Người giữ hồn Sử thi Bahnar

Người giữ hồn Sử thi Bahnar

Chúng tôi trở lại làng Kliêt, xã Ya Hội và tìm đến nhà ông Đinh Tim - Người thuộc sử thi hơamon Bahnar nhiều nhất xã Ya Hội, ông đang ngồi trầm ngâm hút thuốc trước nhà, một thói quen hằng ngày của ông. 

Sinh ra trong gia đình có 5 anh em, ông Tim là người không chỉ hát sử thi giỏi mà còn biết cúng (sơmah kuai). Khi còn nhỏ, ông thường theo cha đi khắp nơi, kể cả trong và ngoài làng. Đến khoảng năm lên 10 thì ông biết được việc hơamon của cha mình - ông Phut (qua lời kể của ông Tim thì ông Phút là người thuộc nhiều sử thi).
Quá trình theo cha khi đi làm, lúc đi chơi đã khiến cậu bé Tim nhớ được nhiều câu chuyện do ông Phut hát kể. Đến 14, 15 tuổi, Tim đã có thể hát kể được nhiều đoạn hoặc những câu chuyện ngắn; cùng với ông Phut, những người có công giúp Tim trở thành một nghệ nhân có khả năng hát kể sử thi dồi dào như ngày nay là các ông Vêk, Têt và Sư, đều là người Bahnar ở làng Pốt, xã Song An, nay thuộc thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai.
image001.jpg
Ông Đinh Tim - làng Kliêt, xã Ya Hội
Ông Tim vẫn giữ thói quen hơamon khi có người yêu cầu, kể cả bà con ở trong và ngoài làng. Ông có thể hát kể cả trong nhà rông, nhà ở hay ngoài nhà rẫy. Tim cũng chỉ chủ yếu hút thuốc trước và sau khi hát kể. Những lần hát theo yêu cầu của dân làng ấy, ông Tim sau này đều thường nhận được những lời khen và thuốc hút từ cộng đồng.
Mỗi hơmon thường kéo dài từ 1 vài đêm trở lên, có khi kéo dài cả tuần. Do đó, ông thường nằm, ngồi để hát, mỗi lần hát cũng chỉ kéo dài độ 35 - 40 phút là dừng để uống nước, hút thuốc. 
Theo ông Tim, Người nghe: ngồi thành từng nhóm quanh những đống lửa chăm chú lắng nghe diễn biến của sử thi từ sự kiện này sang sự kiện khác, khiến cho mọi người hòa nhập với mạch kể của sử thi. Số lượng đông đảo người nghe tạo thêm niềm hưng phấn cho tâm lý và giọng điệu, diễn tấu của người kể, khiến cho câu chuyện càng thêm hấp dẫn, lôi cuốn.
Ông thường hát đến độ 11, 12 giờ đêm thì nghỉ, lí do là vì mệt, đau cổ họng hoặc vì để lấy sức mai đi làm rẫy. Ông không kiêng cữ gì khi hát, nhưng cạnh đám tang hoặc bên nhà người mới mất, ông không bao giờ hơmon. Những năm gần đây, số lần hát kể của ông đang giảm dần, thậm chí cả năm có khi không thực hành lần nào. Ông Tim có thể kể trong nhiều tư thế: nằm ngửa trên chiếu, gác tay lên trán, nằm nghiêng hoặc ngồi. Theo ông, trong việc hát kể; ông thường hát sau bữa cơm tối để hát kể cho bạn bè, con cháu và mọi người trong dòng họ và nếu kể cho dân làng nghe ở các lễ hội thì ông thường kể ở nhà Rông của làng. Ông nói lúc hát kể ông không quan tâm đến bên ngoài chỉ hòa mình vào câu chuyện mình đang kể, ông hóa mình làm những nhân vật trong câu chuyện bằng những động tác tay chân múa máy hoặc là lúc cười nói, khóc... Thường ông kể một bài dài nhất khoảng 2 đến 3 ngày, ngắn nhất khoảng 1 ngày. Ông thường hay kể nhất và nhớ nhất là bài: Diông Dik Diu tông hơbo/Diông trộm ngô, Diông pơm rông/Diông làm nhà rông, Diông năm krâu ka/Diông đi xúc cá.
   

image002.jpg
Ảnh: minh họa
Đang say xưa kể về câu chuyện của mình, bổng nhiên ông dừng lại, gương mặt không dấu được nỗi buồn, ông tâm sự: Mấy đứa trẻ bây giờ không đứa nào chịu học Hơamon, chỉ lo xem phim, trò chơi điện tử, internet, ca nhạc..., trong làng không có nhiều người thuộc Hơamon.  
Như mọi câu chuyện cùng loại khác, sử thi Hơamon có nhiều giá trị tạo cho mọi người không khí vui tươi, phấn khởi sau một ngày làm mệt nhọc nhưng loại hình Di sản này đang đứng trước nguy cơ mai một rất lớn. Ngày 29/10/2014, đoàn công tác của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh và Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã có buổi làm việc với xã Ya Hội, bà con dân làng Kliêt nhất thống nhất đề nghị Chủ tịch nước công nhận nghệ nhân ưu tú đợt 1 năm 2015 cho ông Đinh Tim.
Hiện nay, tại cộng đồng chưa có biện pháp gì để bảo vệ sử thi Bahnar, trong khi đó, lớp trẻ có biểu hiện quay lưng lại với giá trị này. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần có nhiều biện pháp trong việc đào tạo thế hệ trẻ, những người có đủ kỹ năng như có giọng khỏe, trí nhớ tốt theo học hát kể sử thi với các nghệ nhân, khuyến khích và có chế độ đãi ngộ các nghệ nhân tham gia truyền dạy sử thi cho thế hệ sau. Qua đó, bảo tồn được những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Bahnar trên địa bàn huyện Đak Pơ nói riêng và Tây nguyên nói chung.
Thanh Hiền - Phòng Văn hóa và Thông tin.

Quay lại