CHUYÊN MỤC








Trang chủ > Tin Tức > Kinh tế - Văn hóa - Xã hội > Ông Đinh Du – Nỗ lực giữ gìn truyền thống dân tộc

Ông Đinh Du – Nỗ lực giữ gìn truyền thống dân tộc

Ngày đăng bài: 08/11/2019
Giữ lại được những gì cho con cháu mai sau? Đó là câu hỏi luôn thường trực trong tâm trí của những già làng ở Đak Pơ. Khi mà những năm qua, những nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc mình đang dần mai một. Chính những trăn trở ấy, đã thôi thúc ông Đinh Du, làng Hven, Thị trấn Đak Pơ  phải hành động, với mong ước, con cháu đời sau có thể tiếp nối ông cha, giữ gìn và phát huy nét văn hóa truyền thống của dân tộc.
DSC_0258.jpg

Chúng tôi gặp ông Đinh Du tại nhà riêng của ông (Làng Hven, Thị trấn Đak Pơ) khi ông đang cùng với hai người đàn ông khác trong làng vừa uống trà, vừa chơi đàn Goong – một loại nhạc cụ truyền thống của người Ba Na. Tiếng đàn goong vang lên réo rắt, trong veo, khiến người nghe vô cùng thích thú. Anh Đinh Rôn (Làng Hven, Thị trấn Đak Pơ) vui vẻ cho biết, bà con trong làng, từ lớn đến nhỏ, hầu hết đều là học trò của ông Đinh Du. Những người tuổi trung niên như anh thì theo học chơi đàn Goong, đám thanh niên, thiếu niên thì học đánh chiêng chỉnh chiêng, con gái thì học múa xoang. Ai thích thì ông Du dạy cho đan lát và làm cả nhạc cụ nữa.
Trong cộng đồng người dân tộc Ba Na ở Đak Pơ, thì ông Đinh Du có tiếng là một nghệ nhân đa tài, Ông được dân làng yêu mến bởi ông không chỉ đánh chiêng giỏi, múa xoang dẻo, hát dân ca hay mà còn biết chế tác nhiều loại nhạc cụ, kể được nhiều bài sử thi. Những giai điệu gần gũi, thân thương của cồng chiêng, của âm nhạc truyền thống gắn với cuộc sống hằng ngày của người dân trong làng đã được ông Đinh Du giữ gìn, yêu quý và nỗ lực để truyền dạy cho các thế hệ con cháu.  
Theo ông Đinh Du, ngày xưa đồng bào Ba Na có rất nhiều lễ hội để cho người dân được biểu diễn cồng chiêng, múa xoang, chơi các loại nhạc cụ dân tộc. Nhưng bây giờ, nhiều lễ hội không còn phù hợp để duy trì. Bên cạnh đó, tác động của lối sống hiện đại nên bọn trẻ trong làng cũng không mặn mà với văn hoá, nhạc cụ truyền thống nữa. Ông lo rằng nếu cứ thế này thì mai này khi lớp người già về với tổ tiên, thì cồng chiêng, rồi đàn goong, Kny hay những nét văn hóa đặc sắc khác của người Ba Na như dệt thổ cẩm, đan gùi…sẽ chẳng mấy mà trôi vào quên lãng. Vậy là, cứ mỗi lúc rảnh rỗi, khi lũ trẻ trong làng, trong xã được nghỉ hè, ông Đinh Du lại vận động các cháu đến nhà để nghe, xem và dạy cho chúng cách đánh cồng chiêng, múa xoang, cách chơi các loại nhạc cụ dân tộc mà ông có. Bao năm nay, ông luôn miệt mài vận động, chỉ dạy cho các lớp từ đàn ông, phụ nữ đến thanh thiếu niên trong làng về cồng chiêng, múa xoang, và các loại nhạc cụ dân tộc khác mà không hề có một đồng tiền công nào.
Mấy năm nay, vào những tối cuối tuần, những đợt lễ tết, trong sân nhà ông Đinh Du, khi thì vang lên tiếng đàn goong réo rắt, lúc lại rộn ràng tiếng cồng chiêng, nối nhịp vòng xoang. Người đàn ông dáng đã hơi còng, mái tóc đã điểm bạc, với đôi tay da đã nhăn lại vì tuổi tác, vẫn cần mẫn cầm tay, chỉ bảo từng em nhỏ từ cách cầm dùi, nâng chiêng, gõ nhịp chiêng, cách bấm đừng phím đàn... thầy và trò vui vẻ trao đổi với nhau bằng chính ngôn ngữ của dân tộc mình. Ông Đinh Du truyền dạy chủ yếu bằng miệng, bằng những kinh nghiệm mình đã tích lũy được qua bao mùa rẫy. Bằng tất cả sự tâm huyết và lòng tự hào dân tộc. Thế nhưng, qua những lớp học như thế, đám trẻ trong làng đứa nào cũng thích. Để từ đó, tiếng chiêng, tiếng đàn của người Ba Na sẽ mãi mãi vang vọng cùng với núi rừng Tây Nguyên.
                                                                            Nguyễn Hiền
 


Cơ quan: UBND huyện Đak Pơ tỉnh Gia Lai
Địa chỉ: Tổ dân phố 2, thị trấn Đak Pơ, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai
Điện thoại: (0269) 3 738 275
Email: ubnddakpo@gialai.gov.vn
Fax: (0269) 3 738 275
Chung nhan Tin Nhiem Mang