10 năm thành lập huyện Đak Pơ: Miền đất cũ và bao điều ước mới kỳ II

10 năm thành lập huyện Đak Pơ: Miền đất cũ và bao điều ước mới kỳ II

Trận đánh quyết định

Sau hai ngày quân đội thực dân Pháp đánh chiếm thị xã Pleiku, ngày 26-6-1946 cùng với cả vùng An Khê, một phần phía Tây-Đak Pơ bây giờ cũng lọt vào tay chúng. Từ đây, cuộc kháng chiến chống Pháp của bà con các dân tộc Đak Pơ trở nên khốc liệt. Nhiều tài liệu nói rằng, sau khi đánh chiếm An Khê và các vùng lân cận, giặc Pháp tiến hành bằng nhiều thủ đoạn tập trung xây dựng vùng này trở thành bàn đạp để tiến công, phá rối vùng tự do Trung châu của ta và ngăn chặn các hoạt động của phong trào cách mạng ở địa phương.


Và chúng đã bước đầu thành công trong ý đồ nham hiểm ấy. Hàng loạt đồn bốt được dựng lên và tái dựng lại từ Ka Nak, Tú Thủy, An Thạch, Cửu An, Eo Gió, Thượng An, Hòn Cỏ, Đồn Chùa, Kà Tung, Xà Huồng, Hà Tam... Bao làng thôn, bao người dân lương thiện, từ đấy chìm trong tối tăm bởi sự đàn áp, khủng bố, bắt bớ, giết chóc hàng ngày, hàng giờ của giặc.

Chúng ta thử hình dung, khi mà phong trào cách mạng ở nơi này chưa mạnh, lại chịu sự đàn áp của giặc Pháp, người dân sống trong cảnh kìm kẹp, bố ráp, đời sống vật chất lại vô cùng khó khổ, nếu như không phải với một tinh thần yêu nước, thương nòi, đùm bọc, che chở lẫn nhau thì chuyện gì đã xảy ra. “Phong trào tạm lắng, phong trào lại lên”, có thể nói như là một quy luật vậy. Sau một thời gian móc nối, gầy dựng và củng cố lại cơ sở vùng địch hậu và xây dựng lực lượng bán vũ trang và vũ trang, cả vùng An Khê-Đak Pơ, phong trào lại chuyển sang thế có lợi cho cách mạng. Bắt đầu đã có nhiều trận đánh lớn, nhỏ diễn ra, giặc tại nhiều điểm chốt rúm lại. Bà con các dân tộc trong vùng chớp lấy thời cơ, phá rã nhiều điểm dồn dân lập ấp trở về làng cũ, mà một trong những điển hình là Stơr, làng của anh Núp; là Ya Hội, xã của những chàng đảng viên Bahnar kiên trung, để rồi sau đó Núp trở thành người con đầu đàn của Tây Nguyên xây làng đánh giặc, mở ra một thời kỳ đánh Pháp bằng hầm chông, bẫy đá, bằng cung tên, nỏ ná, bằng ý chí kiên cường với truyền thống bất khuất của những người con núi rừng có bề dày nhiều trăm năm đấu tranh để sinh tồn và chống trả các loại giặc giã để tự cứu mình, với một lời nguyền từ Núp “nếu địch có đánh còn một người cũng chống lại, nếu chẳng may bị địch bắt một vài người cũng không thèm đi chuộc-chết thôi, không hàng”. Đúng vậy, 9 lần dời làng, phá khu dồn trở về làng cũ mà chỉ với chưa đầy hai chục nóc nhà với một ngôi làng chỉ chừng 6, 7 chục người dân.

Và để rồi, một Ya Hội khi ấy, xã chỉ với 21 làng, chưa đầy 3 ngàn người với 100% bà con Bahnar mà ngay từ những ngày đầu kháng chiến nó đã trở thành tấm gương cho cả vùng Tây Nguyên noi theo làm cách mạng với danh hiệu “Xã kiểu mẫu”-được coi là “xã chiến đấu miền núi tiêu biểu của Tây Nguyên” do các đại biểu dự hội nghị về du kích chiến tranh Liên khu V hồi cuối năm 1952 bầu chọn.


Qua các phương tiện truyền thông đại chúng, điều đáng buồn thay là khi biết được ngày nay có một thế hệ học sinh, một bộ phận không nhỏ-người Tây Nguyên ta còn khá xa lạ với một bản anh hùng ca từ trận phục kích quy mô và chiến thắng oanh liệt vào bật nhất ở miền Nam vào thời kỳ chống Pháp-Đak Pơ. Lịch sử Đảng bộ huyện An Khê (sách đã dẫn, trang 115, 116), ghi: “Thắng lợi ở mặt trận Điện Biên Phủ đã cổ vũ tinh thần kháng chiến trên khắp các chiến trường trong cả nước, làm suy sụp ý chí xâm lược của kẻ thù... Ngày 24-6-1954, toàn bộ lực lượng địch (từ vùng An Khê-N.V) rút về Pleiku theo đường 19, đã bị Trung đoàn 96, Trung đoàn 120 (chủ lực), Đại đội 54, 68 của tỉnh (Gia Lai-N.V) và bộ đội địa phương An Khê, Đặc khu Tân An, mai phục tiến công tiêu diệt hoàn toàn Binh đoàn Cơ động 100 và các đơn vị khác.

   Untitled-1.jpg

trên 700 lính Âu Phi chết và bị thương, 1.200 tên khác bị bắt sống, thu 229 xe cơ giới, 20 đại bác và trên 1.000 súng các loại. Quân du kích và nhân dân các xã Ya Hội, Yang Bắc, Ka Nak, An Tân... còn truy lùng tàn quân bắt thêm nhiều tên khác”.

       Untitled-13-(2).jpg   

Chỉ sau ba ngày chiến thắng Đak Pơ, ngày 28-6-1954, Bác Hồ đã gởi thư khen: “Các chú hoạt động có thành tích khá, Bác vui lòng thay Chính phủ khen ngợi các chú và thưởng Đoàn vừa thắng khá ở An Khê Huân chương Kháng chiến hạng nhất.

Bác khuyên toàn thể cán bộ, chiến sĩ cần nắm vững tình hình địch, thi đua giết giặc lập công, phải ra sức dân vận và ngụy vận.

Chớ vì thắng mà kiêu và chủ quan khinh địch, ra sức tranh thủ lấy thành tích to hơn nữa.

Bác chờ nhiều tin thắng lợi của các chú và thân       ái hỏi thăm đồng bào trong đó
”.

Một chiến công mà từ đó cả một vùng đất rộng lớn với nhiều đơn vị hành chính nằm về phía Đông dãy Trường Sơn với hàng chục vạn dân, hàng trăm thôn làng được giải phóng khỏi tay thực dân Pháp và tay sai phản động của chúng, nó cũng đồng thời góp phần to lớn đập tan ý chí xâm lược của giặc Pháp đối với nước ta, buộc chúng phải ký Hiệp định Giơnevơ công nhận chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, ngừng bắn trên toàn cõi Đông Dương.

Chiến công lẫy lừng ấy nhanh chóng lan truyền khắp núi rừng Tây Nguyên, nức lòng của bao đồng bào, đồng chí. Tưng bừng những ngày hội mừng chiến thắng, vui đón nhận thư khen, một phần thưởng cao quý của Bác Hồ dành cho quân và dân Gia Lai, An Khê, Đak Pơ, cho Trung đoàn 96... được khai mở. Đồng bào Kinh, Thượng, những người từng kề vai sát cánh, chung lưng đấu cật trong gian khổ và ác liệt suốt cả cuộc chiến chống giặc xâm lăng, giờ đây như nối thêm vòng tay lớn với “bài ca kết đoàn”, sẵn sàng bước vào cuộc trường chinh với một loại giặc mới và khó khăn mới trong khi đất nước chuẩn bị cho một cuộc chia cắt, phân li...

Tuy có một bộ phận trong chúng ta chưa biết nhiều về trận đánh có một không hai này ở miền Nam thuở ấy, nhưng không khó khăn mấy và cũng chưa hề muộn, nếu ai đó muốn tìm hiểu và biết sâu hơn về một sự kiện lịch sử của một thời oanh liệt, một trận đánh-cuối-cùng này mang tên Đak Pơ thì đã có quá nhiều tài liệu trong và ngoài nước đề cập đến nó. Song, người viết bài này vẫn muốn “liệt kê” lại vài con số như trên mong hầu thỏa mãn phần nào của người đọc-về trận đánh quyết định này!

                                                                                                                                            Theo baogialai.com.vn

Quay lại