sách nhân đạo và bác ái của Hồ Chủ tịch và Chính phủ Việt Nam, Ban Chỉ huy Trung đoàn 96 chúng tôi cử thầy thuốc đến thăm, khám vết thương cho ông.” Lúc này Ba-ru mới ngẩng đầu lên, nét mặt tươi hẳn, nhưng vẫn tỏ thái độ lãnh đạm. Lúc bấy giờ tôi còn là thanh niên tuổi hai mươi, mặc bộ bà ba đen, đầu đội mũ bê-rê, vai mang xắc thuốc và dụng cụ y tế, súng lục vẫn ngang hông. Nhìn thái độ của Ba-ru, thấy cần phải thuyết phục y nên tôi bảo hai tên hầu cận ra ngoài rồi trực tiếp nói chuyện với Ba-ru. Trước khi đi làm nhiệm vụ, đồng chí Trinh nhắc tôi: “Hãy làm công tác địch vận bằng chính công tác của mình - công tác y tế”.

- Chắc ông đã hiểu chức năng của tôi? - Tôi nói với Ba-ru bằng tiếng Pháp - Tôi đến đây hoàn toàn với tấm lòng nhân đạo của người thầy thuốc Việt Nam để khám sức khỏe và chăm sóc vết thương của ông và đồng đội ông hiện đang dưới quyền kiểm soát của chúng tôi - Tôi tin chắc rằng với chính sách khoan hồng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam, sớm hay muộn các ông cũng sẽ được trao trả về với gia đình, vợ con đang mong đợi ông. Bây giờ đối với chúng tôi, ông không phải là một quan năm đã chiến bại mà là một người lính đang bị thương… xem ông như một thương binh của chúng tôi.

Ba-ru tỏ vẻ bối rối trước những lời nói có lý, có tình đó và đã xin lỗi tôi. Ba-ru nói: “Lúc đầu, tôi không hiểu hết mọi việc và có phần mặc cảm, bây giờ tôi đề nghị bác sĩ kiểm tra lại vết thương cho tôi”. Khi ấy tôi gọi hai tên hầu cận vào và mời một viên quân y của Pháp đi theo. Tôi khám bệnh và xem lại vết thương, cho thay băng, hướng dẫn cách điều trị và thuốc men cần dùng. Bắt đầu từ Ba-ru rồi chúng tôi lần lượt khám vết thương cho các tên khác… Ít lâu sau, những tù binh, thương binh này đều được ta trao trả cho phía Pháp.

Bài 3: Người chỉ huy mưu lược, quyết đoán

Đắk-pơ với những kỷ lục

Cuộc đối đầu lịch sử đã kết thúc. Binh đoàn cơ động 100 cùng với lực lượng chiếm đóng trong khu vực hoàn toàn bị tiêu diệt. Nhưng phải đến ngày 1-9-1954, Đại tá Masse mới đọc nhật lệnh giải thể Binh đoàn cơ động 100. Cựu chiến binh Nguyễn Tự cho biết thêm: Lịch sử cũng có sự trùng lặp, ngày 24/6/1946, Pháp đánh chiếm Đắk-pơ và 8 năm sau cũng đúng vào ngày tháng này (24/6/1954), chúng phải đền mạng tại Đắk-pơ.

Chiến thắng Đắk-pơ là một chiến công lớn nhất trên chiến trường Liên khu 5, đứng hàng thứ hai sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Riêng về đánh giao thông, trong cả 30 năm đánh Pháp và đánh Mỹ, chưa có trận vận động phục kích nào lớn hơn trận Đắk-pơ. Chiến thắng Đắk-pơ đã lập nhiều kỷ lục trong một trận giao thông chiến. Trước hết là kỷ lục về tiêu diệt sinh lực: Trong trận Đắk-pơ địch chết 500 tên; bị thương 600, bị quân ta bắt 800 tên (trong đó có quan năm Bờ-râu chỉ huy Binh đoàn). Kỷ lục về chiến lợi phẩm, trong chiến thắng này ta thu 375 xe cơ giới, có 1 xe tăng và 229 xe còn nguyên, 18 khẩu đại bác 105 mm cùng toàn bộ vũ khí, khí tài, quân trang, quân dụng. Về hiệu quả chiến đấu, chưa có trận nào lực lượng của ta ít hơn địch tới 5 - 6 lần mà chỉ trong vòng 7 tiếng đồng hồ đã xóa sổ cả một binh đoàn cơ động, số địch bị loại khỏi vòng chiến đấu gần bằng 1/4 ở Điện Biên Phủ (gần 4.000 so với xấp xỉ 16.000 tên). Số liệu trên đây được Trung tướng Khiếu Anh Lân, nguyên quyền Tham mưu trưởng Trung đoàn 96 xác nhận (in trong cuốn Trung đoàn 96 - Nxb QĐND - trang 39) và đã được khắc vào bia đá đặt tại Đắk-pơ.

Tâm sự với tôi, bác Nguyễn Tự và bác Trương Quang Quyền cho biết thêm, toàn bộ xe pháo chiến lợi phẩm ở Đắk-pơ đều được đưa lên tàu tập kết ra Bắc và nhiều năm được tham gia duyệt diễu binh trong ngày Quốc khánh 2/9. Ông Phạm Hồng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai còn cho biết thêm: Chính khẩu Garant thu được trong trận Đắk-pơ đã nổ phát súng đầu tiên vào ngày 24/10/1958 mở đầu thời kỳ đấu tranh vũ trang chống Mỹ của quân và dân Gia Lai.

Đồng chí Nguyễn Minh Châu, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 96 quán triệt nhiệm vụ cho đơn vị trước khi thực hiện nhiệm vụ. (ảnh tư liệu)

Chiến thắng Đắk-pơ được đánh giá cao không phải chỉ vì diệt được nhiều địch, thu được nhiều xe pháo… mà là vì ý nghĩa lịch sử và những tác động mang tính chiến lược của nó. Qua các tài liệu còn lưu giữ, sau thất bại của Binh đoàn cơ động 100, các binh đoàn còn lại (10, 41, 42, 21…) như bầy thú bị mất con đầu đàn, rất hoang mang, tinh thần rệu rã, nhiều đơn vị của Binh đoàn cơ động 42, mới nghe ta nổ súng đã bỏ chạy). Chiến thắng Đắk-pơ đã làm rung chuyển cả Tây Nguyên. Như đánh cờ bị mất hết xe, cả pháo, tình hình địch ở Tây Nguyên hết sức nguy khốn. Trong cuốn sách “Đông Dương hấp hối”, Tướng Na-va viết: “Tình thế nguy ngập tạo nên ở Cao Nguyên trước khi đình chiến là hậu quả trực tiếp của việc rút bỏ An Khê. Tình thế đó không thể xảy ra nếu không có cuộc rút chạy đó”.

Trước sức tấn công mạnh mẽ của quân và dân ta, đầu tháng 7/1954, quân địch đã phải rút quân, tháo chạy khỏi nhiều nơi ở Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Sau chiến thắng Đắk-pơ, quân ta tiếp tục bao vây, chuẩn bị giải phóng Cheo Reo (Phú Bổn). Ngày 17-/7, quân Pháp bỏ Plây-cu tháo chạy và bị quân ta tiêu diệt ở Chư Drek. Cùng lúc quân ta cũng áp sát và chuẩn bị đánh vào Buôn Ma Thuột… Có thể nói vào thời điểm sau chiến thắng Đắk-pơ, quân và dân ta đã đủ thế và lực để giải phóng Tây Nguyên. Các nhà quân sự chiến lược đều có chung nhận định: “Đông Dương như con voi, Tây Nguyên như lưng voi, ai ngồi lên lưng voi, thì người đó thắng”. Nỗi lo sợ nhất của Pháp lúc đó là, địa bàn chiến lược quan trọng này sắp thuộc về quân và dân Việt Nam. Tình hình địch ở Tây Nguyên trong thế ngàn cân treo sợi tóc. Nguy cơ tháo chạy là không thể tránh khỏi. Mất Tây Nguyên là mất tất cả. Và chỉ 3 ngày sau khi quân địch rút bỏ Plây-cu, ngày 20/7/1954, thực dân Pháp phải nhanh chóng hạ bút ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Được tin Trung đoàn 96 thắng trận Đắk-pơ, Bác Hồ đã gửi thư khen, trong thư Bác viết: “... Các chú hoạt động có thành tích khá, Bác vui lòng thay mặt Chính phủ khen ngợi các chú và thưởng đoàn vừa thắng khá ở An Khê, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất…”. Ai cũng hân hoan với chữ “Bác vui lòng”. Bác vui bởi chiến thắng Đắk-pơ đã góp phần rút ngắn được cuộc chiến, hòa bình sớm được ngày nào thì bộ đội và đồng bào ta đỡ đổ mồ hôi, xương máu ngày ấy.

Còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì đánh giá: “… Đây là một trận vận động phục kích lớn, dũng cảm và linh hoạt, tận dụng được yếu tố bất ngờ, sử dụng lực lượng với hiệu quả cao, đánh trúng vào chỗ yếu của địch, bồi thêm cho chúng một đòn thất bại nặng nề…”.

Người chỉ huy trong ký ức

Bồi hồi nhớ về trận chiến năm xưa, các cựu chiến binh Nguyễn Tự, Trương Quang Quyền... của Trung đoàn 96 không ngớt lời khen ngợi, thán phục Trung đoàn trưởng Nguyễn Minh Châu - người chỉ huy mưu lược, quyết đoán trong tay chỉ có 700 chiến binh đầu trần, chân đất, mà dám tung ra đánh tan cả một binh đoàn cơ động cùng với lực lượng chiếm đóng An Khê, quân số lên đến gần 4.000 tên. Đắk-pơ là chiến công chung của cả Trung đoàn 96 và các lực lượng tham gia chiến đấu nhưng với cương vị chỉ huy, đồng chí Nguyễn Minh Châu, Trung đoàn trưởng là người có công lớn nhất. Hiếm có một người chỉ huy nào mưu lược, quyết đoán, táo bạo như đồng chí Nguyễn Minh Châu.

Với thái độ trân trọng, cựu chiến binh Nguyễn Tự nói: “Hiếm có vị chỉ huy nào có gan to như vậy, thật là phi thường”. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Minh Châu, mới thành lập được 55 ngày, tổ chức chưa ổn định, Trung đoàn phó, Tham mưu trưởng chưa về kịp, Tiểu đoàn 30 đang phải kìm chân địch ở Quy Nhơn, chỉ còn lại Tiểu đoàn 40 và Tiểu đoàn 79, trang bị vũ khí còn đơn giản, nhưng với “gan vàng dạ sắt”, với những trái tim rực lửa căm thù và truyền thống anh hùng bất khuất của cha ông, Trung đoàn 96 bỗng vụt lớn nhanh như Phù Đổng, trở thành một quả đấm thép đập tan cả một binh đoàn cơ động thuộc loại mạnh nhất lúc bấy giờ”.

Kể về tài mưu lược và sự tính toán kỹ lưỡng của đồng chí Trung đoàn trưởng, cựu chiến binh Nguyễn Tự bồi hồi nhớ lại: “Để bàn tính cách đánh, Trung đoàn trưởng Nguyễn Minh Châu đã chỉ thị cho Tiểu đoàn 40 cử cán bộ chạy thật nhanh từ vị trí đứng chân của Trung đội ĐKZ ra đến chỗ đặt súng bắn chặn đầu, dùng đồng hồ xác định thời gian vận động hết bao nhiêu phút, rồi báo lên Sở chỉ huy để tính thời điểm hạ lệnh xuất kích, sao cho chiếc xe đi đầu vừa lên tới đỉnh dốc, cũng vừa hứng ngay loạt đạn ĐKZ đầu tiên của ta. Vị trí đó đường hẹp, hai bên vách đá dựng đứng, nếu một chiếc xe bị chết tại đây, thì không xe nào vượt qua nổi”. Cựu chiến binh Nguyễn Tự cũng cho biết, chiếc đồng hồ dùng để bấm giờ đánh trận Đắk-pơ được ông lưu giữ như một báu vật suốt từ ngày đó cho đến gần đây ông mới trao nó cho Bảo tàng tỉnh Gia Lai và hiện nó đang được trưng bày phục vụ khách tham quan tại bảo tàng này.

Trong trận phục kích Đắk-pơ của Trung đoàn 96, Trung đoàn trưởng Nguyễn Minh Châu bố trí Tiểu đoàn 79 có hai đại đội bộ binh trên đoạn phục kích chủ yếu dài khoảng 800 m từ cầu Đắk-pơ về phía Đông, ngược lại dùng cả Tiểu đoàn 40 với 3 đại đội bộ binh phục kích trên đoạn đường 400 m về phía Tây. Theo Trung tướng, PGS Khiếu Anh Lân, nguyên quyền Tham mưu trưởng Trung đoàn 96 trong trận Đắk-pơ: “Đây là sự vận dụng sáng tạo”. Lý giải rõ hơn về sự sáng tạo này Trung tướng Khiếu Anh Lân đã viết: “Đoạn 800 m - trận địa phục kích chủ yếu, có địa hình lý tưởng cho việc tiến công địch từ phía bắc (trên cao) xuống. Khi địch bị chặn ở phía Tây cầu Đắk-pơ thì đoạn này chính là chỗ địch bắn trả bộ đội ta ở độ tà dương, khó trúng đích mà ngược lại ta phát huy được đầy đủ các loại vũ khí, cả xung lực… Hai đoạn phục kích của hai tiểu đoàn có độ dài ngắn khác nhau, nhiệm vụ có khác nhau còn phải xét đến trình độ và khả năng chiến đấu của từng đơn vị phụ trách. Tiểu đoàn 79 tuy chỉ có hai đại đội bộ binh nhưng là hai đại đội chủ công của trung đoàn, có dàn cán bộ tiểu đội, trung đội, đại đội dạn dày kinh nghiệm, đánh công kiên cũng giỏi, đánh vận động cũng rất nhiều kinh nghiệm. Trung đoàn trưởng giao cho Tiểu đoàn 79 đánh đoạn này là rất phù hợp…”.

Đề cập đến vai trò và tài mưu lược của Trung đoàn trưởng Nguyễn Minh Châu trong chiến thắng Đắk-pơ, Đại tá, cựu chiến binh Lê Ngọc Khuê, nguyên chính trị viên Đại đội 223, Tiểu đoàn 79, Trung đoàn 96 nhớ lại: “... Ngày 17/6/1954, chúng tôi được lệnh của đồng chí Trung đoàn trưởng Nguyễn Minh Châu về trung đoàn họp để nghe phổ biến nhiệm vụ mới và kế hoạch tác chiến. Rất phấn khởi trước nhiệm vụ quan trọng mà cấp trên giao cho, nhưng chúng tôi vẫn còn có những băn khoăn lo lắng về lực lượng của ta tương đối mỏng… Đồng chí Nguyễn Minh Châu đã phân tích rất cặn kẽ, đồng chí nhấn mạnh đến thời cơ mới, khi địch đang ở thế bị động đối phó. Chiến dịch Át-lăng đang bị sa lầy ở Quy Nhơn, Tuy Hòa, nhiều binh đoàn cơ động của địch buộc phải phân tán đối phó khắp nơi. Trung đoàn 96 tuy mới tổ chức nhưng gồm những đơn vị đã kinh qua chiến đấu và chiến thắng, được trang bị khá đầy đủ so với khi mới bước vào chiến dịch. Cán bộ và chiến sĩ ta sau chiến thắng Kon Tum đã dày dạn kinh nghiệm chiến đấu... Tư tưởng được giải quyết, chúng tôi rất phấn khởi và quyết tâm đánh địch...”.

Bài 4: Hành trình tìm lại Đắk-pơ

Đắk-pơ không thể rơi vào quên lãng

Không chỉ gây tiếng vang trong nước, Đắk-pơ còn gây ấn tượng mạnh ở nước ngoài, đặc biệt là tại Pháp. Nhà văn nổi tiếng Bernard Fall (Pháp) đã viết rất kỹ về Đắk-pơ và cái chết của Binh đoàn cơ động 100 trong cuốn sách “Chiến tranh Đông Dương”. Trong cuốn “Đông Dương hấp hối”, Tướng Na-va cũng viết khá kỹ về cuộc bỏ An Khê rút chạy của Binh đoàn cơ động 100. Sau khi được trao trả về nước, các sĩ quan, binh lính Pháp cũng viết rất nhiều bài đăng trên báo chí nước ngoài ca ngợi khí phách anh hùng và tinh thần nhân đạo cao cả của Nhà nước, bộ đội và nhân dân Việt Nam. Có thể nói, Đắk-pơ đạt được thắng lợi trọn vẹn cả về quân sự và chính trị.

Thế nhưng bẵng đi suốt mấy chục năm không ai nhắc đến Đắk-pơ nữa, ngay cả sau giải phóng (1975) ngày kỷ niệm chiến thắng Đắk-pơ cũng không có các hoạt động. Chỉ trừ một số rất ít sách lưu hành nội bộ và một vài tờ báo địa phương có đề cập sơ lược, các sách, báo, phương tiện truyền thông cũng hầu như không nói, không viết gì nhiều về chiến thắng này.

Đồng chí Nguyễn Tự, Trưởng Ban Liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 96 tại Bình Định tặng Kỷ niệm chương Chiến thắng Đắk-pơ các cựu chiến binh. (ảnh do Ban Liên lạc cung cấp)

Lý giải về việc này, các cựu chiến binh Trung đoàn 96 cho rằng một phần là do ngay sau chiến thắng (tháng 10/1954), Trung đoàn 96 trong đội hình của Đại đoàn 305 tập kết ra Bắc (thực hiện hiệp định Giơ-ne-vơ) và bắt tay ngay vào nhiệm vụ mới, còn An Khê (Gia Lai) cũng chìm trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trung đoàn trưởng Nguyễn Minh Châu, một con người khiêm tốn, giản dị chỉ biết cống hiến, hy sinh chứ ít quan tâm đến khuếch trương chiến quả.

Đến nay, hầu như rất ít người biết về chiến thắng Đắk-pơ. Các em học sinh có thể thuộc lòng trận La Ngà diệt 59 xe quân sự và 150 tên địch; trận Tầm Vu diệt 20 xe; trận Cầy Giấy diệt tên Henry Rivire… nhưng hỏi đến chiến thắng Đắk-pơ diệt 375 xe, xóa sổ cả một binh đoàn cơ động với số quân bị loại khỏi vòng chiến đấu gần 4.000 tên thì không biết. Các nhà sử học, các nhà báo, nhà văn… đã bỏ quên một sự kiện rất quan trọng trước thềm Hội nghị Giơ-ne-vơ. Có chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại thì mới có chiến thắng Đắk-pơ, nhưng nếu không có chiến thắng Đắk-pơ góp phần thì Hội nghị Giơ-ne-vơ còn giậm chân tại chỗ, cuộc chiến còn kéo dài, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta còn phải hy sinh, đổ máu.

Trong thư khen gửi quân và dân ta sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Bác Hồ đã chỉ rõ rằng: “… Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bước đầu…”. Một số chiến lược gia cho rằng: Pháp thua ở Điện Biên, nên phải ký đình chiến… theo chúng tôi điều đó đúng nhưng chưa đủ. Trở lại lịch sử, nếu chỉ có Bạch Đằng mà không có Vạn Kiếp, Chương Dương, Hàm Tử (bắt sống Toa Đô) thì chúng ta không thắng được quân Nguyên. Nếu chỉ có chiến thắng Đông Đô mà không có Chi Lăng, Xương Giang, Mã Yên (chặt đầu Liễu Thăng) thì không thể đuổi được giặc Minh... Và, nếu chỉ có Điện Biên Phủ mà không có một Đắk-pơ huyền thoại thì chưa thể kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Bởi có một thực tế là sau thảm bại ở Điện Biên Phủ, quân Pháp vẫn ngoan cố thực hiện co cụm chiến lược nhằm bảo vệ lực lượng, giằng co kéo dài cuộc chiến, cố ép ta ký Hiệp định Giơ-ne-vơ với các điều khoản có lợi cho họ. Chính điều này đã khiến cho Hội nghị đàm phán giữa ta và Pháp giậm chân tại chỗ.

Trước ngày 24/6/1954, Pháp gấp rút chuẩn bị đưa thêm 3 sư đoàn cùng nhiều VKTB hiện đại sang chiến trường Việt Nam. Ngày 25/6, Pháp đề nghị với ta lấy vĩ tuyến 18 làm điểm phân chia tạm thời. Ngày 28/6, ta công bố việc phân chia tạm thời phải được thực hiện ở vĩ tuyến 13. Nhưng phía Pháp vẫn giữ những đề nghị của họ và cuộc đàm phán một lần nữa lại giậm chân tại chỗ. Nhưng khi tin Binh đoàn cơ động 100 bị tiêu diệt bay tới Giơ-ne-vơ, phía Pháp hết sức sửng sốt vì một binh đoàn cơ động tinh nhuệ vào bậc nhất của họ đã bị xóa sổ bởi một trung đoàn của Quân đội Việt Nam chỉ trong vài tiếng đồng hồ. Chiến thắng Đắk-pơ đã buộc Pháp không dám mạo hiểm thực hiện được ý đồ bổ sung quân vào Việt Nam. Bởi họ cho rằng, tăng thêm quân vào thời điểm Binh đoàn cơ động 100 vừa bị xóa sổ là đồng nghĩa với nướng thêm quân.

Về chiến thắng Đắk-pơ, nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam bày tỏ: “Cần thiết phải đánh giá đúng tầm vóc của chiến thắng này trong toàn bộ chiến cục Đông Xuân 1953 - 1954 nói chung và là chiến thắng phối hợp với Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng”.

Những chuyển động bước đầu

Hơn nửa thế kỷ đã qua đi, không ít người từng làm nên chiến thắng ngày ấy đã về với ông bà, tổ tiên, người còn cũng đã ở vào tuổi xưa nay hiếm nhưng tất cả đều đau đáu một nỗi niềm là làm sao tìm kiếm, quy tập được đầy đủ hài cốt của 149 anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh để làm nên một Đắk-pơ huyền thoại; đề nghị Đảng, Nhà nước phong tặng Trung đoàn 96 và cá nhân đồng chí Trung đoàn trưởng Nguyễn Minh Châu danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; tổ chức hội thảo khoa học nhằm đánh giá đúng tầm vóc của chiến thắng Đắk-pơ trong toàn bộ chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954; công nhận Đắk-pơ là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, xây dựng Tượng đài Chiến thắng Đắk-pơ…

Người đi tiên phong trong thực hiện nỗi niềm mong ước ấy của các cựu chiến binh Trung đoàn 96 và nhân dân An Khê là cựu chiến binh Nguyễn Tự. Ông kể: Năm 2000, chúng tôi bắt đầu đề đạt với địa phương làm các thủ tục đề nghị Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận Đắk-pơ là di tích lịch sử văn hóa; đề nghị Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho Trung đoàn 96. Đây được xem là việc làm quan trọng đầu tiên để đưa Chiến thắng Đắk-pơ vào trang sử vẻ vang chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Mọi chuyện ban đầu tưởng như khó khăn, nhất là về hồ sơ thủ tục, nhưng nhờ sự tích cực của địa phương, lại được các ban, ngành quan tâm nên ngày 10/4/2001, Trung đoàn 96 - Liên khu 5 (hiện nay là Đơn vị 96, Đoàn 309, Binh đoàn Cửu Long) được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và ngày 22/12/2001, địa điểm Chiến thắng Đắk-pơ được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa. Khó có thể tả hết niềm vui sướng của các cựu chiến binh Trung đoàn 96 trước các sự kiện này.

Ông Nguyễn Tự tâm sự: “Chúng tôi đã có gần 20 năm theo đuổi để thực hiện tâm nguyện”. Cho đến bây giờ ông cũng không nhớ rõ mình đã soạn biết bao văn bản, gửi đến bao nhiêu nơi, đi đến bao nhiêu chỗ, gặp biết bao nhiêu người… để tập hợp tài liệu, hoàn chỉnh hồ sơ, đề đạt nguyện vọng đưa Chiến thắng Đắk-pơ về với đúng tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của nó. Ban Liên lạc đã có người nản lòng nhưng cựu chiến binh Lê Tự vẫn động viên “Hãy biết chờ đợi và hy vọng”. Việc tổ chức lễ dâng hương kỷ niệm Chiến thắng Đắk-pơ hàng năm, ban đầu thì các cựu chiến binh tự đứng ra tổ chức, rồi “kéo” địa phương vào cuộc và quy mô, tầm vóc cứ lớn dần. Cho đến năm 2004 và năm 2009, lễ kỷ niệm 50 năm, 55 năm chiến thắng Đắk-pơ đã được huyện An Khê và tỉnh Gia Lai tổ chức trọng thể. Nhân kỷ niệm 55 năm chiến thắng Đắk-pơ (24/6/1954 - 24/6/2009), đồng chí Lê Tự cùng Ban Liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 96 tiếp tục làm đơn thỉnh nguyện gửi tới Bộ Chính trị; Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ; Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương và Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5… đề nghị truy tặng Thượng tướng Nguyễn Minh Châu, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 96 - Liên khu 5 danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Cho đến tận bây giờ, cựu chiến binh Nguyễn Tự vẫn nhớ như in những dòng chữ trong lá đơn thỉnh nguyện. Ông viết: “Trong chiến đấu, nhiều đồng chí có thành tích đặc biệt xuất sắc và chỉ tỏa sáng trong khoảnh khắc như: La Văn Cầu, Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Nguyễn Quốc Trị… đều được Nhà nước phong tặng hoặc truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đồng chí Nguyễn Minh Châu chỉ huy Trung đoàn 96 diệt gọn Binh đoàn cơ động 100 của Pháp, chiến thắng Đắk-pơ được Bác Hồ vui lòng khen ngợi, đã giải tỏa được tình trạng giậm chân tại chỗ của Hội nghị Giơ-ne-vơ, có ý nghĩa quan trọng chẳng những đối với Tây Nguyên mà còn đối với cả nước, góp phần kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đây là chiến công của Trung đoàn 96 và quân - dân An Khê, trong đó công đầu lớn nhất thuộc về đồng chí Nguyễn Minh Châu và đây cũng là thành tích đặc biệt xuất sắc, được tỏa sáng trong khoảnh khắc của đồng chí Trung đoàn trưởng…”.

Đơn gửi đi, ông Tự và các cựu chiến binh nóng lòng chờ đợi. Thế rồi đúng dịp kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5, Ban Liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 96 tại Bình Định nhận được tin: Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chính thức có ý kiến với Bộ Quốc phòng và Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương về việc truy tặng đồng chí Nguyễn Minh Châu, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 96 - Liên khu 5 danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tiếp đó, Ban Liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 96 nhận được công văn số 992/BTL-CCT của Bộ Tư lệnh Quân khu 5. Nội dung công văn cho biết, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã cho ý kiến chỉ đạo Tổng cục Chính trị và các cơ quan chức năng về việc thẩm định thành tích đề nghị truy tặng Thượng tướng Nguyễn Minh Châu, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 96 - Liên khu 5 danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, theo “Đơn thỉnh nguyện” của Ban Liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 96 - Liên khu 5. Hồ sơ, thủ tục đề nghị truy tặng được Ban Liên lạc phối hợp với địa phương và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 nhanh chóng hoàn tất. Và cho đến ngày 23/2/2010, Thượng tướng Nguyễn Minh Châu (Năm Ngà), nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 96 chủ lực thuộc Liên khu 5 đã được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Sự ghi nhận trong các cuốn sách lưu hành nội bộ; xây dựng Đài tưởng niệm liệt sĩ Đắk-pơ; công nhận Đắk-pơ là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia; phong tặng Trung đoàn 96 và truy tặng Thượng tướng Nguyễn Minh Châu danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân… phần nào cho thấy Đảng, Nhà nước và nhân dân đã đánh giá, ứng xử đúng với chiến thắng này cũng như chiến công của Trung đoàn 96 và nhân dân An Khê (nay là Đak Pơ).

Trọng Tín - Văn phòng HĐND và UBND huyện
Theo qdnd.vn


Cơ quan: UBND huyện Đak Pơ tỉnh Gia Lai
Địa chỉ: Tổ dân phố 2, thị trấn Đak Pơ, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai
Điện thoại: (0269) 3 738 275
Email: ubnddakpo@gialai.gov.vn
Fax: (0269) 3 738 275
Chung nhan Tin Nhiem Mang