CHUYÊN MỤC








Trang chủ > Tin Tức > Nông nghiệp và phát triển nông thôn > Người phụ nữ Mông thoát nghèo nhờ tiết kiệm

Người phụ nữ Mông thoát nghèo nhờ tiết kiệm

Ngày đăng bài: 25/12/2014
Cùng với việc xây dựng ổn định đời sống văn hóa, chị em phụ nữ ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của mình trong các phong trào ở địa phương, nhất là phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho gia đình. Một trong những tấm gương đó là chị Phùng Thị Dí, người dân tộc Mông, ở làng Ghép, xã Ya Hội.

Rời quê hương Cao Bằng, gia đình chị Dí vào xã Ya Hội lập nghiệp; những mong cuộc sống sẽ cải thiện hơn, con cái sẽ được ăn học đến nơi đến chốn. Thế nhưng, không đất canh tác, không có vốn, nhà cửa thì tạm bợ, 5 miệng ăn cứ thế sống trầy trật, bữa đói, bữa no qua ngày. Và rồi, không cam chịu cái nghèo, chị quyết tâm phải phát triển kinh tế gia đình, nhưng trước hết phải xóa mù chữ, bởi chỉ khi biết chữ thì chị mới có thể tiếp cận được vốn vay cũng như khoa học kỹ thuật. Đầu tiên, chị đăng ký lớp học xóa mù chữ cấp tốc, rồi chị lại mạnh dạn tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, lớp đào tạo nghề trồng trọt ngắn hạn tại xã… dần dần chị đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu cho bản thân.


chi-Phung-Thi-Di-(3).jpg

Không dừng lại ở đó, chị bàn với chồng làm đơn vay vốn ngân hàng với số tiền 5 triệu đồng; cộng với số vốn ít ỏi gia đình dành dụm được để canh tác lúa, mì trên diện tích 2 sào đất được anh, em, họ hàng cho mượn. Thời gian rảnh, hai vợ chồng chị lại tranh thủ làm thuê, làm mướn để “lấy ngắn nuôi dài”, đồng thời chị cũng thực hiện tiết kiệm tối đa trong chi tiêu gia đình để tạo nguồn vốn sản xuất. Chị bảo: “Càng nghèo thì càng phải tiết kiệm để tích lũy dần nguồn vốn trong quá trình lao động sản xuất”. Bên cạnh đó, vốn là con nhà nông nên chị hiểu đất sản xuất là nguồn tài sản vô giá, 2 vợ chồng bàn nhau góp tiền mua đất. Hiện, vợ chồng chị đã có 2 ha đất trồng lúa, mì, mía, bắp. Khi có đất, ngày ngày chị không quản ngại nắng mưa, luôn có mặt trên nương rẫy từ sáng đến tối với mong muốn “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Nhờ đó, kinh tế gia đình chị dần ổn định. Gia đình chị đã sắm được những vật dụng có giá trị trong gia đình và nuôi dạy các con ăn học, lập gia đình. Gia đình chị đã thoát khỏi cảnh bữa đói, bữa no và không còn nằm trong danh sách hộ nghèo của địa phương. Mỗi năm, trừ chi phí sản xuất, gia đình chị thu nhập được 50 triệu đồng, cuộc sống ngày càng được nâng cao. Chị Phùng Thị Dí chia sẻ: “Gia đình chuyển về đây, cuộc sống khó khăn, rất khổ. Anh, chị, em cho mượn đất để làm. Hai vợ chồng tích góp tiền lại để mua trâu, bò, mua đất. Sau đó được tham gia lớp học nghề ngắn hạn tại xã. Qua việc học, mình đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật để chăm sóc cây trồng, phòng trừ sâu bệnh, cây trồng đạt năng suất cao. Cuộc sống gia đình ngày càng nâng cao”.
 Đặc biệt, chị Dí còn tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động và thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm làm ăn để chị em phụ nữ trong chi hội biết và thoát nghèo như mình. Những năm qua, gia đình chị đã giúp cho 4 chị hội viên nghèo với số tiền 15 triệu đồng, 1 con trâu giống, 1 con bò giống và nhiều ngày công lao động. Đó là các chị Hoàng Thị Sào, Hoàng Thị Sô... Chị La Thị Phương, Phó Chủ tịch Hội phụ nữ xã Ya Hội cho chúng tôi biết: “Chị Dí là một hội viên rất tích cực và gương mẫu. Chị luôn tuyên truyền và vận động cho chị em cùng tham gia và cùng học hỏi để mọi người có kiến thức về chăm sóc cây trồng và áp dung tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất”.
 So với nhiều phụ nữ khác, chị Dí chưa phải là người làm kinh tế giỏi nhất, song chị lại là tấm gương điển hình cho những phụ nữ người dân tộc thiểu số dám nghĩ, dám làm, vượt khó, làm giàu.
Lan Anh (Đài TT- TH Đak Pơ)


Cơ quan: UBND huyện Đak Pơ tỉnh Gia Lai
Địa chỉ: Tổ dân phố 2, thị trấn Đak Pơ, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai
Điện thoại: (0269) 3 738 275
Email: ubnddakpo@gialai.gov.vn
Fax: (0269) 3 738 275
Chung nhan Tin Nhiem Mang